Khơi thông dòng chảy chất xám

(ĐTTCO) - Khoảng 10 năm trở lại đây, trào lưu du học nước ngoài hoặc học tại trường quốc tế ở Việt Nam có xu hướng phát triển mạnh. 
Điều này cho thấy nhu cầu ngày càng cao của người học khi hướng về môi trường giáo dục được cho là ưu việt hơn. Khi hội nhập quốc tế trở thành xu thế tất yếu toàn cầu giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) cũng không phải là ngoại lệ; nhất là khi GD-ĐT trong nước còn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng, du học đã trở thành xu hướng được nhiều người trong giới trẻ cùng phụ huynh lựa chọn. Tuy nhiên, xu hướng trên đặt ra không ít vấn đề khiến chúng ta phải suy nghĩ.
Theo thống kê của Cục Đào tạo nước ngoài (Bộ GD-ĐT), Việt Nam hiện có hơn 120.000 du học sinh, trong đó có 63.700 sinh viên đang theo đuổi các chương trình đại học và sau đại học ở khắp nơi trên thế giới, trong đó đông nhất tại Hoa Kỳ và Australia, tiếp theo là Vương quốc Anh, Canada và Đức. Làm thế nào để thu hút nguồn chất xám này quay về nước làm việc đang là bài toán đặt ra.
Điều đáng nói, thời gian gần đây số học sinh khá, giỏi thuộc các trường THPT tốp trên, trường chuyên và năng khiếu ở TPHCM, Hà Nội chọn đi du học tăng đột biến. Thậm chí ở TPHCM, có nhiều lớp 11, lớp 12 sĩ số lớp học vơi đi gần 1/3 đến 1/2 khiến nhà trường phải dồn lớp. Sở dĩ ngày càng có nhiều học sinh phổ thông chọn đi du học sớm vì lý do muốn tiếp cận, hội nhập nhanh với nền giáo dục hiện đại, cũng như chuẩn bị cho bước đệm vào đại học tốt hơn.
Theo chia sẻ của nhiều hiệu trưởng, nhìn thấy học trò của mình tìm được học bổng đi du học hoặc có điều kiện du học tự túc, nhà trường và thầy cô đều mừng. Bởi lẽ, đi du học sẽ giúp học sinh Việt Nam trải nghiệm, trưởng thành và có thêm cơ hội khám phá, chinh phục đỉnh cao tri thức mới…
Cụ thể, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TPHCM mỗi năm có khoảng 10% học sinh trong tổng số 1.600 em của trường đi du học bằng học bổng và tự túc. Trong số này, nhiều em nhận được học bổng toàn phần ở Hoa Kỳ, Nhật Bản.
Tương tự, mỗi năm Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cũng có hàng trăm học sinh giỏi lựa chọn con đường du học bằng học bổng và tự túc. Ở nhóm trường THPT thuộc tốp trên và giữa, tùy theo điều kiện kinh tế, hàng ngàn học sinh có năng lực học khá giỏi, có trình độ ngoại ngữ cũng lựa chọn du học ở các nước khác nhau. Kết quả khảo sát gần đây cho thấy, có đến gần 60% học sinh, sinh viên Việt Nam mong muốn đi du học và ước mơ, khao khát này ngày một lớn hơn.
Khơi thông dòng chảy chất xám ảnh 1 Một sinh viên Việt Nam tại lễ tốt nghiệp Trường Kinh doanh Sawyer, thuộc Đại học Suffolk, Hoa Kỳ. 
Số du học sinh các năm qua tăng mạnh có nhiều lý do, trong đó phải kể đến việc nhiều nước mới bắt đầu cấp học bổng cho Việt Nam, đồng thời một số nước tăng suất học bổng, bên cạnh đó số học sinh du học bằng đề án ngân sách nhà nước, học bổng theo Hiệp định do Bộ GD-ĐT ký kết, quản lý cũng đã nhiều hơn. Sự cởi mở trong các chương trình hợp tác giáo dục giữa các quốc gia mở ra rất nhiều cơ hội cho người học. Tuy nhiên, du học sinh có học bổng chỉ chiếm 10% trong tổng số 120.000 du học sinh Việt Nam, còn lại 90% là du học tự túc. 
Như vậy 90% số học sinh du học tự túc, có nghĩa mỗi năm gia đình các em phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đóng học phí, cùng với đó là chi phí nhà ở, ăn mặc, đi lại… tổng cộng lên đến vài tỷ đồng. Mặt khác, du học sinh phải làm quen với cuộc sống tự lập nơi đất khách quê người với rất nhiều khó khăn, thách thức. Không ít du học sinh phải lo làm thêm để có tiền trang trải.
Tuy vậy, con đường du học vẫn ngày càng được nhiều người lựa chọn vì rất nhiều lý do. Có phụ huynh chia sẻ họ sẵn sàng chấp nhận tốn kém để con em có môi trường học tập ưu việt hơn, hy vọng một tương lai tốt hơn, nên sẵn sàng chấp nhận cho con du học trong điều kiện kinh tế gia đình không dư dả. Trường được phụ huynh và học sinh lựa chọn là trường có uy tín, bằng tốt nghiệp được quốc tế công nhận có thể xin việc ở bất kỳ đâu, trong khi bằng tốt nghiệp do các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam hiện nay cấp xin việc ở trong nước rất khó khăn.
Điều đáng lưu ý, trào lưu du học phát triển đồng nghĩa với việc một lượng tiền khá lớn bị chuyển ra nước ngoài để du học sinh trang trải trong thời gian du học. Sẽ là rất tốt nếu học sinh Việt Nam sau khi học tập ở nước ngoài, có cơ hội tiếp cận môi trường giáo dục tiên tiến trở về đóng góp cho đất nước.
Nhưng một số liệu khảo sát cách đây vài năm cho thấy có tới 60-70% số du học sinh Việt Nam ở lại nước ngoài sau khi học xong để học tiếp, hoặc tìm được cơ hội làm việc ở nước sở tại. Thậm chí có du học sinh theo diện cơ quan cử đi học bằng ngân sách nhà nước nhưng học xong đã không trở về phục vụ như cam kết trước khi đi. Điều này gây thiệt hại cả về vật chất lẫn nhân lực cho quốc gia, cũng là yếu tố làm “chảy máu chất xám”. Dù là du học sinh chỉ chiếm khoảng 1% so với tổng số sinh viên cả nước, sự trở về của họ đóng góp với đất nước sau khi học tập từ các nền giáo dục tiên tiến của thế giới vẫn có vai trò quan trọng.
Bên cạnh đó, cơn sốt du học khá nóng nhưng cũng sớm bộc lộ sự bất cập. Không ít phụ huynh, dù còn thiếu thông tin, nhưng vẫn xác định phải cho con đi du học bằng mọi giá. Nắm bắt được tâm lý đó, hàng trăm cơ sở tư vấn du học đã mọc lên khắp nơi. Tình trạng còn thiếu hiểu biết, chạy theo trào lưu, đánh giá cực đoan về việc học ở môi trường quốc tế đã và đang gây hậu quả đáng tiếc cho người học và đã có người phải chịu cảnh “tiền mất tật mang”.
Thực trạng trên đặt ra nhiều vấn đề cần phải xem xét trong lĩnh vực GD-ĐT. Bởi sẽ là lý tưởng nếu môi trường GD-ĐT của chúng ta có sức cạnh tranh với khu vực và thế giới, khi đó chúng ta không chỉ chủ động trong công tác GD-ĐT cho đất nước mình, mà có thể phát triển các hoạt động cung ứng dịch vụ - hợp tác trong lĩnh vực này; thậm chí có thể thu hút được người tài từ nước ngoài đến. 
Đã đến lúc cần giúp học sinh và phụ huynh nhận thức một cách rành rẽ rằng du học chỉ là cơ hội tốt với người có khả năng, biết nắm bắt thời cơ, thật sự ham học hỏi chuẩn bị cho tương lai. Du học không phải là “chiếc đũa thần” có thể biến giấc mơ thành hiện thực, không phải hễ du học hay học tập ở trường quốc tế là sẽ thành tài năng. Tài năng bao giờ cũng do chính người học quyết định. Vấn đề đặt ra là cần có quyết sách hợp lý, trọng dụng nhân tài, tạo môi trường làm việc hấp dẫn, phát huy năng lực, sở trường, sự sáng tạo… để thu hút du học sinh trở về cống hiến cho đất nước nhiều hơn.
(TPHCM)

Các tin khác