PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, ông có thể nói rõ hơn về mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản hiện nay?
Đại sứ UMEDA KUNIO: - Trong những năm gần đây, 2 nước hợp tác nhiều hơn trên nhiều lĩnh vực với độ tin cậy và mức cam kết chính trị rất cao. Có thể nói Việt Nam và Nhật Bản đang có mối quan hệ chặt chẽ, toàn diện, đi vào chiều sâu, đặc biệt cùng có chung mục tiêu chiến lược.
Ở khía cạnh chính trị, để đảm bảo an ninh quốc phòng, giữa Việt Nam và Nhật Bản đang có những mục tiêu chiến lược chung, cùng nhau hợp tác để đảm bảo an ninh giữa 2 nước cũng như trong khu vực. Đây cũng là một trong những lĩnh vực quan trọng sẽ được tăng cường hợp tác giữa 2 nước trong thời gian tới.
Ở khía cạnh kinh tế, trong thời gian tới Nhật Bản sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Năm 2017, Nhật Bản là nước đứng vị trí thứ nhất về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư 9,11 tỷ USD, chiếm 25,4% tổng vốn đầu tư. Chúng tôi cũng mong muốn việc hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế và hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam sẽ đạt được những hiệu quả to lớn. Điều này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu phát triển chung, như thỏa thuận cấp cao giữa 2 nước đã đặt ra.
- Theo ông điều gì khiến nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đến thị trường Việt Nam và những lĩnh vực họ sẽ đầu tư trong thời gian tới?
- Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt mức 6,8%, năm nay dự báo có thể đạt 7%. Đây thực sự là con số rất ấn tượng. Ngoài ra, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ về kinh tế. Chính phủ Việt Nam đang tích cực cải cách thủ tục hành chính, tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ban hành nhiều chính sách và tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Điều này cho thấy kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tốt với quy mô lớn và ổn định, thị trường Việt Nam năng động và nhiều triển vọng. Đây chính là điều hấp dẫn đối với nhà đầu tư Nhật Bản.
Trong đầu tư, bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp và hàng tiêu dùng, các doanh nghiệp Nhật Bản chú trọng đến lĩnh vực đầu tư và hợp tác về đào tạo, trao đổi nguồn nhân lực. Hiện nay, nếu xét về số lượng so với số thực tập sinh nước ngoài khác đang ở Nhật Bản, thực tập sinh của Việt Nam chiếm nhiều nhất.
Bên cạnh đó, số lượng lao động Việt Nam tại Nhật Bản đang tăng nhanh qua các năm. Trong vòng 5 năm qua, số lượng lao động Việt Nam tại Nhật Bản đã tăng 4,5 lần, lên mức hơn 90.000. Phải khẳng định rằng lao động Việt Nam đã và đang có những đóng góp rất lớn cho sự phát triển của xã hội của Nhật Bản.
- Tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN 2018 vừa diễn ra tại Hà Nội, đại diện Nhật Bản và Việt Nam đã đồng kêu gọi Hoa Kỳ quay trở lại Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ông đánh giá thế nào về triển vọng của hiệp định này?
- CPTPP được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên. Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới, với một thị trường khoảng 499 triệu dân và tổng GDP đạt khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới.
Do đó, không chỉ Nhật Bản mà nhiều nước thành viên cũng đặt kỳ vọng vào tương lai của hiệp định này. Hiệp định CPTPP có thể bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm nay. Tôi hy vọng trong kỳ họp diễn ra vào tháng 10 tới, Quốc hội Việt Nam sẽ phê chuẩn CPTPP để sớm hiện thực hóa hiệp định này.
Hiện nay, các nước tham gia CPTPP tuyên bố vẫn để cơ hội cho Hoa Kỳ nếu như Hoa Kỳ mong muốn quay trở lại thỏa thuận này, đồng thời không loại trừ việc kết nạp thêm các nước muốn tham gia CPTPP. Theo đánh giá, thỏa thuận thương mại này là phương án tốt nhất cho Hoa Kỳ, là cơ hội hấp dẫn cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.
- Ông đánh giá thế nào về chuyến thăm Nhật Bản sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, và để thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa, theo ông 2 bên cần phải tháo gỡ những vấn đề gì còn đang vướng mắc?
- Chuyến thăm Nhật Bản sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có ý nghĩa rất quan trọng. Trong khuôn khổ chuyến thăm, lãnh đạo Chính phủ 2 nước sẽ thảo luận những nội dung quan trọng trong quan hệ giữa 2 nước, như khẳng định sự hợp tác chặt chẽ về vấn đề an ninh hàng hải, an ninh khu vực, hợp tác kinh tế cũng như những vấn đề hợp tác cơ bản khác.
Về lĩnh vực đầu tư sẽ có hội nghị xúc tiến đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam. Hiện có rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm đến thị trường đầu tư ở Việt Nam nên chắc chắn sẽ có nhiều dự án được ký kết trong khuôn khổ hội nghị này.
Để đẩy mạnh hợp tác, tôi nghĩ cần tháo gỡ 3 vấn đề chính còn vướng mắc giữa 2 bên. Thứ nhất, Việt Nam cần nghiêm túc thực hiện các cam kết kinh tế đã thỏa thuận và ký kết. Thứ hai, Việt Nam cần quản lý chặt chẽ hơn người lao động đang làm việc tại Nhật Bản. Thứ ba, liên quan đến hợp tác kinh tế, cụ thể là vấn đề đầu tư ODA của Nhật Bản vào Việt Nam, đáng tiếc 2 bên đang có những quan điểm chưa thống nhất trong việc thúc đẩy các dự án kinh tế tại Việt Nam bằng nguồn vốn này.
- Xin cảm ơn ông.
Hiện đang có ý kiến trái chiều xung quanh câu chuyện vốn ODA của Nhật Bản. Trong đó có nhiều ý kiến cho rằng quốc tịch nhà thầu trong các dự án ODA Nhật Bản chủ yếu vẫn là doanh nghiệp Nhật Bản, hay việc một số dự án có chi phí phát sinh cao... Hy vọng những điểm nghẽn này sẽ được khai thông. |