Không tăng phí đường bộ sẽ vỡ quỹ tài chính

(ĐTTCO) -  Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Hồng Trường cho hay, tốc độ tăng trưởng mấy năm qua ổn định, giá xăng giảm, chi phí vận tải cũng giảm thì việc tăng phí vào thời điểm này là hợp lý.

(ĐTTCO) -  Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Hồng Trường cho hay, tốc độ tăng trưởng mấy năm qua ổn định, giá xăng giảm, chi phí vận tải cũng giảm thì việc tăng phí vào thời điểm này là hợp lý.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá “chi phí vận tải của Việt Nam còn rất cao”, ngành Giao thông vận tải cần quan tâm giảm giá thành, giảm chi phí vận tải để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. “Hiện, một số hàng hóa trong nước muốn điều hòa ngay ở trong nước cũng khó khăn vì chi phí phí vận tải còn cao”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Chiều 4/1, trả lời về thực trạng nhiều trạm BOT đang được tăng mức phí khá cao, Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Hồng Trường cho rằng, thu hút đầu tư BOT hiệu quả đã giúp giảm ngân sách Nhà nước đầu tư cho hạ tầng giao thông.

Sau khi "cảm ơn người dân và doanh nghiệp đã cùng đầu tư hạ tầng, nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến đường bộ", Thứ trưởng Trường cho hay, Bộ GTVT đã đưa ra lộ trình rất hợp lý, với phí thu phụ thuộc vào các yếu tố: tốc độ tăng trưởng kinh tế; sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp, bản thân nhà đầu tư có thể thu hồi được vốn".

Theo ông Trường, 3 yếu tố này hình thành nên cơ chế giá theo rà soát từ 2002 trở lại đây cứ 3-5 năm CPI tăng thì phải điều chỉnh giá để phù hợp với tốc độ tăng trưởng của CPI.

Đề án BOT cũng quy định, cứ 3 năm cho phép nhà đầu tư nghiên cứu đề xuất cơ quan có thẩm quyền cho tăng phí. Từ năm 2002 tới nay mới tăng phí 2 lần: ban đầu là 10.000 đồng cho một xe tiêu chuẩn, sau đó lên 20.000 đồng, đến nay là 30.000 đồng.

Ông Trường lý giải, tốc độ tăng trưởng mấy năm qua cũng ổn định, giá xăng giảm, chi phí vận tải cũng giảm thì việc tăng mức phí vào thời điểm này là hợp lý.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường trả lời báo chí.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường trả lời báo chí.

"Tất cả phương án đã làm với nhà đầu tư rồi, bây giờ không thực hiện sẽ phá vỡ phương án tài chính. Khi đó sẽ ảnh hưởng đến các ngân hàng. Bởi họ thu nợ theo chu trình khép kín, bây giờ lãi suất tăng, bản thân nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng", ông Trường nói về đề xuất dừng tăng phí đến 1/6.

Ví dụ, trạm Bến Thủy thu cho 4 dự án BOT: đường tránh Vinh, đường tránh Hà Tĩnh, cầu QL46, cầu Nghi Xuân. Nếu cả 4 trạm gộp lại chỉ thu 45.000 đồng thì giá thấp hơn các trạm khác, nhưng người dân đi qua vẫn cảm thấy bị thu quá nhiều.

"Bộ cũng nói với địa phương nghiên cứu giảm vé tháng cho người dân ở khu vực thường xuyên đi qua đó, cũng như trạm thu phí Quốc lộ 6 ở Hòa Bình. Bộ cũng yêu cầu nhà đầu tư làm việc với địa phương để có mức giá chấp nhận cho người dân sống ở đó 10-15 năm", Thứ trưởng Trường nói thêm.

Ngày 25/12/2015, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị lùi thời hạn tăng mức thu phí qua các trạm BOT. Để phù hợp với mức giảm chỉ số trượt giá CPI thực tế so với dự kiến trong các hợp đồng BOT đã ký, Bộ GTVT đề nghị các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án BOT (đã có lộ trình tăng phí từ 1/1/2016) tạm thời lùi thời hạn tăng phí sử dụng đường BOT đến 1/6/2016.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, hiện tại có 23 trạm thu phí BOT đang thu trên các tuyến quốc lộ, nếu lùi hạn tăng phí đến ngày 1/6 thì phải ban hành tới 23 thông tư tương ứng. Bộ này cũng nhận định, văn bản đề nghị lùi thời hạn tăng phí của Bộ GTVT chỉ cách ngày tăng mức phí 1 tuần là quá ngắn nên không kịp nghiên cứu, đánh giá xem xét để ban hành các thông tư mới. Ngoài ra, các trạm đã in và bán vé tháng, vé quý nên không thể lùi thời gian tăng phí như đề xuất của Bộ GTVT.

Các tin khác