Cổ phiếu lên đỉnh
Theo BCTC bán niên của CTCP Tập đoàn Masan (MSN), doanh thu và lợi sau thuế ghi nhận mức tăng lần lượt là 16,4% (đạt 41,196 tỷ đồng) và 736,8% (đạt 979 tỷ đồng). Đóng góp vào kết quả này là sự tăng trưởng mạnh của mảng FMCG.
Lấy dẫn chứng từ doanh nghiệp thành viên của MSN là CTCP Hàng tiêu dùng Masan (MCH), với mức tăng trưởng doanh thu thuần 11,7% và lợi nhuận trước thuế - lãi vay - khấu hao (EBITDA) tăng 10,2%. Các ngành hàng chính như gia vị, thực phẩm đóng gói và đồ uống ghi nhận tăng trưởng cao, từ đó dành được thị phần, dù thị trường đang chịu ảnh hưởng từ Covid-19.
Một doanh nghiệp thành viên khác là CTCP Masan Meatlife (MML) cũng đươc hưởng lợi đáng kể, khi hàng loạt chợ truyền thống bị đóng cửa và người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang dùng thịt mát. Nhờ vậy, MML ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu thuần lên đến 42,1% và EBITDA tăng 19,6% trong 2 quý đầu năm.
Doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực FMCG là CTCP Tập đoàn Kido (KDC) cũng ghi nhận những con số cực kỳ khởi sắc. Cụ thể, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 với doanh thu thuần đạt 4.898 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Trong đó doanh thu thuần ngành dầu ăn tăng 36% (chiếm tỷ trọng 83% tổng doanh thu) và ngành hàng thực phẩm tăng 22% (chiếm 17% tổng doanh thu).
Doanh thu tăng mạnh kéo theo lợi nhuận gộp của KDC tăng 21%, tương ứng đạt 953 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lãi gộp ngành dầu ăn tăng 24,5% và ngành hàng thực phẩm tăng 16,7%. Sau khi khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của KDC đạt 351 tỷ đồng (tăng 163%).
Kết quả kinh doanh trên giúp cho nhóm CP của Masan gồm MSN, MCH và MML liên tiếp lập mức giá đỉnh trên TTCK. Cụ thể, MSN lên mức 140.000 đồng/CP, MCH lên 128.000 đồng/CP, MML lên 80.000 đồng/CP.
So với thời điểm đầu năm 2021, giá CP MSN, MCH và MML ghi nhận mức tăng lần lượt là 70%, 50% và 60%. Mã KDC cũng vượt đỉnh 62.000 đồng/CP, tăng 50% so với thời điểm đầu năm. Đáng nói là trong những phiên thị trường lao dốc mạnh, KDC gẩn như không bị tác động.
Tác động nhanh và lâu dài
Theo phân tích của CTCK Rồng Việt (VDSC), tác động của đợt bùng phát Covid-19 hiện tại sẽ dai dẳng hơn và dẫn tới khoảng thời gian giãn cách xã hội dài hơn so với năm ngoái. Qua đó thúc đẩy xu hướng chi tiêu và tích trữ thực phẩm tươi sống và FMCG đạt mức đỉnh mới trong quý III này.
Khảo sát hàng vi tiêu dùng năm 2020 của Deloitte cũng cho thấy điều này qua con số 84% và 70% người tiêu dùng sẽ gia tăng chi tiêu cho thực phẩm tươi sống và thực phẩm đóng gói, trong trường hợp xuất hiện các làn sóng Covid-19.
Thậm chí, những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng sẽ còn mạnh mẽ trong 6 tháng cuối năm 2021, khi ảnh hưởng của Covid-19 đang trở nên nghiêm trọng hơn và giãn cách xã hội quyết liệt hơn so với làn sóng Covid-19 đầu tiên.
Dù vậy, trong nửa cuối năm 2021, ngành FMCG được nhận định là sẽ không tránh khỏi tác động của làn sóng Covid-19 thứ 4. Nguyên nhân chính là do tình trạng đóng cửa hàng loạt các chuỗi nhà hàng và dịch vụ ăn uống, nhiều chợ truyền thống cũng phải đóng cửa vì liên quan đến các ca nhiễm Covid-19.