Mục tiêu lớn, phấn đấu phải vượt bậc
Một trong những nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự của Đại hội Đảng khóa XIII là định hướng phát triển đất nước đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là lần thứ 4, Đảng ta xây dựng chiến lược phát triển, nhưng là một giai đoạn có những dấu mốc lịch sử hết sức đặc biệt: kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng và 100 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 100 năm là một chặng đường đủ dài để nhìn nhận sự trưởng thành của một quốc gia, dân tộc.
Nhìn từ giai đoạn đổi mới đến nay, Đảng cũng từng đặt mục tiêu phát triển với tầm nhìn trên 20 năm, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại. Từ đó đến nay, công nghiệp hóa, hiện đại hóa vẫn là mục tiêu, động lực xuyên suốt, tuy rằng, điểm hẹn thời gian trở thành nước công nghiệp đã được nhìn nhận lại.
Các quan điểm phát triển của thời kỳ năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 vẫn có thể kế thừa, song cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn mới. Có thể nói, những mục tiêu đặt ra cho tương lai là rất tham vọng. Việt Nam hướng tới một xã hội khá thịnh vượng, thuộc nhóm có thu nhập trung bình cao, với GDP bình quân đầu người năm 2030 đạt ít nhất 18.000 USD.
Khơi dậy nội lực doanh nghiệp để phục hồi nền kinh tế. Trong ảnh: May khẩu trang xuất khẩu tại Công ty TNG Thái Nguyên. Ảnh: VIẾT CHUNG
Đến năm 2045, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại có thu nhập cao; có nền kinh tế tri thức cạnh tranh, nằm trong 20 quốc gia đứng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu cũng như chỉ số về môi trường kinh doanh thuận lợi…
Trong suốt giai đoạn gần đây và khi thảo luận về chiến lược phát triển đất nước, từ “khát vọng” được lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Chúng ta muốn khơi dậy khát vọng của dân tộc, nhân dân; khát vọng phát triển vào tốp đầu, sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới. Do đó, mục tiêu phải đủ lớn, đủ cao và đầy tham vọng, để từ đó tạo ra áp lực, động lực trước hết đối với những người lãnh đạo; phải có đường lối đúng, chính sách đúng huy động được trí tuệ và nguồn lực của toàn dân tộc hướng đến mục tiêu đó.
Trao nhiều quyền tự chủ hơn cho bộ ngành, địa phương
Trong vài chục năm qua, trong luồng gió mạnh mẽ từ mở cửa hội nhập, Việt Nam cũng đã có những cơ hội lớn, nhưng chưa tận dụng để biến thành thành quả phát triển như mong muốn. Lâu nay, dư địa tăng trưởng mở ra bởi các hiệp định tự do thương mại, gần như chỉ có khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tận dụng được.
Các DN tư nhân thì còn yếu và khổ sở bởi nhiều chính sách không nhất quán. Trong khi các DN nhà nước lẽ ra phải nhanh chóng xông pha ra thế giới thì lại bị hành chính hóa và loay hoay giải quyết những vấn đề nội tại, nên thui chột rất nhiều. Tất nhiên, DN FDI là một thành phần không tách rời của nền kinh tế, nhưng phải cân nhắc kỹ những lợi ích “ròng” mà khối FDI mang lại cho đất nước, cho dân tộc; trong khi 2 thành phần còn lại yếu kém, không phát triển được và không có dư địa phát triển. Đó là những bài học đắt giá, cần đúc rút kinh nghiệm cho giai đoạn tới.
Cũng đã có ý kiến rằng, sau dịch Covid-19, kinh tế thế giới sẽ được vận hành rất khác. Chúng ta nên chuẩn bị sẵn sàng cho sự khác biệt đó. Muốn vượt qua những thách thức, chúng ta phải có nội lực, quốc gia phải phát triển để trở nên hùng mạnh. Dù thế giới có thay đổi, thì những nguyên tắc và định hướng của chúng ta về cơ bản cũng không thay đổi. Nói một cách ngắn gọn, ít nhất trong 10 năm tới, từ khóa quan trọng nhất là “hiệu quả”.
Trước hết là hiệu quả sử dụng nguồn lực. Đây phải là tiêu chí hàng đầu trong cả thiết kế thể chế, chính sách cũng như điều hành thực tiễn. Muốn vậy, cần nhất quán chuyển đổi sang kinh tế thị trường, vì chỉ có kinh tế thị trường thực chất mới nâng cao được hiệu quả. Cần hiểu “định hướng XHCN” là giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội thông qua khâu phân phối, điều tiết.
Nền kinh tế Việt Nam hiện nay còn kém hiệu quả, kém năng lực cạnh tranh, do vậy, thể chế, chính sách phải tạo ra động lực để nguồn lực chuyển dịch tập trung đầu tư cho các địa phương, lĩnh vực, dự án sinh lợi cao nhất. Từ đó, tạo ra một luồng sinh khí mới, mạnh mẽ làm bật dậy các nguồn lực, năng lực tiềm ẩn trong xã hội.
Chúng ta cần đưa quyết định rất nhanh, trao nhiều quyền tự chủ hơn cho bộ ngành, địa phương; đánh giá công việc thông qua hệ thống chỉ tiêu, mục tiêu rõ ràng, định lượng. TPHCM có khả năng tạo ra tăng trưởng tốt, hiệu quả cao thì nguồn lực nên được tiếp tục tập trung và sử dụng tại đây, chứ không phải điều chuyển quá mức đến các nơi khác vừa sử dụng lãng phí, vừa kém hiệu quả; làm méo mó động lực đối với thành phố cũng như ở các địa phương khác.
Sẽ có trường hợp tại một thời điểm nào đó, tính hiệu quả về ngắn hạn mâu thuẫn với tính công bằng. Nhưng về trung và dài hạn, chỉ khi nguồn lực được sử dụng hiệu quả thì mới tạo ra điều kiện tốt để giải quyết vấn đề công bằng. Còn nếu không, thì cả mục tiêu hiệu quả và công bằng đều không đạt được. Điều này có liên quan chặt chẽ đến vai trò của Nhà nước. Vì vậy, trong một thế giới đầy biến động và rủi ro như hiện nay, quyền lực Nhà nước càng cần phải mạnh.