Cho đến nay, giới quan sát tin rằng đội ngũ chuyên gia của họ đã có thể tự nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân.
Khởi đầu với Liên Xô
Năm 2010, cùng với các nhà khoa học hạt nhân phương Tây được mời tới Triều Tiên tham quan cơ sở làm giàu uranium, tôi đã rất kinh ngạc khi tận mắt nhìn thấy khoảng 2.000 máy ly tâm có chứa uranium được làm giàu. Quả thật người Triều Tiên lấy bất cứ thứ gì họ có thể có được, rồi họ tự xây dựng mọi thứ và họ làm rất tốt. TS. Siegfried Hecker, nhà khoa học Hoa Kỳ |
Sau chiến tranh Triều Tiên, Kim Il-Sung, ông nội của nhà lãnh đạo hiện nay Kim Jong-Un, đã 2 lần yêu cầu nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc đó là Mao Trạch Đông chia sẻ công nghệ vũ khí hạt nhân, nhưng đều bị từ chối. Vì vậy, Bình Nhưỡng quyết tâm theo đuổi một chương trình vũ khí hạt nhân bản địa.
Là một thành viên sáng lập của Viện Nghiên cứu Hạt nhân Liên Xô, Triều Tiên đã gửi các nhà khoa học của mình tới Liên Xô để được đào tạo năng lượng hạt nhân. Theo báo cáo của Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân (NTI), Liên Xô thậm chí đã giúp Triều Tiên thiết lập lò phản ứng hạt nhân đầu tiên vào năm 1964, được sử dụng cho mục đích dân sự như y học, công nghiệp và nghiên cứu.
Tuy nhiên, theo NTI, trong những năm tiếp theo Bình Nhưỡng đã bắt đầu chuyển hướng sang nghiên cứu hạt nhân quân sự. Họ triệu tập các nhà khoa học tốt nhất của mình để làm việc về chương trình vũ khí hạt nhân non trẻ. Song dù đã được đào tạo về mặt kỹ thuật, nhưng các nhà khoa học Triều Tiên vẫn chưa thể tự thiết kế để sản xuất vũ khí hạt nhân. Vì thế, tận dụng việc thiếu các biện pháp bảo vệ thông tin hạt nhân những năm 70-80 của thế kỷ trước, Triều Tiên bắt đầu thực hiện các vụ mua công nghệ hạt nhân từ châu Âu.
Các nhà khoa học Triều Tiên thậm chí đã đến dự 1 hội nghị ở Vienna và trò chuyện với một số nhà khoa học Bỉ, những người đã thiết kế 1 nhà máy phân hạch plutonium. "Chẳng bao lâu sau, Triều Tiên đã có trong tay những công nghệ cơ bản về hạt nhân và họ đã xây dựng nhà máy, bắt đầu thử nghiệm và sử dụng nó” - Mark Hibbs, thành viên cao cấp của Tổ chức Carnegie về Hòa bình Quốc tế, nói.
Năm 2003, Giám đốc CIA George Tenet, nói rằng Triều Tiên "có thể" có 1 hoặc 2 đầu đạn hạt nhân plutonium. Năm sau đó, nhà lãnh đạo tối cao thế hệ thứ hai Kim Jong-Il đã mời phái đoàn các nhà khoa học hạt nhân phương Tây tới Triều Tiên để xem cơ sở khai thác plutonium của họ. Năm 2006, các phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên tuyên bố nước này đã có cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên và họ cũng bắt đầu chuyển hướng từ sản xuất plutonium sang chế tạo uranium.
Một vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng.
Lách lệnh trừng phạt, tìm kiếm công nghệ
Cơ sở của chương trình vũ khí hạt nhân uranium của Triều Tiên đã được thiết lập vào những năm 90, với sự trợ giúp đáng kể của TS. A.Q. Khan, người tiên phong trong chương trình bom nguyên tử của Pakistan. Ông Khan đã chỉ đạo việc chuyển giao bí mật các máy ly tâm uranium, máy làm giàu và dữ liệu kỹ thuật cho Triều Tiên trong một vài năm. Theo đó, một số hợp đồng của TS. Khan dường như gắn liền với các thỏa thuận chính thức giữa 2 quốc gia, trong đó Triều Tiên cung cấp công nghệ tên lửa đạn đạo cho Pakistan để đổi lại công nghệ tên lửa.
Năm 2004, Khan thừa nhận đã điều hành một đường dây phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu, với Iran và Libya nằm trong số các “khách hàng” của mình. TS. Khan sau đó nói với tạp chí Der Spiegel của Đức, rằng ông chỉ đơn giản là hành động thay mặt lãnh đạo Pakistan. Năm 1998, ông thậm chí còn công bố bức thư của Jon Pyong-ho, một trong những kiến trúc sư chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Trong thư, Pyong-ho xác nhận 3 triệu USD đã được chuyển tới lãnh đạo quân đội Pakistan và yêu cầu Khan gửi "các tài liệu, thành phần đã thỏa thuận". Fitzpatrick viết: "Bằng cách tự do bán các thiết bị làm giàu và đưa các thiết kế vào đĩa máy tính, Khan đã giảm đáng kể các rào cản kỹ thuật đối với phát triển vũ khí hạt nhân”.
Đầu năm 2015, các mảnh vụn từ phóng vệ tinh Triều Tiên đã được phân tích và các chuyên gia tìm thấy có chứa các thành phần được sản xuất ở Anh và được định tuyến qua các công ty Trung Quốc. Năm sau, các nhà báo nước ngoài tham quan nhà máy ở Bình Nhưỡng đã phát hiện ra lô hàng từ nhà sản xuất hóa chất Dow Canada. Đây là 2 trong số nhiều trường hợp Triều Tiên lách thành công các lệnh trừng phạt quốc tế và kiểm soát xuất khẩu để mua sắm vũ khí.
Andrea Berger, nhà nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí James Martin, nói: "Triều Tiên rất sáng tạo trong việc trốn tránh các biện pháp trừng phạt. Và để làm được điều này, Bình Nhưỡng thường gửi các công dân tin cẩn đến một số nước thành lập các công ty bình phong. Các công ty này sau đó nhập khẩu thiết bị từ các nhà sản xuất phương Tây”. Bằng cách này, các công ty bình phong mua hàng nhạy cảm trước khi tái xuất chúng sang Triều Tiên, trốn tránh kiểm soát xuất khẩu bằng cách thông qua các nhãn hàng vận chuyển, gây nhầm lẫn không phải là hàng hóa phục vụ mục đích quốc phòng.
Theo Viện Khoa học và An ninh Quốc tế, vào năm 2015, Công ty Máy công cụ Thẩm Dương của Trung Quốc đã mua thiết bị từ 1 nhà sản xuất châu Âu với điều kiện các mặt hàng này không được bán lại cho Triều Tiên. Tuy nhiên, công ty này đã phá vỡ thỏa thuận bằng cách giấu các sản phẩm vào một dây chuyền máy móc công nghiệp riêng, sau đó xuất khẩu sang Triều Tiên. Thiết bị này được Triều Tiên sử dụng để sản xuất các bộ phận tên lửa và máy ly tâm uranium.
(còn tiếp)