Sự tham gia của tay chơi mới đi cùng giá trị các giao dịch lớn cho thấy sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ 100 triệu dân Việt Nam, nhưng cũng đem đến những lo lắng cho nhà sản xuất nội.
Rút vốn nhưng thương hiệu vẫn ở lại
Ngày 19-5, đại diện nhà bán lẻ Hàn Quốc lẫn doanh nghiệp Việt Nam là Thaco Group cùng lên tiếng khẳng định thương vụ mua 100% cổ phần Công ty E-mart VN sẽ được ký kết trong vài ngày tới. Nhà đầu tư Hàn Quốc chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam sau gần 7 năm có mặt.
Thaco sẽ tiếp quản thương hiệu E-mart dưới hình thức nhượng quyền thương mại.
Theo các chuyên gia, đây là cách "đôi bên cùng có lợi". Với một "tay chơi" mới như Thaco, kinh nghiệm quản lý từ nhà bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc sẽ giúp Thaco dễ thành công hơn. Trong khi đó E-mart duy trì thương hiệu, vẫn có thể tiếp tục đưa hàng vào Việt Nam như trước.
Hàng hóa xuất xứ từ Hàn Quốc đã liên tục tăng tại E-mart Việt Nam, từ 170 mặt hàng vào năm 2015 lên 1.200 mặt hàng năm 2020. Trong đó 85% các sản phẩm là hàng nhãn riêng của hệ thống, 75% trong số này là hàng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc.
Cuộc chiến về quy mô
Thương vụ E-mart đến sau khoản đầu tư hơn 400 triệu USD của Tập đoàn Alibaba và đối tác vào The CrownX - công ty của Masan đang vận hành chuỗi VinMart. Thỏa thuận này đánh dấu một trong những khoản đầu tư lớn nhất của Alibaba vào Đông Nam Á kể từ khi tập đoàn này mua lại Lazada vào năm 2018, với tổng trị giá 4 tỷ USD sau nhiều vòng đầu tư.
Khoản đầu tư mới cho phép Alibaba và Lazada tiếp cận mạng lưới hơn 2.000 cửa hàng của Masan mà không phải đầu tư đáng kể để thiết lập mạng lưới phân phối. Người tiêu dùng có thể sẽ thấy sản phẩm của VinMart xuất hiện trên ứng dụng Lazada và nhận hàng bán online trên Lazada ngay tại các siêu thị VinMart.
"Đây là một sự tích hợp rất hoành tráng giữa hai gã "khổng lồ" trong xu hướng Omni-channel, khi ranh giới giữa mua sắm online và offline ngày càng mờ nhạt", ông Nguyễn Huy, chuyên gia thương mại điện tử, nhận định.
Hiện nay, Lazada đã có thị phần nhất định ở thương mại điện tử và khoản đầu tư mới cho phép Alibaba tăng tốc bán lẻ tích hợp từ offline đến online ("O2O") tại Việt Nam.
Áp lực cạnh tranh mới
Giám đốc kinh doanh một siêu thị nhỏ trong nước cho biết đằng sau mỗi hệ thống bán lẻ là các nhà cung cấp gắn bó. "Khi Lazada thâm nhập Việt Nam, các thương nhân nước ngoài cũng đi theo, bán hàng xuyên biên giới. Đó là yếu tố chúng ta cần xem xét sau những thương vụ mua bán, sáp nhập", vị này nói và cho rằng sản xuất hàng hóa trong nước sẽ khó khăn hơn.
Quy mô thị trường 160 tỷ USD
Thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây có tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức cao, khoảng 10%/năm, giá trị thị trường bán lẻ ước đạt 160 tỷ USD vào năm 2020.
Bên cạnh đó, Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia.
Sau khi E-mart rút, một cam kết được nhà đầu tư Hàn Quốc chia sẻ với báo chí, là họ vẫn sẽ duy trì kênh bán hàng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc. Trong hơn 85% hàng nhãn riêng đang được bày bán tại siêu thị Emart Gò Vấp, có đến 75% do chính các nhà sản xuất vừa và nhỏ Hàn Quốc đảm nhận.
"Với thị trường dân số 100 triệu dân cùng lực lượng tiêu dùng trẻ, chi tiêu tăng nhanh, đây vẫn là thị trường để khai thác mảng bán lẻ", đại diện E-mart chia sẻ.
Các chuyên gia M&A cho rằng sau một thời gian im ắng, thị trường bán lẻ Việt Nam đang vào một cuộc đua tranh mới, khốc liệt hơn. Các thương vụ M&A trong thị trường này được dự báo sẽ diễn ra sôi động hơn.