Không lấy hóa đơn, khách hàng chịu thiệt

(ĐTTCO) - Mặc dù từ ngày 1-7-2022, cả nước áp dụng hóa đơn điện tử, nhưng đến nay nhiều người mua hàng vẫn chưa có thói quen nhận hóa đơn. Nhiều người vẫn nghĩ rằng nhận hóa đơn chẳng để làm gì, thực tế việc này mang lại nhiều lợi ích.

Sử dụng phương pháp thanh toán điện tử giúp lưu được giao dịch giữa người mua và người bán. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Sử dụng phương pháp thanh toán điện tử giúp lưu được giao dịch giữa người mua và người bán. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Bằng chứng mua hàng

Anh Nguyễn Văn Hùng (ngụ quận 7, TPHCM) kể, anh đặt mua sản phẩm máy lọc nước ở siêu thị Điện máy Xanh qua mạng. Nhân viên đến nhà lắp đặt, nhập số điện thoại của anh vào hệ thống và nói rằng khi cần bảo hành, anh chỉ đọc số điện thoại là được. Đến khi cần thay lõi lọc nước, anh cung cấp số điện thoại nhưng siêu thị Điện máy Xanh báo không có thông tin trong hệ thống, yêu cầu anh đưa hóa đơn. Do anh không giữ hóa đơn nên đành “thua cuộc”, phải trả tiền cho thợ bên ngoài thay lõi lọc nước.

Tương tự, chị N.B.H. (ngụ quận 3, TPHCM) vào website của siêu thị điện máy Nguyễn Kim đặt mua tủ lạnh cho người thân, đến khi tủ lạnh bị trục trặc, cần người đến kiểm tra, sửa chữa thì không có dữ liệu mua hàng trên hệ thống. Cách chứng minh duy nhất là phải có hóa đơn mua hàng mới có thể xác định thời điểm mua, nơi bán, thế nhưng chị H. lại không giữ hóa đơn.

“Lúc mua hàng, tôi có lấy hóa đơn nhưng rồi vứt đi mất. Bên bán luôn nói, muốn bảo hành chỉ cần đọc số điện thoại là được. Nhưng đến lúc tranh chấp với bên bán, họ không lưu dữ liệu của mình thì mới thấy việc nhận và lưu giữ hóa đơn có ý nghĩa. Khi đó, hóa đơn sẽ là bằng chứng mua hàng ở cửa hàng đó, xác định được còn thời hạn bảo hành hay không, trách nhiệm đổi trả hàng của bên bán…”, chị N.B.H. tiếc nuối.

Một trường hợp khác, chị Phạm Kim Ngân (ngụ quận 7, TPHCM)  đi siêu thị về nhà, giở hàng ra mới thấy hộp trứng bị vữa. Chị mang ra siêu thị yêu cầu đổi lại. Nhân viên siêu thị hỏi chị hóa đơn mua hàng, chị nói có nhận nhưng vứt rồi nên đành ngậm ngùi đi về. Chị Ngân nói: “Từ vụ mua trứng đó, nhà tôi “quy hoạch” hẳn hộc tủ chuyên đựng hóa đơn và phiếu bảo hành. Hóa đơn hàng thực phẩm để một bên, đến khi nào ăn xong, an toàn mới vứt; nếu chẳng may bị ngộ độc thực phẩm thì còn có chứng từ buộc bên bán chịu trách nhiệm bồi thường. Đối với hàng hóa điện máy thì chúng tôi sẽ lưu hóa đơn kỹ hơn, đến khi hết hạn bảo hành mới bỏ, để nếu có lỗi kỹ thuật hay bất kỳ lý do gì thì còn “thủ” chứng cứ bảo vệ mình”.

Theo quy định tại Điều 90 Luật Quản lý thuế năm 2019, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử để giao cho người mua. Tuy nhiên, thực tế chỉ có doanh nghiệp nhận hóa đơn để hạch toán chi phí, còn cá nhân thì ít ai quan tâm nhận và lưu trữ. Đối với thương mại điện tử, người tiêu dùng mua sắm trực tuyến cũng ít chú ý việc nhận hóa đơn.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam (Bộ Công thương), trong năm 2020, 53% dân số mua sắm trực tuyến, thị trường thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 18%, đạt 11,8 tỷ USD, chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Năm 2021, Việt Nam có hơn 8 triệu người dùng trực tuyến mới, nâng tổng số người tham gia thương mại điện tử lên 57,3 triệu người, chiếm 82% tổng số người dùng internet. Thế nhưng, ít ai quan tâm nhận hóa đơn khi mua hàng trực tuyến.

Cơ hội trúng thưởng

Để khuyến khích cá nhân nhận hóa đơn khi mua hàng, Tổng cục Thuế vừa phát động chương trình trúng thưởng “Hóa đơn may mắn” cho người mua hàng có nhận hóa đơn. Dự kiến ngày 15-10-2022, trên địa bàn TPHCM sẽ xổ số hóa đơn đối với toàn bộ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế có thông tin người mua là cá nhân, hộ kinh doanh.

Như vậy, khi mua hàng, khách hàng yêu cầu bên bán hàng xuất hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế (dãy 34 ký tự số ngẫu nhiên) hoặc hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền (dãy 23 ký tự), trong hóa đơn phải có thông tin người mua là: mã số thuế hoặc căn cước công dân/chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu (không tính hóa đơn đã hủy, điều chỉnh, thay thế, hoặc hóa đơn có thông tin mã số thuế người bán và người mua trùng nhau).

Khi đó, hóa đơn mua hàng sẽ có cơ hội trúng thưởng với giải cao nhất lên đến 50 triệu đồng và 3 giải nhì, 5 giải ba, nhiều giải khuyến khích hấp dẫn. Do vậy, người mua hàng phải yêu cầu bên bán hàng xuất hóa đơn cho mình để tham gia chương trình “Hóa đơn may mắn”, có thông tin định danh của người mua để có cơ hội trúng thưởng.

Chương trình “Hóa đơn may mắn” sẽ được triển khai trên toàn quốc. Trên địa bàn TPHCM, Cục Thuế TPHCM sẽ thực hiện theo nguyên tắc lựa chọn ngẫu nhiên hóa đơn của người nộp thuế trên hệ thống hóa đơn điện tử tập trung của ngành thuế, bấm nút để phần mềm “Hóa đơn may mắn” chọn ngẫu nhiên hóa đơn của cá nhân, hộ kinh doanh mua hàng trên địa bàn thành phố. Để đảm bảo việc lựa chọn hóa đơn trúng thưởng được khách quan, công khai, minh bạch, ngành thuế sẽ thành lập hội đồng giám sát.

Các tin khác