Lưu ý ăn uống trước và trong chuyến du xuân
Khi được xa nhà và tạm gác các bộn bề lo toan hàng ngày trong dịp Tết, chúng ta thường có tư tưởng "ăn hết sức, xả hết mình" mà không cần phải ngần ngại nhiều điều. Chính vì thế, hầu hết mọi người thường ăn uống "quá chén" và sinh hoạt ngủ nghỉ không điều độ. Việc ăn nhiều hơn về số lượng và chất lượng trong các bữa ăn, rất dễ dẫn đến tình trạng dư thừa năng lượng và lên cân.
Cần lưu ý, hệ tiêu hóa, đặc biệt bộ phận đường ruột được coi là bộ não thứ hai của cơ thể, vì chúng chứa hơn 100 triệu neuron. Ngoài chức năng tiêu hóa và trao đổi chất, ruột còn có thể truyền thông tin đến não bộ và có thể tác động trực tiếp đến sức khỏe, tâm trạng và tinh thần của con người. Vì thế, cần chú ý đến chế độ ăn uống của bản thân để sức khỏe đường ruột được duy trì tốt, từ đó chúng ta mới có tinh thần phấn chấn, tâm trạng vui vẻ trước chuyến hành trình du xuân của mình. Thực chất, chúng ta không cần phải "ăn kiêng" trong những ngày Tết mà chỉ cần thay đổi thói quen ăn uống sao cho lành mạnh hơn, hợp lý hơn.
Những món ăn ngày Tết như bánh chưng, bánh tét cung cấp nhiều chất đường bột, chất đạm, nhiều chất béo từ mỡ động vật, nhưng lại thiếu chất xơ. Những món ăn kèm như dưa món, củ kiệu chứa nhiều chất xơ, làm tăng hương vị và giảm cảm giác ngán, nhưng những món này có hàm lượng muối rất cao. Các loại bánh mứt chứa nhiều đường đơn lại ít chất xơ và các vi chất thiết yếu (vitamin và chất khoáng). Việc ăn nhiều các loại thức ăn giàu năng lượng, nhiều muối, đường và chất béo như trên có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đặc biệt đối với người già và trẻ em.
Để đảm bảo các bữa ăn được đầy đủ về số lượng và chất lượng, chúng ta cần lên kế hoạch mua thực phẩm một cách hợp lý. Cần chọn lựa thực phẩm một cách khéo léo để thực đơn ngày Tết của chúng ta vẫn được tròn vị và chứa đủ chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Chúng ta có thể thay thế những loại bánh mứt bằng những loại hạt giàu chất đạm, chất béo tốt (omega-3) như hạt điều, hướng dương, hạnh nhân, mắc ca, óc chó…
Đối với các bữa ăn, để tránh việc ăn dư thừa mức năng lượng, chúng ta có thể ăn một đĩa rau xanh trước bữa ăn chính để giảm cơn thèm ăn, giúp nhanh no và tiêu hóa tốt. Những món ăn ngày Tết như bánh chưng, thịt kho trứng chúng ta vẫn có thể thưởng thức nhưng với lượng vừa đủ, và ăn kèm với các loại rau như rau thơm sẽ giúp nhanh no nhưng lại bổ sung thêm chất xơ và làm tăng hương vị món ăn.
Đối với các bữa ăn, để tránh việc ăn dư thừa mức năng lượng, chúng ta có thể ăn một đĩa rau xanh trước bữa ăn chính để giảm cơn thèm ăn, giúp nhanh no và tiêu hóa tốt. Những món ăn ngày Tết như bánh chưng, thịt kho trứng chúng ta vẫn có thể thưởng thức nhưng với lượng vừa đủ, và ăn kèm với các loại rau như rau thơm sẽ giúp nhanh no nhưng lại bổ sung thêm chất xơ và làm tăng hương vị món ăn.
Bên cạnh đó việc ăn chậm và nhai kỹ sẽ giúp thức ăn được tiêu hóa tốt hơn. Hãy dành một ít phút trong bữa ăn để nghỉ ngơi hoặc nói chuyện với mọi người trong bữa ăn để cảm thấy nhanh no và bớt thèm ăn. Việc uống nhiều rượu bia trong khi tiếp khách cũng có thể được hạn chế với một cốc nước lọc theo tỷ lệ 1:1 (một cốc bia kèm theo một cốc nước lọc).
“Bí kíp” du xuân vui khỏe
Thực tế thức ăn cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng cho cơ thể, nhưng khi ăn trở nên xấu hay tốt còn phụ thuộc vào cách ăn uống và chế độ sinh hoạt của mỗi người. Để có tình trạng sức khỏe tốt và ổn định trong những chuyến du xuân, chúng ta cần ăn uống đúng giờ và đủ chất.
Bên cạnh đó, việc ngủ nghỉ cũng phải điều độ, đặc biệt là trẻ nhỏ nên ngủ đúng giờ, đủ 8 tiếng/ngày. Chúng ta nên áp dụng một số phương pháp sau đây để có chuyến du lịch vui vẻ, khỏe mạnh và trọn vẹn hơn: Lập kế hoạch đi chơi trong ngày một cách hợp lý, đảm bảo đầy đủ các bữa ăn, ăn đúng giờ, đầy đủ 3 bữa trong ngày và nghỉ ngơi hợp lý để duy trì năng lượng trong chuyến hành trình.
Khi phải ngồi trên những chuyến bay hay chuyến xe đường dài, việc mang theo nước lọc, nước uống ion, sữa tươi hay sữa chua rất quan trọng vì sẽ tiếp nước, bổ sung các chất điện giải cho cơ thể, vừa giúp tránh tình trạng mệt mỏi, vừa giúp tiêu hóa tốt thức ăn. Không nên bỏ đói cơ thể trong nhiều giờ, vì chúng ta sẽ có xu hướng thèm và tiêu thụ các loại thực phẩm chứa nhiều đường, muối, chất béo như bánh kẹo, thức ăn nhanh, snack, nước uống có ga.
Cần chuẩn bị sẵn thức ăn nhanh để tiếp thêm năng lượng, tránh trường hợp bị đói hay không quen đồ ăn địa phương. Việc ăn nhẹ các loại thực phẩm trên giúp người già không bị tụt huyết áp, và giúp trẻ em không bị mệt mỏi trong chuyến đi. Các loại thức ăn như trái cây giàu vitamin, chất khoáng giúp cơ thể có thêm năng lượng, ổn định lượng đường trong máu, tăng sức đề kháng. Các loại ngũ cốc ăn liền cũng rất tiện lợi khi chúng vừa cung cấp nhiều năng lượng lại giàu chất xơ. Trứng luộc, phô mai hay những loại hạt giàu đạm và canxi giúp ta có cảm giác no lâu, không lo bị đói.
Cần lưu ý những địa điểm ăn uống. Chúng ta có thể tham khảo trước chuyến đi hoặc hỏi người dân địa phương những chỗ ăn ngon và hợp vệ sinh. Khi không quen với các món ăn ở nước ngoài, cần hỏi kỹ cách chế biến, nguyên liệu để yêu cầu điều chỉnh hợp lý, đặc biệt những người già hay trẻ em cần lưu ý tới các món ăn lạ.
Cần chuẩn bị thuốc tiêu hóa, hay men tiêu hóa để tránh việc bị đầy hơi, trướng bụng. Việc chuẩn bị gừng tươi hay trà gừng cũng rất tốt cho hệ tiêu hóa. Ngoài ra, chúng ta nên mang theo thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc chống say tàu xe, thuốc chống dị ứng, trị tiêu chảy... cũng nên mang một bao bông gòn nhỏ, vài băng cá nhân, vài gói gạc vô trùng, một chai thuốc sát trùng và một chai dầu gió.
Làm gì khi bị ngộ độc thực phẩm?
Khi vui chơi quá đà, hay ăn uống thả ga mà không chú ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, sức khỏe chúng ta không chỉ bị suy giảm mà không may còn có thể bị ngộ độc thực phẩm. Điều này làm chúng ta không thể tận hưởng được trọn vẹn chuyến du lịch ngày xuân. Vì thế để phòng chống bị ngộ độc thực phẩm nên “ăn chín uống sôi”, lựa chọn hàng quán hợp vệ sinh, không ăn thức ăn lạ, bày bán trên lề đường. Ngoài ra cần lưu ý giữ tay sạch sẽ trước khi ăn.
Khi bị ngộ độc thực phẩm thuờng kèm nôn mửa hay đi ngoài nhiều lần. Điều này làm cơ thể bị mất nước trầm trọng, vì thế cần uống nhiều nước để bù nước và tránh cho cơ thể bị suy nhược và giúp các cơ quan hoạt động tốt hơn. Ngoài ra, cần bổ sung thêm các chất điện giải từ nước dừa hay nước uống thể thao, oresol... để cơ thể có thể bù đủ dịch, điện giải và tăng sức đề kháng giúp qua cơn ngộ độc nhanh hơn.
Khi bị ngộ độc thực phẩm cần lưu ý tránh ăn những loại thực phẩm gây kích ứng dạ dày như sữa, cà phê, trà, bia rượu, các món cay nóng hay các món mặn nhiều muối, nhiều chất béo từ mỡ động vật. Thay vào đó, khi hệ tiêu hóa và dạ dày yếu cần ăn những món ăn mềm, ít muối, ít chất béo như cháo, cơm, rau củ hầm, thịt nạc xắt mỏng không mỡ. Việc dùng các nguyên liệu như gừng (trà gừng, gừng tươi) trong các món ăn cũng giúp cho việc tiêu hóa, làm dịu hệ tiêu hóa, giảm viêm, giảm cơn đau bụng và tăng cường sức đề kháng. Ngoài ra, cần ăn uống đủ bữa, đúng giờ, giữ tay sạch sẽ, uống nước sạch, nấu chín, rửa hoa quả kỹ trước khi ăn để tránh trường hợp bị ngộ độc trở lại. Trường hợp bị ngộ độc quá nghiêm trọng, cần đến bệnh viện địa phương để được điều trị kịp thời.
Detox cơ thể sau chuyến đi
Trong những ngày du lịch, việc ăn những thức ăn đồ uống lạ hay sinh hoạt trái múi giờ, không điều độ làm cơ thể chúng ta dễ bị mệt mỏi, thiếu chất. Để lấy lại sức sau các chuyến du xuân dài ngày, chúng ta cần bổ sung các loại vitamin thiết yếu như vitamin B, C hay E để ngăn chặn virus gây bệnh, giúp tăng cường sức đề kháng.
Detox cơ thể sau chuyến đi
Trong những ngày du lịch, việc ăn những thức ăn đồ uống lạ hay sinh hoạt trái múi giờ, không điều độ làm cơ thể chúng ta dễ bị mệt mỏi, thiếu chất. Để lấy lại sức sau các chuyến du xuân dài ngày, chúng ta cần bổ sung các loại vitamin thiết yếu như vitamin B, C hay E để ngăn chặn virus gây bệnh, giúp tăng cường sức đề kháng.
Cần cung cấp cho cơ thể các loại thực phẩm giàu chất đạm như thịt gia cầm, cá, đậu hũ, sữa, trứng hay pho mát để phục hồi sức khỏe, tăng cường cơ bắp và tạo năng lượng lâu dài. Bên cạnh đó, ăn nhiều thực phẩm giàu omega-3 cũng rất có lợi cho sức khỏe, vì đây là axit-béo tốt, giúp làm giảm cholestorel, các chất béo độc hại trong máu, giúp tăng cường trí nhớ, phát triển tư duy và khả năng tập trung ở trẻ nhỏ.
Ngoài ra ăn nhiều thực phẩm giàu omega-3 giúp cải thiện tâm trạng, giúp tinh thần thêm phấn chấn. Omega-3 có nhiều trong cá hồi, các loại hạt óc chó, mắc ca, hạt lanh, hạnh nhân…
Việc bổ sung nước cũng rất quan trọng, vì nước giúp tỉnh táo, thanh lọc và đánh thức các cơ quan trong cơ thể. Một số thức uống detox sẽ giúp cơ thể cảm thấy thoải mái, khỏe mạnh hơn. Thí dụ nước uống detox với nước lọc, vài lát dưa chuột, chanh và gừng làm giảm chứng đầy hơi, khó tiêu; detox với nước lọc và táo giúp tăng cường trao đổi chất và tái tạo năng lượng hiệu quả hơn.
Chúc các bạn một chuyến du xuân vui vẻ và trở về làm việc bình thường, sức khỏe dẻo dai và tinh thần minh mẫn.