Bệnh không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, mà còn khiến người bệnh suy sụp về tinh thần vì phải điều trị suốt đời. Chính vì thế việc phát hiện và điều trị sớm là hết sức quan trọng.
Sát thủ thầm lặng
Thống kê của WHO cho thấy, mỗi năm toàn cầu có hơn 400 triệu người được phát hiện mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Ở Việt Nam, theo một số kết quả nghiên cứu dịch tễ học, tỷ lệ mắc bệnh là 4,1% ở người trên 40 tuổi và có xu hướng tăng cao do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường đang ngày một gia tăng.
Hiện nay giới y học còn gọi bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là “sát thủ thầm lặng”. Nguyên nhân, trên thế giới trung bình cứ 10 giây lại có 1 người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính tử vong. Tại Việt Nam, một số thống kê cho thấy bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có tỷ lệ tử vong cao hơn do tai nạn giao thông gây ra. Đó là lý do mà chúng ta không thể chủ quan với căn bệnh này.
TS.BS Nguyễn Như Vinh, Trưởng khoa thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM
Biểu hiện của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thường không dễ phát hiện. Ở giai đoạn đầu, người bệnh thường ho dai dẳng, khạc đờm, thường là khạc đờm trắng kéo dài từ năm này qua năm khác kèm theo những triệu chứng như khó thở, cơ thể mệt mỏi. Những dấu hiệu này thông thường hay bị người bệnh bỏ qua, tuy nhiên đây lại là các triệu chứng báo động, nhắc nhở người bệnh phải nhanh chóng tới các cơ sở y tế có uy tín để được bác sĩ chuẩn đoán. Nếu không may mắc bệnh sẽ có phác đồ điều trị kịp thời, tránh để tới khi bệnh diễn tiến nặng gây khó khăn trong điều trị và ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Song thực tế cho thấy, đa số người bệnh thường đến khám khi bệnh đã diễn tiến nặng. Lúc này, các bác sĩ cần phải đưa ra các phác đồ điều trị lâu dài và phần lớn người bệnh phải điều trị suốt đời.
Những nguyên nhân chính
Những nguyên nhân chính
Nói về nguyên nhân, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính do tình trạng tổn thương gây tắc nghẽn các đường dẫn khí trong phổi. Các tổn thương này xảy ra khi cơ thể thường xuyên hít phải các chất kích thích có hại trong thời gian dài. Khói thuốc lá, khói bếp, không khí ô nhiễm, hóa chất, bụi bặm hay tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp dưới thường xuyên lúc tuổi còn nhỏ cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Trong các nguyên nhân trên, hút thuốc lá hay hút thuốc lá thụ động là tác nhân gây bệnh lớn nhất.
Các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính sẽ được cải thiện khi người bệnh ngừng hút thuốc lá, dùng thuốc thường xuyên theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc tham gia phục hồi chức năng phổi. Tuy nhiên, đây là một bệnh mạn tính phải điều trị suốt đời. Tình trạng khó thở và mệt mỏi sẽ không biến mất hoàn toàn, nhưng người bệnh có thể học cách kiểm soát tình trạng của mình và sinh hoạt, làm việc gần giống như người có sức khỏe bình thường.
Nhiều người cho rằng việc bỏ thuốc lá sau khi bị bệnh là quá trễ. Tuy nhiên, chức năng hô hấp của người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính sụt giảm hàng năm như một chiếc xe đang lao xuống dốc. Bỏ thuốc lá có tác dụng như một cái thắng (phanh) để chiếc xe này lao chậm lại. Đây được xem là biện pháp can thiệp hiệu quả nhất trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Nếu một người bệnh bị phổi tắc nghẽn mãn tính mà không bỏ được thuốc lá, việc điều trị sẽ bị hạn chế rất nhiều.
Có thể thấy, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính như một “lưỡi hái tử thần” cho những ai chủ quan trước các dấu hiệu ban đầu của bệnh. Phương pháp tốt nhất để có thể phòng tránh bệnh này là hãy tạo ra một môi trường sống trong lành, không khói thuốc lá và bụi bặm. Ngoài ra, mỗi người nên thiết lập một chế độ thể dục thể thao tốt cho lá phổi của mình. Bên cạnh đó, mỗi người cần chú trọng đến vấn đề khám sức khỏe định kỳ hàng năm nhằm phát hiện bệnh sớm, giúp quá trình điều trị được dễ dàng và hiệu quả hơn. Điều này không chỉ hiệu quả với phổi tắc nghẽn mãn tính mà còn với rất nhiều căn bệnh khác. Chỉ có phát hiện và điều trị sớm mới mang lại hiệu quả, giúp người bệnh mau chóng phục hồi sức khỏe và ít tốn kém.