Ngồi cả ngày bán được cốc kem 25.000 đồng
Nguyễn Thị Nghi - nhân viên tiệm kem Bingsu ngồi ngáp và nhìn về dãy ghế không một bóng người phía trước. Việc không có hoạt động giao tiếp nào với khách, khiến cơn buồn ngủ ập đến thường xuyên khi cô đang trông quầy hàng.
Trước dịch, tiệm kem nằm trong Central Market (quận 1) có thể kiếm được 2 triệu đồng/ngày nhưng giờ có ngày thu về 100.000-200.000 đồng, doanh thu giảm còn 1/10. Thậm chí, cả ngày mở chỉ bán được phần kem cuộn 25.000 đồng rồi hết giờ. Nghi tắt điện, đóng cửa đi về.
“Mấy năm bán kem ở đây, chưa bao giờ tôi thấy khách vắng ngoài sức tưởng tượng như hiện tại. Nhìn cảnh này buồn mà bất lực. Tất cả chỉ vì dịch bệnh”, cô nói.
Ghi nhận ở khu ẩm thực dưới lòng đất, hầu như các gian hàng đều trong tình trạng đóng cửa, phủ bụi, ghế ngồi sắp chổng người vì không dùng đến. Nhiều gian đã tháo dỡ đồ đạc cho thấy ý định ngừng hẳn công việc kinh doanh tại đây của chủ. Phố ẩm thực có 52 gian hàng thì nay vỏn vẹn 3 gian hoạt động.
Chủ quán đến ngồi cho hết ngày rồi về (ảnh: Trần Chung) |
Ghế ngồi tại khu ẩm thực lâu ngày không dùng nên úp ngược (ảnh: Trần Chung) |
Chị Nguyễn Thị Trung Trinh, quản lý Thái Ngon Ngon, cho biết, trước đây, khách đến ăn uống đông đến mức không có chỗ ngồi thì giờ khách gọi đồ tại chỗ đếm trên đầu ngón tay. Một số chủ quán muốn mở lại, nhưng nếu ngày không kiếm nổi 1 đồng thì tiền đâu trả các chi phí vận hành. Thế nên, họ mặc kệ quán đóng cửa. Từ ngày 1/11, khi các hàng ăn mở lại ở Central Market, lượng khách đều lèo tèo. Nhiều người xuống thấy quán đóng nhiều quá lập tức quay lên.
Theo chị Trinh, lý do vắng khách vì tâm lý còn e ngại dịch ở nơi công cộng. Ngoài ra, kinh tế khó khăn cũng ảnh hưởng tới chi tiêu. Nhiều tháng giãn cách, người dân đã quen với nếp tự nấu ăn tại nhà, tiết kiệm tiền tối đa thay vì đi ăn tiệm.
Còn ngồi đếm ca bệnh Covid-19 thì dân còn bất an
Đại diện Central Market thông tin, khách đến với khu mua sắm, ẩm thực giảm tới 70%, còn khoảng 200 lượt/ngày. 80% lượng khách trước đây là người nước ngoài nên việc chậm mở cửa đón khách quốc tế đã cắt sạch nguồn khách của trung tâm thương mại ngầm.
Mấy tháng đóng cửa do giãn cách xã hội, chi phí duy trì cho Central Market lên tới 500 triệu/tháng, trong khi không tính tiền thuê sạp, không có nguồn thu. Mặc dù đơn vị đang hỗ trợ giảm từ 30-50% chi phí thuê mặt bằng nhưng các chủ sạp vẫn không mở vì ế khách. Đã có tới 200 quầy trả lại mặt bằng kinh doanh.
Thông tin về dịch bệnh ảnh hưởng phần nào tới tâm lý người dân khi đến các địa điểm công cộng (ảnh: Trần Chung) |
Quá nhiều quán ăn đóng cửa, trả mặt bằng nên khu ẩm thực phải tắt đèn để tiết kiệm điện (ảnh: Trần Chung) |
Central Market đảm bảo tiêu chí an toàn về phòng, chống dịch Covid-19 đối với thương nhân, khách cũng như không gian hoạt động, nhưng các thông tin về dịch bệnh đang có ảnh hưởng nhất định tới hành vi của người dân.
“Khi đã xác định sống chung với dịch thì hãy chấp nhận việc ai cũng có thể là F0. Chúng tôi hiểu việc thống kê là cần thiết trong lĩnh vực y tế nhưng nếu cứ ngồi đếm số ca, số ổ dịch rồi thông tin sẽ càng gây tâm lý bất an cho người dân. Từ đó, tác động tới các hoạt động khác”, đại diện đơn vị nêu quan điểm.
Hoàng Trinh (quận 3) - khách đến trung tâm thương mại ngầm - cũng thấy việc đã được tiêm vắc xin đầy đủ, khai báo y tế, đo nhiệt độ khiến bản thân không có gì phải quá lo lắng khi đến các địa điểm mua sắm. Trinh mong muốn phố ẩm thực ngầm này sớm trở lại với hoạt động bình thường như trước để có thể cùng bạn thưởng thức các món ăn ngon.
Lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM cho rằng, dịch vụ ăn uống đóng góp lớn vào tổng mức bán lẻ, doanh thu của TP. Hoạt động này còn chưa sôi động không hẳn do giới hạn thời gian hoạt động tới 21h mà vì tâm lý còn e ngại của khách hàng. Căn cứ tình hình hiện tại, Sở sẽ phối hợp với một số cơ quan rà soát, đánh giá các yếu tố liên quan để tham mưu UBND TP hỗ trợ dịch vụ ăn uống.