Tuyến buýt trên sông Sài Gòn là điểm nhấn du lịch của TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Hiện trạng, quy hoạch và tiềm năng dự phóng đã được lãnh đạo thành phố “nằm lòng” qua nhiều cuộc tiếp xúc, khảo sát, làm việc; nhưng với cuộc thị sát nhanh này, một lần nữa là cuộc đi để kết nối tường minh các modul phát triển.
Đó là, bảo tồn (di sản, các công trình lịch sử, văn hóa) trong phát triển các giá trị công trình hành lang sông; kết nối các cung đường “trên bến” tương tác “dưới thuyền” để phát huy hiệu quả mạng lưới giao thông thủy - bộ trong nội thị lẫn hệ thống sông ngòi TPHCM - các tỉnh thành ĐBSCL…
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nói ngay trong chuyến khảo sát: “Như kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói, cái gì trước mắt làm được cần làm ngay, không đợi chờ đến khi có quy hoạch. Song song đó phải quy hoạch lại để tính việc khai thác lâu dài”.
Vì vậy, những đầu việc trước mắt và lâu dài đã được hoạch định ngay trong và sau cuộc thị sát. Mà trước hết là cần hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết bến Bạch Đằng cũng như triển khai chỉnh trang hoàn tất khu vực này. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc bảo tồn các giá trị di sản gắn liền với lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất như bến tàu tại Công viên Bến Bạch Đằng, hay Khu di tích Ba Son.
Và để di sản “thức giấc”, đường dẫn khai thác để bảo tồn, bảo tồn để phát triển thì cần nhanh chóng hoàn thành các con đường đi bộ, đường cho xe đạp ven sông, dẫn từ khu vực cột cờ Thủ Ngữ, Công viên Ba Son đến cầu Sài Gòn. Song song đó là mở rộng quy hoạch bờ sông phía Khu đô thị mới Thủ Thiêm để gắn kết 2 quảng trường Thủ Thiêm - Nguyễn Huệ bằng cầu đi bộ Thủ Thiêm. Bờ Đông và bờ Tây của sông Sài Gòn cũng là của thành phố - với tâm điểm là 2 quảng trường đối diện, là sự kết nối không gian hoàn hảo một khu trung tâm có chiều dài lịch sử 300 năm với không gian mở mang hơi thở hiện đại của thế kỷ 21.
Cùng với đó, đặc sản sông nước gắn với con sông Sài Gòn không gì hơn ngoài việc “khơi thông” dòng lưu thông, cũng chính là giao thông đường thủy trên toàn tuyến gắn với những khu vực quận/huyện mà nó chảy qua, để bật dậy những tiềm năng cho du lịch, kinh tế dịch vụ…
Với nhu cầu thụ hưởng hiện nay, việc chỉ đưa vào khai thác một số bến buýt đường sông như hiện nay là quá khiêm tốn. Đặt trong địa hình vốn có, vừa cẩn trọng (để không khai thác tùy tiện, dễ dãi, bừa bãi làm tổn hại hệ sinh thái bờ, ven sông) vừa khuyến khích, thúc đẩy sự đầu tư bài bản của các doanh nghiệp để mở rộng các tuyến, trạm và chuyến xe buýt đường sông ra các hướng Tân Thuận (quận 7 - Nhà Bè), hay lên mạn Tây Bắc (Hóc Môn).
Một điểm biến đổi theo thời gian là, Tân Bình giang ngày trước (vừa rộng lớn vừa trong sâu, những tàu buôn và ghe thuyền sông biển trong và ngoài nước ra vào không ngớt, trông thấy đầu tàu nối liền - Trịnh Hoài Đức, Gia Định Thành thông chí); hay sông Sài Gòn ngày nay, không còn những con tàu lớn qua lại, thuận lợi cho việc phát triển các loại tàu thuyền nhỏ sử dụng trong giao thông, du lịch.
Nếu khai thác tốt giao thông đường thủy với mạng lưới buýt đường sông chạy khắp các dòng chảy thì một mặt, góp phần giảm nhiệt cho hệ thống giao thông đường bộ; mặt khác tái lập văn hóa “trên bến dưới thuyền” của một thời Sài Gòn - Gia Định, nay là TPHCM thịnh vượng, giàu sức sống. Dịch vụ giao thông cũng trở thành một đặc sản trong cung đường du lịch văn hóa của thành phố.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên khẳng định, sau chuyến khảo sát, thành phố còn phải bàn nhiều về quy hoạch, khai thác giá trị của con sông Sài Gòn. Trong lời phát biểu ấy nhìn rộng ra, không chỉ có mặt tiền con sông mà còn là dòng chảy của con sông, nó “đi” qua bao khúc quanh, ngã rẽ trên bờ, len vào tận những bờ kênh, con rạch. Nơi đó, vẫn còn những dãy nhà lụp xụp, những hộ nghèo nương náu tạm bợ. Một lời hứa mà người đứng đầu Đảng bộ TPHCM cam kết với nhân dân, sẽ đưa họ tới chỗ an cư khang trang để lạc nghiệp, trả lại những bờ kênh, lòng rạch, con sông cho Sài Gòn - Gia Định - TPHCM.