Khối ngoại có đủ sức “thế vai” nhà đầu tư nội?

(ĐTTCO) - Việc nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) duy trì trạng thái mua ròng trên thị trường chứng khoán (TTCK) kể từ tháng 11-2022 đến nay dù chưa thể tạo nên sự bứt phá, nhưng phần nào tạo được niềm tin về sự hồi phục của VN Index. Câu hỏi được nhiều NĐT đặt ra là liệu khối ngoại có tiếp tục mua ròng trong thời gian tới và động thái này có đủ sức đẩy VN Index đi lên?
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Khối ngoại lên tiếng

Năm 2022, NĐT cá nhân trong nước bán ròng khoảng 14.800 tỷ đồng sau khi mua ròng mạnh 88.756 tỷ đồng trong năm 2021. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cho VN Index giảm sâu trong năm vừa qua.

Tuy nhiên, ở phía ngược lại, NĐTNN lại tích cực giải ngân trong những đợt giảm sâu của thị trường. Đáng chú ý, khối ngoại đã mua ròng khoảng 30.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn chỉ trong 2 tháng cuối năm 2022, khi định giá thị trường về mức hấp dẫn với P/E khoảng 10x (thấp nhất trong vòng 10 năm qua).

Theo thống kê, khối ngoại đã bắt đầu mua ròng từ tháng 11-2022 cho đến nay với giá trị mua ròng đạt 30.147 tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng giá trị giao dịch trên HoSE, tỷ lệ giao dịch khối ngoại bình quân chiếm 12%.

Theo CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN), đây được xem là 1 trong 3 giai đoạn mua ròng nổi bật nhất của NĐTNN trên TTCK Việt Nam kể từ ngày thành lập đến nay. Cụ thể, 2 giai đoạn mua ròng trước đó là: tháng 1-2012 đến tháng 8-2014, và tháng 1-2017 đến tháng 8-2019. Ở giai đoạn đầu, khối ngoại mua ròng 14.273 tỷ đồng, chiếm 1,8% tổng giá trị giao dịch trên HoSE trong vòng 32 tháng, tỷ lệ giao dịch bình quân chiếm 15%.

Ở giai đoạn kế tiếp, khối ngoại mua ròng 80.484 tỷ đồng, chiếm 2,7% tổng giá trị giao dịch trên HoSE trong vòng 32 tháng, tỷ lệ giao dịch bình quân chiếm 16%. Thống kê của YSVN cho thấy trong 2 giai đoạn mà khối ngoại mua ròng kể trên, VN Index ghi nhận mức tăng lần lượt là 68,5% và 12%.

Động lực từ các quỹ ETF

Trở lại với động thái mua ròng mới nhất của NĐTNN (từ tháng 11-2022 đến nay), có thể dễ dàng nhận thấy sự tương đồng khá rõ nét so với 2 giai đoạn trước. Đầu tiên là VN Index có diễn biến tích cực hơn sau giai đoạn lao dốc mạnh trước đó. Tương đồng kế tiếp là lượng mua ròng từ quỹ ETF luôn có tỷ trọng lớn trong các giai đoạn mua ròng của khối ngoại, có thời điểm lên tới 80%.

Trong giai đoạn mua ròng hiện nay, lượng mua ròng từ ETF chiếm 56,8% tổng giá trị mua ròng khối ngoại. Xu hướng này càng rõ ràng khi đầu tư vào ETF cho thấy nhiều ưu điểm hơn so với quỹ truyền thống. Từ cuối năm 2020, dòng vốn này bắt đầu hoạt động sôi động hơn và có thời điểm trở thành trụ đỡ của thị trường đặc biệt trong những giai đoạn suy giảm mạnh.

Có thể khẳng định, xu hướng dòng vốn ETF vào TTCK Việt Nam là câu chuyện hết sức tích cực. Trong khi tốc độ hút ròng dòng vốn ETF từ Mỹ và châu Âu suy giảm so với 10 năm trước, thì dòng tiền ETF từ các nước châu Á và các quỹ ETF nội đang giữ xu hướng hút ròng tăng mạnh.

Thậm chí, các quỹ ETF từ các nước châu Á và các quỹ ETF nội duy trì đà mua ròng ngay cả trong giai đoạn khối ngoại bán ròng mạnh (tháng 8-2019 đến năm 2021).

Theo YSVN, có 2 giai đoạn bùng nổ việc thành lập các quỹ ETF vào Việt Nam. Giai đoạn 2008-2014 có 8 quỹ thành lập với quy mô ban đầu khá thấp nhưng duy trì đà hút ròng liên tục cho tới nay, các quỹ ETF này chủ yếu từ Mỹ và châu Âu.

Giai đoạn từ năm 2018 đến nay có 13 quỹ ETF mới thành lập, chủ yếu là các quỹ ETF đầu tư 100% CP Việt Nam với quy mô ban đầu lớn hơn giai đoạn trước. Trên thực tế, dòng vốn ETF từ EU cũng có xu hướng giảm rõ hơn, thì động lực dẫn dắt và xu hướng mới tới từ các quỹ ETF nội và các nước châu Á đặc biệt là Fubon (Đài Loan).

Tham khảo ETF để đầu tư

Năm 2023, nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng dự kiến vẫn phải đối diện với những con sóng ngược, ít nhất trong nửa đầu năm 2023. Theo đó, các yếu tố tác động tiêu cực lên TTCK là lộ trình tăng lãi suất của Fed, kinh tế thế giới suy thoái, và khả năng chống chịu của thanh khoản hệ thống khi lượng trái phiếu đáo hạn lớn trong quý II sắp tới.

Tuy nhiên, nhận định chung của giới phân tích thì mức giá hiện tại đã phản ánh phần nhiều với những triển vọng tiêu cực nhất trong năm 2022 và cho cả năm 2023.

Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), định giá P/E của thị trường chỉ giảm về mức 9-11x trong những giai đoạn vĩ mô đối diện thử thách. Do vậy, việc mua và nắm giữ CP khi P/E thị trường ở mức giá hiện tại sẽ mang lại hiệu suất đầu tư cao vượt trội so với lãi suất tiết kiệm, nếu nắm giữ khoản đầu tư trong 2 năm.

Với nhận định tương tự, các chuyên gia phân tích của CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng các vùng tạo đáy của các chu kỳ tăng trưởng lớn của VN Index trong quá khứ thường rơi vào khoảng P/E từ 9-10x. Như vậy, có thể xem đây là vùng định giá tương đối hấp dẫn cho dòng tiền đầu tư trung và dài hạn giải ngân.

So với các quốc gia lân cận, Việt Nam được xem là nền kinh tế có bức tranh vĩ mô tương đối ổn định và tăng trưởng khả quan. Theo dự báo của các tổ chức kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam vẫn có thể đạt được mức tăng trưởng khả quan 6-7% trong năm 2023.

Trong khi đó, các nền tảng về vĩ mô khác bao gồm lãi suất, lạm phát và tỷ giá được kỳ vọng sẽ ổn định hơn đáng kể so với các quốc gia khác trong khu vực. Như vậy, yếu tố vĩ mô và mức định giá hấp dẫn như đã phân tích ở trên là yếu tố để kỳ vọng các quỹ ETF sẽ tiếp tục thu hút được dòng tiền ngoại trong năm 2023.

Chưa thể khẳng định sự trở lại của khối ngoại có đủ sức “cân” lệnh bán ròng của NĐT cá nhân trong nước, nhưng động thái mua ròng của NĐTNN chắc chắn sẽ tạo nên sự khác biệt. Với một TTCK mà NĐT cá nhân vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn, thì sự khác biệt này luôn là câu chuyện hấp dẫn và đáng để tham khảo.

Thực tế, đã có nhiều ý kiến cho rằng NĐT cá nhân trong nước có thể tham khảo chiến lược đầu tư của các quỹ ETF để hạn chế rủi ro.

Đơn cử là khuyến nghị của VDSC: “NĐT lựa chọn CP tốt thuộc danh mục các rổ chỉ số mà các ETF này tham chiếu có thể sẽ giúp danh mục của NĐT cá nhân ít chịu tổn thương hơn trong những nhịp suy giảm mạnh của thị trường”.

Năm 2022, NĐT cá nhân trong nước bán ròng khoảng 14.800 tỷ đồng sau khi mua ròng mạnh 88.756 tỷ đồng trong năm 2021. Tuy nhiên, ở phía ngược lại, khối ngoại đã bắt đầu mua ròng từ tháng 11-2022 cho đến nay với giá trị mua ròng đạt 30.147 tỷ đồng, chiếm 4,5% tổng giá trị giao dịch trên HoSE, tỷ lệ giao dịch khối ngoại bình quân chiếm 12%.

Các tin khác