Theo ông Nguyễn Xuân Cường, trong thời gian qua, công tác phòng chống thiên tai đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cũng như sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành và địa phương. Công tác phòng chống thiên tai đã đạt được nhiều kết quả, tổ chức bộ máy bước đầu được kiện toàn theo hướng chuyên trách; công tác dự báo, cảnh báo cũng được cải thiện (bổ sung nhiều trạm đo mưa tự động, hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, dự báo định lượng mưa, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất tới cấp huyện); công tác nâng cao nhận thức cộng đồng và truyền thông được tăng cường... Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống thiên tai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Để khắc phục những khó khăn tồn tại, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan chuyên môn cố gắng tích hợp, sử dụng công nghệ cao, phân tích đưa ra dự báo có độ tin cây cao, sát thực tiễn của từng loại hình thiên tai, đây là cơ sở quan trọng cho việc chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai.
Đề nghị Bộ Công thương xem xét rà soát lại vai trò của các dự án thủy điện trong việc đảm bảo an ninh năng lượng nhưng cần đi đôi với đảm bảo an toàn. Theo ông, hiện nay, đã có quy trình vận hành liên hồ một cách căn cơ. Vì vậy, đối với khu vực thủy điện nhỏ, chủ đầu tư là các doanh nghiệp nhỏ, cần lưu ý, trong điều kiện hạn hán, khi có mưa lũ, độ dốc cao, dễ xảy ra thảm họa với công trình hồ chứa.
Đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo cơ quan thường trực là Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phải có phương án bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phù hợp, tiếp cận, ứng cứu kịp thời; rà soát các cấp độ đặc biệt nguy hiểm, đề ra phương án ứng phó.
Tại hội nghị, có nhiều tham luận cảnh báo về tình hình, nguy cơ thiên tai diễn biến phức tạp ở nước ta cũng như thế giới trong thời gian qua và thời gian tới. Đáng chú ý về nguy cơ động đất, theo TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, mặc dù không nằm trên “vành đai lửa” của các chấn tâm động đất mạnh trên thế giới, Việt nam vẫn có mối hiểm hoạ động đất khá cao. Những trận động đất mạnh nhất với độ lớn đạt tới 6,7-6,8 độ richter và tương đương đã được ghi nhận trong lịch sử (1 trận vào thế kỷ 14) và bằng máy (2 trận vào thế kỷ 20) tại khu vực trên phần Tây Bắc lãnh thổ nước ta.
Từ kết quả phân tích không gian các chấn tâm động đất cho thấy, khu vực Tây Bắc của miền Bắc Việt Nam có độ hoạt động động đất mãnh liệt hơn nhiều so các khu vực còn lại ở miền Bắc. Những trận động đất mạnh nhất ghi nhận được trên lãnh thổ Việt Nam tập trung tại khu vực này, trong đó điển hình là 2 trận động đất tại Điện Biên năm 1935 (6,7 độ richter) và Tuần Giáo năm 1983 (6,8 độ richter).
Thời gian gần đây, tại khu vực miền núi phía Bắc đã ghi nhận một số trận động đất trung bình. Cụ thể, trận động đất 5.4 độ richter xảy ra ngày 25-11-2019 tại khu vực huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng; động đất 4.9 độ richter xảy ra ngày 16-6-2020 tại khu vực huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
Trên cơ sở các kết quả phân tích không gian và thời gian về hoạt động động đất tại khu vực miền Bắc Việt Nam và lân cận chứng tỏ đây là khu vực có tính động đất cao.
Mặc dù cho đến nay, thiệt hại về người và tài sản do động đất gây ra tại nước ta nói chung và khu vực vùng núi phía Bắc nói riêng là không đáng kể so với thiệt hại do các thiên tai khác như bão, lụt, hoả hoạn, song theo TS Nguyễn Xuân Anh, sẽ thật sai lầm nếu coi nhẹ các hiểm hoạ động đất.
Theo đánh giá, khu vực Tây Bắc như Điện biên, Tuần Giáo, Lai Châu, Sơn La... có thể phải chịu đựng những chấn động cấp 8-9 trong tương lai.
Còn theo Trung tâm Dự báo khí tượng – thủy văn quốc gia, từ tháng 7 đến 12-2020, có khả năng xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và Nam bộ trong những tháng cuối năm 2020.
Trong đó ở khu vực Bắc bộ có khả năng chịu ảnh hưởng của 1-2 bão hoặc ATNĐ trong tháng 8 và tháng 9-2020. Tại Bắc Trung bộ (khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế) trong tháng 9 có khả năng chịu ảnh hưởng của 1-2 xoáy thuận nhiệt đới, tháng 10 có khả năng chịu ảnh hưởng từ 1-2 xoáy thuận nhiệt đới.
Những tháng đầu năm 2020, đã xảy ra 12 trận động đất, trong đó trận động đất ngày 16-6-2020 tại Mường Tè, tỉnh Lai Châu có độ lớn 4,9 richter.
Ngoài ra, diễn biến thiên tai trên thế giới và trong khu vực cũng đang hết sức phức tạp. Đặc biệt là khu vực phía Nam Trung Quốc đã xảy ra mưa lớn kéo dài từ đầu tháng 6 đến nay, gây ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng, làm 130 người chết và mất tích, đe dọa an toàn của đập thủy điện Tam Hiệp trên sông Dương Tử - đây là đập thủy điện lớn nhất thế giới, nếu bị sự cố sẽ gây thảm họa đối với khu vực hạ du.