Với mức tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020, bước vào năm 2021, nhiều tổ chức, chuyên gia đánh giá tăng trưởng của Việt Nam còn cao hơn mức Chính phủ dự báo.
Đây không chỉ là nền tảng mà còn là cơ hội để doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào thị trường M&A Việt Nam với những thương hiệu hấp dẫn và thương vụ tiềm năng.
Cùng đó, nhiều thương hiệu Việt có cơ hội gia tăng giá trị thông qua các thương vụ M&A, kể cả bị thâu tóm hay thâu tóm thương hiệu khác.
Chiến lược đổi mới doanh nghiệp
Khi nói đến xây dựng thương hiệu, phần lớn doanh nghiệp đều nghĩ đến cách thức truyền thông, quảng cáo, thiết kế logo, slogan... Tuy nhiên, thực tế lại không đơn thuần chỉ là việc thể hiện hình ảnh thương hiệu.
Truyền thông, quảng cáo là một trong những công cụ quan trọng để bán hàng, góp phần duy trì nhận diện thương hiệu nhưng cũng chỉ dừng lại ở chức năng trung gian, công cụ kết nối giữa giá và giá trị, thương hiệu và khách hàng chứ không phải nơi "bắt đầu" hay "chuyển tiếp" của quá trình xây dựng cũng như bảo vệ thương hiệu.
Một số chuyên gia cho rằng trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp phải chuyển mình số hóa để cạnh tranh tốt hơn và chuyển đổi số thương hiệu để tìm kiếm cơ hội trên thị trường toàn cầu.
Điều này giúp tận dụng làn sóng đầu tư bên ngoài cũng như lợi thế của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...
Dưới góc độ thương hiệu quốc gia, muốn đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư, điểm đến M&A hấp dẫn cho nhà đầu tư thì phải nâng cao được năng lực số; đồng thời, từng bước khẳng vị thế là thị trường năng động, ổn định chính trị, nhiều FTA được ký kết và có hiệu lực; nền tảng số đang được cải thiện và triển khai, kể cả blockchain, lực lượng lao động siêng năng...
Chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực M&A, ông Danny Le - Tổng giám đốc Tập đoàn Masan - cho biết cuối năm 2019, doanh nghiệp hợp tác cùng Vingroup để phát triển chuỗi Vinmart - một trong những chuỗi bán lẻ lớn của Việt Nam.
Hiện 90% giá trị bán lẻ đều thông qua mua bán kỹ thuật số, thương mại, còn khoảng 10% cũng ngày càng phát triển mạnh hơn về thương mại điện tử, chuyển từ mua bán truyền thống mở rộng sang kênh online.
Doanh nghiệp luôn chú trọng vào người tiêu dùng và tiêu dùng nội địa (hiện chiếm 50% thị phần) và không ngừng thực hiện đổi mới sáng tạo giải pháp phục vụ người tiêu dùng tốt hơn.
Khoảng 25 năm trước tại Việt Nam, Masan chỉ tập chung vào thức ăn gia vị, sau đó doanh nghiệp nhìn thấy nhiều tiềm năng khác như hàng tiêu dùng nhanh nên phát triển thêm ngành thức ăn gia vị mì, thức uống...
Masan đã phát triển mở rộng theo chiều ngang với những mặt hàng khác nhau dựa vào khả năng đánh giá và tín hiệu của thị trường. Còn theo chiều dọc, chiến lược của Masan là phục vụ khách hàng và người tiêu dùng cuối cùng.
Doanh nghiệp không chỉ đi theo hướng M&A với doanh nghiệp đầu nguồn, mà còn M&A các doanh nghiệp cuối nguồn. Những chiến lược này ngoài thực hiện ở Việt Nam, mà còn triển khai ở những thị trường khác như châu Âu.
Liên quan đến giá trị thương hiệu trong doanh nghiệp, ông Nguyễn Thái Phiên - Giám đốc cao cấp Tài chính Tập đoàn Novaland - cho hay M&A là công cụ để doanh nghiệp này sử dụng tích cực và hiệu quả trong quá trình phát triển.
M&A hiệu quả dựa trên ba yếu tố: tài chính, gia tăng thị phần; giúp doanh nghiệp đi sâu vào chuỗi giá trị, hoặc mở rộng thị phần, sản phẩm, tiếp cận thị trường; gia tăng giá trị cộng đồng, môi trường mang lại cho cư dân trong các dự án.
Xây dựng thương hiệu toàn cầu
Qua nhiều năm kiên định chiến lược phát triển bền vững, chú trọng xây dựng thương hiệu trên thị trường nội địa cũng như quốc tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang sở hữu thương hiệu có giá trị lớn và trở thành đầu ngành như Vinamilk, Minh Long, Bamboo Capital, TTC, Saigob Co.op...
Ở góc độ quốc gia, nỗ lực chống COVID-19 giúp giá trị thương hiệu của Việt Nam đạt mốc 319 tỷ USD năm 2020, tăng 29% so với năm ngoái với thứ hạng được cải thiện từ 42 lên 33 (theo Brand Finance - Tổ chức định giá thương hiệu và tư vấn chiến lược độc lập có trụ sở tại London, Anh).
Báo cáo của Brand Finance, Việt Nam đang nổi lên là địa điểm hàng đầu tại Đông Nam Á cho hoạt động sản xuất và ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư Mỹ đang tìm cách chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.
Trong khi đó, những FTA gần đây với EU và Anh cũng hứa hẹn sẽ hỗ trợ tăng trưởng cho Việt Nam trong thời gian tới.
Trong hành trình trở thành thương hiệu viễn thông hàng đầu Việt Nam như hiện nay, bà Nguyễn Hà Thành - Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel - cho biết Viettel chọn cách xây dựng thương hiệu bằng lao động và sáng tạo vì con người. Mỗi cá nhân trong doanh nghiệp được yêu cầu phải nhận thức được chiến lược của công ty, ý thức được tác động mà công việc mình mang lại cho khách hàng.
Ngay thời điểm khởi đầu xây dựng thương hiệu, Viettel định hướng thương hiệu phải được xây dựng dựa trên nền tảng trở thành một công ty đáp ứng được mọi nhu cầu của khách hàng theo cách riêng biệt.
Hiện tại, Viettel đã gặt hái được nhiều thành công trong thời kỳ 3G và 4G, góp phần phổ cập Internet và cơ hội sử dụng di động cho người dân Việt Nam dù ở biên giới, hải đảo...
Đối với thị trường nước ngoài, Viettel xây dựng ở mỗi quốc gia một tên thương hiệu riêng, gắn liền với con người, văn hoá, ngôn ngữ bản địa để tạo dựng niềm tin của người dân đối với thương hiệu được.
Mặc dù không sử dụng tên Viettel, nhưng doanh nghiệp vẫn mang theo những giá trị, sứ mệnh của Viettel để xây dựng thương hiệu tại thị trường nước ngoài, nhất là đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Cụ thể, Viettel sẽ có tên Mytel ở Myanmar, Bitel tại Peru hay Natcom tại Haiti...
Trong hơn 20 năm chăm sóc dinh dưỡng cho người Việt, Nutifood không chỉ giữ vững thương hiệu tiên phong đáp ứng nhu cầu thể trạng đặc thù của trẻ em và người tiêu dùng Việt Nam.
Bước đi chiến lược quan trọng thành lập Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển NNRIS (Nutifood Nutrition Research Institute in Sweden) đã giúp Nutifood được vinh danh giải thưởng “Sáng tạo Đổi mới Quốc tế" do Enterprise Asia - Tổ chức phi chính phủ hàng đầu về kinh doanh - trao tặng.
Bà Trần Thị Lệ, Tổng giám đốc NutiFood, cho biết triết lý kinh doanh ban đầu và xuyên suốt 20 năm của công ty là mỗi sản phẩm ra đời trước hết phải giải quyết nhu cầu bức xúc về dinh dưỡng của cộng đồng, vì một thế hệ trẻ Việt Nam phát triển toàn diện tầm vóc và trí tuệ.
Còn tại thị trường quốc tế, NutiFood đã chinh phục thành công tấm "visa" vào Mỹ khi được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA cấp giấy chứng nhận cho dòng sản phẩm Pedia Plus và đưa sản phẩm “lên kệ” tại các siêu thị của Mỹ.
NutiFood cũng là công ty sữa đầu tiên của Việt Nam có sản phẩm “lên kệ” tại Walmart (Trung Quốc) - “gã khổng lồ” của ngành bán lẻ thế giới khi lô sữa đậu nành Nuti được phân phối tại tất cả 450 cửa hàng ở Trung Quốc của “đại siêu thị” này.
Theo nhiều doanh nghiệp Việt, giá trị thương hiệu phải thực sự tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, giúp họ giải quyết được những vấn đề của mình và luôn cần có hoạch định chiến lược cụ thể qua từng giai đoạn.
Hơn thế nữa, doanh nghiệp kinh doanh thành công rồi quay trở lại thực hiện hoạt động xã hội là đương nhiên, nhưng trách nhiệm xã hội nên là yếu tố doanh nghiệp xem xét trong mọi quyết định kinh doanh.
Đây là một trong những xu hướng mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang tạo sức lan tỏa trên hành trình xây dựng thương hiệu và tái cấu trúc doanh nghiệp thông qua thị trường M&A hay quá trình phát triển doanh nghiệp bền vững.
Trong số đó, nhiều doanh nghiệp không ngừng lao động đổi mới sáng tạo để xây dựng nên những thương hiệu có diện mạo chuyên nghiệp và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, cũng như trở thành thương hiệu mạnh trên thị trường.