Phát biểu khai mạc phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ngày 13-12, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, UBTVQH thống nhất tổ chức phiên họp thứ 18 thành 2 đợt, xem xét, cho ý kiến đối với 2 nhóm vấn đề. Trong đó, đáng lưu ý là nội dung về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa quyết định có hay không tiến hành kỳ họp bất thường của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: QUOCHOI
Bản quy hoạch quốc gia có tầm quan trọng đặc biệt. Thực hiện Luật Quy hoạch năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2019), đây là lần đầu tiên chúng ta xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia - một việc chưa có tiền lệ, mà theo người đứng đầu Quốc hội, là “rất mới và rất khó”. Bởi lẽ, đây là quy hoạch cấp cao nhất, chi phối các quy hoạch khác như: quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia. Các quy hoạch vùng, quy hoạch của 63 địa phương đều phải dựa trên quy hoạch này.
Nghiên cứu dự thảo quy hoạch, GS-TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đã nêu một nhận xét thú vị: bản dự thảo dài gấp 2,24 lần tài liệu của Malaysia (vốn dài nhất trong 6 nước Đông Nam Á) và gấp 2,77 lần tài liệu của Ba Lan (quốc gia có bản quy hoạch dài nhất trong 10 nước châu Âu). Qua đó, phần nào có thể thấy được sự chuẩn bị khá công phu, kỹ lưỡng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Trân, dường như có sự mất cân đối khi phần nội dung về các yếu tố, điều kiện tự nhiên và hiện trạng phát triển quốc gia đã chiếm gần phân nửa dung lượng với rất nhiều số liệu, bảng và hình quá chi tiết so với một tài liệu mang tính chiến lược, ở tầm quốc gia. Bản quy hoạch tổng thể khiến người đọc có cảm giác chỉ là “khâu nối” các quy hoạch vùng, trong khi cách phân vùng với các tiêu chí vốn đã bộc lộ một số bất hợp lý (từ cuối năm 2019 đã có dự án phân lại các vùng kinh tế - xã hội nhưng tạm thời được gác lại - PV).
Quả thực, xây dựng một bản quy hoạch tổng thể bảo đảm đúng với vị trí cao nhất trong hệ thống quy hoạch, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược của quốc gia là một thách thức rất lớn, nhất là khi thế giới luôn “chuyển động” ngày càng nhanh hơn.
Đơn cử, Ngân hàng Thế giới (WB) phân các nền kinh tế trên thế giới thành 4 nhóm: thu nhập thấp, thu nhập trung bình thấp, thu nhập trung bình cao, thu nhập cao. Tiêu chí phân định là tổng thu nhập quốc gia (GNI) bình quân người/năm. Các ngưỡng này được hiệu chỉnh hàng năm, tăng - giảm nhưng xu hướng chung suốt 34 năm qua là tăng ở tất cả các ngưỡng.
Chính quyền các cấp và người dân thực sự chờ đợi Quốc hội quyết định “lời giải” cho bài toán khó này trong những ngày sắp tới. Một thuận lợi căn bản là định hướng chung cho công tác quy hoạch đã được Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thông qua.
UBTVQH cũng vừa ban hành kế hoạch chi tiết về hoàn thiện, thẩm tra quy hoạch này. Theo đó, nếu chuẩn bị kịp, đảm bảo chất lượng sẽ trình Quốc hội xem xét, phê duyệt quy hoạch vào đầu tháng 1-2023. Một khi xây dựng được nội hàm phù hợp với Luật Quy hoạch, nhận được sự đồng thuận của các ngành, địa phương và nhân dân, quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển bền vững đất nước, khơi dậy sức sống và sự năng động của các vùng.
Hạ tầng cơ sở kỹ thuật và xã hội được phát triển theo quy hoạch sẽ là bệ phóng cho sản xuất và đời sống; môi trường được bảo vệ, an ninh quốc phòng được giữ vững. Điều này càng trở nên bức thiết hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường và tình hình chính trị thế giới có nhiều yếu tố bất định.