Khơi thông nguồn lực đất đai cho TPHCM

(ĐTTCO) - Hàng trăm dự án đang “bế tắc” đã có lối ra, giúp doanh nghiệp được triển khai dự án, người dân được cấp sổ hồng… Từ đó, nguồn lực đất đai được phát huy góp phần vào sự phát triển kinh tế của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tháo rào cản, thu hút nguồn lực xã hội

Theo Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Toàn Thắng, việc Chính phủ vừa ban hành 2 nghị định có tác động rất lớn đến TPHCM ở lĩnh vực đất đai, bất động sản (BĐS). Đầu tiên là Nghị định 75 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết 171 của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại, thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Kế đến là Nghị định 76 quy định chi tiết Nghị quyết 170 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TPHCM, TP Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.

Hiện nay trên địa bàn TPHCM có 343 dự án đang thực hiện dự án nhà ở dưới 20ha mà không có đất ở. Nếu không có Nghị định 75 thí điểm thì toàn bộ các dự án này sẽ bị tắc, sẽ không làm được các bước tiếp theo, như chấp thuận đầu tư, điều chỉnh quy hoạch, giao thuê đất…

Nghị định 75 có hiệu lực trong vòng 5 năm từ năm 2025 đến năm 2030, sẽ tháo gỡ các vướng mắc lâu nay, mở ra một nguồn lực rất lớn để các doanh nghiệp thực hiện các dự án nhà ở thương mại.

TPHCM hiện có 3 dự án nằm trong diện đã có kết luận của thanh tra, kiểm tra. Nhờ có Nghị định 76, các dự án này có cơ sở để cấp sổ hồng cho người mua. Theo ông Thắng, do Sở TNMT được tham gia từ lúc biên soạn Nghị định 76 từ những ngày đầu tiên nên có nhiều thuận lợi và sẽ tiếp tục tham mưu triển khai.

“Hiện nay trên địa bàn TPHCM, các dự án tương tự khá nhiều, tồn đọng trong thời gian dài. Nếu áp dụng cho 3 trường hợp này mà nếu được mở rộng các đối tượng, thì TPHCM sẽ giải quyết rất nhiều dự án đã tồn tại lâu nay, tháo gỡ việc cấp sổ hồng cho người dân” - ông Thắng chia sẻ.

Cụ thể, tại chung cư New City sẽ được xác định tiền sử dụng đất để cấp sổ hồng cho cư dân. Trong đó, Nghị quyết 170 quy định thời điểm xác định giá đất cụ thể để tính thu tiền sử dụng đất đối với dự án 1.330 căn hộ được xác định trên nguyên tắc “đối với phần diện tích đất tương đương với tiền sử dụng đất mà nhà đầu tư đã tạm nộp cho cơ quan nhà nước thì thời điểm xác định giá đất là thời điểm thanh lý hợp đồng với nhà đầu tư”.

Đối với phần diện tích đất chưa nộp tiền sử dụng đất, Nghị quyết 170 quy định thời điểm xác định giá đất là thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao đất.

Dự án New City do liên danh giữa CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land), Công ty TNHH Xây dựng thương mại Thuận Việt và CTCP Sản xuất thương mại Thành Thành Công làm chủ đầu tư. Các căn hộ tại chung cư New City nằm trong hơn 5.600 căn hộ dôi dư, UBND TPHCM không còn nhu cầu sử dụng tái định cư cho người dân bị giải tỏa tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Dù đã hoàn tất xây dựng, bàn giao cho người mua nhà nhưng nhiều năm qua, tiền sử dụng đất tại chung cư New City chưa được định giá khiến người dân chưa được cấp sổ hồng do còn nhiều vướng mắc, trong đó có vướng mắc liên quan đến thời điểm xác định giá đất. Như vậy sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính những người mua căn hộ tại đây sẽ được cấp sổ hồng.

Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho rằng việc cấp sổ hồng cho người mua nhà tại các dự án không đơn thuần là chỉ “cấp giấy” để người mua yên tâm, mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển thông qua việc chuyển nhượng, vay ngân hàng để làm ăn kinh doanh…

Việc cho thí điểm thực hiện nhà ở thương mại theo Nghị quyết 170 cũng là bước khơi thông nguồn lực đất đai rất lớn. Với nhận định tương tự, ông Ngô Đức Sơn, Tổng giám đốc CTCP DRH, cho rằng hàng trăm dự án đang bị tắc không không có đất ở nếu được phép đầu tư sẽ huy động nguồn lực rất lớn của doanh nghiệp vào nền kinh tế.

Xử lý rốt ráo, hiệu quả

Mới đây, làm việc với Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án tồn đọng, người đứng đầu Chính phủ cho biết, tinh thần là tập trung tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc, khắc phục được hậu quả, bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, trong sáng, vì nhiệm vụ chung.

“Trong quá trình giải quyết, trách nhiệm của các cá nhân, tập thể được làm rõ tới đâu thì xử lý tới đó. Đặc biệt, "đánh chuột nhưng không vỡ bình", không để sai chồng sai, không tạo tiền lệ cho các sai phạm tiếp theo” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, đến ngày 25-3, có 1.533 dự án được các cơ quan, địa phương báo cáo đang gặp khó khăn, vướng mắc, trong đó có 338 dự án đầu tư công, 1.126 dự án đầu tư ngoài ngân sách và 69 dự án PPP.

Ngoài ra, Bộ Tài chính nhận được văn bản của doanh nghiệp phản ánh về 12 dự án gặp khó khăn, vướng mắc. Bộ Tài chính đã sơ bộ phân loại các khó khăn, vướng mắc thành 17 nhóm vấn đề liên quan như: xử lý tài sản công; quản lý, sử dụng, bố trí vốn đầu tư công; chuyển mục đích sử dụng đất; dừng, thu hồi, chấm dứt hoạt động dự án… Đồng thời, phân loại các dự án theo thẩm quyền xử lý các khó khăn, vướng mắc của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ ngành, địa phương.

Tại TPHCM, trong báo cáo gửi Tổ công tác đặc biệt rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các công trình, dự án, khu đất trên địa bàn, UBND TPHCM cam kết phấn đấu 100% dự án vướng mắc thuộc thẩm quyền của TP sẽ được giải quyết trong năm 2025.

TPHCM cũng tổng hợp được danh mục 571 công trình, dự án gồm: 265 dự án đầu tư chậm triển khai (nhóm 1); 18 tài sản công tồn đọng (nhóm 2); 31 công trình, dự án vướng mắc, tồn đọng của doanh nghiệp Nhà nước (nhóm 3); 108 công trình, dự án dừng, tạm dừng do thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử (nhóm 4); 149 khu đất không sử dụng hoặc chậm sử dụng (nhóm 5).

Cụ thể, có 3 dự án thanh tra thuộc trường hợp Ban Cán sự đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị quyết; 20 dự án thuộc thẩm quyền giải quyết khó khăn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 7 dự án thuộc thẩm quyền giải quyết khó khăn của bộ ngành; 541 dự án thuộc thẩm quyền giải quyết khó khăn của TPHCM.

TPHCM cũng đã rà soát, đề xuất đưa một số việc lãng phí vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Tại báo cáo này, UBND TPHCM cam kết tiếp tục đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ khó khăn các dự án, phấn đấu trong năm 2025 sẽ giải quyết 100% các công trình, dự án có vướng mắc thuộc thẩm quyền của UBND TPHCM và 50% các công trình, dự án có vướng mắc thuộc cơ quan Trung ương.

Các tin khác