Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp (DN) ngày càng giảm do các lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều tăng trưởng chậm hoặc giảm. Trong lúc chờ đợi tín dụng cho DN khởi sắc, các NH đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng để kéo tăng trưởng tín dụng.
Cầu vốn DN thấp
Theo thống kê của NHNN, tính đến ngày 31-3, tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống đã thoát khỏi tình trạng âm, đạt 0,01%. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng của tháng 3 so với tháng 2 khoảng 1%. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhận định đà tăng trưởng này rất tốt và mục tiêu tăng tín dụng không có vấn đề gì quá đáng lo ngại.
Tuy nhiên, NHNN chi nhánh TPHCM cho biết 3 tháng đầu năm, huy động vốn và cho vay của các NHTM trên địa bàn TPHCM vẫn ở mức thấp và chậm. Trong đó, tăng trưởng tín dụng 3 tháng ước đạt 0,12%. Đây là diễn biến bình thường, xuất phát từ đặc điểm của quý đầu năm, gắn liền với tính thời vụ và trực tiếp tác động bởi yếu tố lễ hội của dịp Tết Nguyên đán.
Đối với tín dụng cho sản xuất kinh doanh, lĩnh vực xuất khẩu có tăng trưởng khá, cụ thể dư nợ cho vay bằng ngoại tệ tháng 1 tăng 1,6%, tháng 2 tăng 1,3% và dự ước 3 tháng đầu năm tăng 3,8%; tín dụng đối với 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên đạt 133.081 tỷ đồng, tăng 3,84% so với cuối năm 2013.
Với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, người dân có khuynh hướng chi tiêu tiết kiệm hơn nên mảng cho vay tiêu dùng cũng không khả quan lắm. Thêm vào đó, lãi suất ưu đãi thường chỉ được các NHTM áp dụng trong kỳ hạn 3-6 tháng đầu, sau đó, khách hàng phải chấp nhận mức lãi suất cao hơn bởi cho vay tiêu dùng có khá nhiều rủi ro. Theo dự đoán, thị trường tín dụng tiêu dùng nếu có bùng nổ phải đến nửa cuối năm 2014 hoặc sang 2015, sau khi kinh tế vượt qua khủng hoảng và Chính phủ ban hành nhiều hơn nữa những chính sách hỗ trợ để phát triển lĩnh vực này. Ông Friedrich Weiss, |
Dù tín dụng đã có dấu hiệu khởi sắc và NHNN lạc quan về mục tiêu tăng trưởng tín dụng, nhưng hiện có nhiều ý kiến cho rằng tín dụng vẫn còn nhiều rào cản. Như theo HSBC, trong quý I, lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng chậm lại còn 2,4% so với mức 2,7% của cùng kỳ năm trước; lĩnh vực khai khoáng mỏ đã giảm còn -2,9% từ mức -0,2% trong năm 2013; lĩnh vực xây dựng tăng chậm hơn, từ mức 5,8% trong năm 2013 xuống còn 3,4% trong quý I-2014 và lĩnh vực dịch vụ cũng giảm từ mức 6,6% trong năm 2013 xuống còn 6% do mức độ lạc quan của người tiêu dùng yếu.
Doanh số bán lẻ cũng giảm mạnh trong tháng 3 khi chỉ ở mức 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi con số tháng 2 là 12,7%. Ngày 17-3, NHNN đã giảm lãi suất thị trường mở OMO thêm 50 điểm, chỉ còn 5% để thúc đẩy nhu cầu. Nhưng cũng chỉ có 1.000 tỷ đồng được bơm vào thị trường mở trong ngày 31-3 vì không có người đặt giá trong vài tuần qua.
Hiện nay, thanh khoản không còn là vấn đề khi lãi suất qua đêm đã khá thấp chỉ vào khoảng 1,5% do nhu cầu khiêm tốn và dòng vốn FDI ổn định. Đa số NHTM đang đầu tư lượng thanh khoản dư thừa vào trái phiếu vì nhu cầu vay vốn của DN và cá nhân tiềm năng đều thấp. Trong khi đó, với các khoản nợ xấu luôn ở mức cao, nhiều DN trong nước không có hứng thú với việc mở rộng đầu tư.
Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng
Để kích thích tín dụng tăng trưởng, hỗ trợ DN, mới đây Chính phủ yêu cầu trong quý II phải tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết 01/NQ-CP ban hành ngày 2-1-2014. Theo đó, NHNN tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ, triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh gắn với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, đồng thời, nghiên cứu điều chỉnh giảm lãi suất các khoản vay cũ để tháo gỡ khó khăn cho DN.
Trao đổi với ĐTTC, tổng giám đốc một NHTMCP cho rằng hiện lãi suất không còn là vấn đề lớn đối với DN vì đã thấp hơn trước rất nhiều, thậm chí nhiều NH đưa ra các gói lãi suất ưu đãi chỉ 6%/năm, nhưng vẫn không hấp thu được bởi rất nhiều DN đã kiệt quệ, hàng tồn kho quá nhiều. Hơn nữa, các NHTM đang sợ rủi ro tín dụng nên chỉ tìm đến DN tốt, bởi hiện nay quản trị rủi ro là mục tiêu hàng đầu của các NH, chất lượng tín dụng phải được quan tâm, nếu chạy theo số lượng sẽ rất nguy hiểm.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng NH không mặn mà cho vay, nhưng thực tế NH cũng phải theo thị trường và đảm bảo an toàn. Bởi lẽ NH muốn cho vay nhưng DN không có nhu cầu hoặc sức khỏe DN quá yếu, vay vốn cũng không lấp được những lỗ hổng trước đây, hậu quả còn nặng nề hơn.
Với nhiều khó khăn như vậy nên NH và DN khó bắt nhịp được với nhau, dẫn đến tín dụng tăng chậm. Những tháng qua, dòng tín dụng đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh chủ yếu chảy vào xuất khẩu và các DN nhỏ và vừa, tín dụng dành cho DN nói chung vẫn chưa có tiến triển tốt như kỳ vọng.
Trong bối cảnh tín dụng dành cho DN tăng chậm, các NH đang kỳ vọng cho vay tiêu dùng, vay nhỏ lẻ vì mảng này đang phát triển rất tốt, trong khi cho vay DN vẫn phải chờ đợi. Điều này được thấy rõ từ sau Tết Nguyên đán đến nay các NH đang tăng tốc các gói tín dụng tiêu dùng, cho vay nhỏ lẻ.
Như ABBank dành 800 tỷ đồng cho vay cá nhân với lãi suất ưu đãi 7,99%/năm. Techcombank với sản phẩm cho vay mua ô tô. VietinBank ưu đãi khách hàng mua nhà dự án lãi suất từ 8%/năm. Maritime Bank ưu đãi đặc biệt với gói tín dụng lãi suất chỉ 8%, áp dụng cho các sản phẩm như mua nhà, đầu tư kinh doanh và các sản phẩm tín dụng cá nhân khác…
Khách hàng vay tiêu dùng tại Techcombank. Ảnh: LONG THANH |
Theo ông Trần Ngô Phúc Vũ, Tổng giám đốc NamA Bank, hiện mảng cho vay DN đang thắt lại và NH đang chờ đợi do lượng khách hàng tốt thu hẹp, nhu cầu vay vốn giảm, nhưng mảng cho vay nhỏ lẻ đang được NamA Bank tung ra với nhiều sản phẩm như vay siêu tốc, cho vay tiêu dùng nhỏ, vay linh hoạt, vay bổ sung vốn góp kinh doanh hay vay mục đích sửa chữa, xây dựng nhà… với lãi suất thỏa thuận, trong đó có nhiều gói cho vay lãi suất chỉ 7%.
Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank, cũng cho biết từ năm 2013, Sacombank đã chuyển hướng vào bán lẻ và năm nay sẽ triển khai mạnh hơn, hướng đến đối tượng cán bộ công nhân viên, những người có nhu cầu vay tiêu dùng, những hộ kinh doanh nhỏ lẻ có nhu cầu vốn để kinh doanh.
Trong bối cảnh hiện nay, các NH đều nhận định nếu muốn phá điểm nghẽn dòng tín dụng cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các DN nên tính toán lại việc tái cơ cấu, cơ cấu lại ngành nghề. Bởi lâu nay những DN phát triển theo diện rộng, không đi vào chiều sâu, khi thị trường quay đầu DN gặp khó khăn, nay cần phải rà soát lại để NH dễ hỗ trợ vốn hơn.