Bộ Kinh tế và Công nghiệp thúc giục người dân Tokyo tiết kiệm điện vào buổi chiều, đặc biệt là giờ cao điểm - từ 16 giờ đến 17 giờ (giờ địa phương).
Theo AP, nguồn cung cấp điện của Nhật Bản tương đối eo hẹp do nước này ngừng hoạt động hầu hết lò phản ứng hạt nhân sau thảm họa hạt nhân năm 2011 cũng như đóng cửa các nhà máy than cũ để tuân thủ cam kết giảm phát thải carbon.
Nhật Bản đồng thời đối mặt với sự thiếu hụt nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu trong bối cảnh phương Tây trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Các thành viên Không quân Sri Lanka phát phiếu xếp hàng mua xăng cho người dân tại thủ đô Colombo hôm 27-6 Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, Công ty Điện lực Đài Loan (Trung Quốc) đã đề xuất tăng giá điện lên ít nhất 8% đối với lĩnh vực công nghiệp. Đảo Đài Loan chủ yếu dựa vào than nhập khẩu và khí đốt tự nhiên nhưng giá của 2 loại nhiên liệu này đã tăng vọt trong năm nay, còn lượng điện tiêu thụ lập kỷ lục trong những ngày gần đây do nắng nóng và sự phục hồi mạnh mẽ của ngành công nghiệp sau đại dịch.
Nghiêm trọng hơn, chính phủ Sri Lanka yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà trong khi các trường học đã đóng cửa 1 tuần qua ở thủ đô Colombo và các khu vực lân cận. Theo Reuters, Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka Kanchana Wijesekera hôm 26-6 cho biết các kho dự trữ chỉ còn khoảng 9.000 tấn dầu diesel và 6.000 tấn xăng để duy trì các dịch vụ thiết yếu trong những ngày tới.
Sri Lanka hôm 26-6 cũng tăng giá nhiên liệu thêm 12%-22%, sau khi đợt tăng giá vào tháng 5 đẩy lạm phát ở nước này lên 45,3%, mức cao nhất kể từ năm 2015. Sri Lanka đang chống chọi với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất 7 thập kỷ qua.
Tại Ecuador, Tổng thống Guillermo Lasso hôm 26-6 thông báo sẽ giảm giá nhiên liệu, sau nhiều tuần biểu tình dẫn đến đụng độ khiến 5 người chết và khoảng 500 người bị thương. Trong khi đó, bộ trưởng năng lượng của các nước Liên minh châu Âu trong ngày 27-6 thảo luận giải pháp kiềm chế nhu cầu khí đốt giữa lúc khối này chật vật vì nguồn cung từ Nga sụt giảm.
Vấn đề năng lượng cũng là chủ đề nổi cộm tại hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra của Nhóm 7 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7). Hai nguồn tin nói với Reuters rằng một số nhà lãnh đạo G7 đang kêu gọi các khoản đầu tư mới vào năng lượng hóa thạch, còn Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi đồng minh đoàn kết trước Nga khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng thực phẩm và năng lượng toàn cầu.