PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, nguyên nhân gì đã khiến giá vàng thế giới sau chuỗi ngày tăng giá kỷ lục và đạt đỉnh vào ngày 11-8, đột ngột tuột xuống đáy trong ngày 12-8?
Ông TRẦN THANH HẢI: - Ngày 6 và 7-8, Quốc hội Mỹ đã bàn về gói kích cầu lịch sử trên 2.000 tỷ USD cho hàng chục triệu người Mỹ thất nghiệp, nhưng chưa thống nhất được.
Đến ngày 8-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp và 3 chỉ thị mới nhằm tiếp tục hỗ trợ tài chính cho hàng chục triệu người Mỹ đối mặt với tình trạng thất nghiệp. Nhưng ông Trump đã đột ngột cắt khoản hỗ trợ đó từ 600USD/người/tuần xuống còn 400USD/người/tuần. Việc này làm lượng cung tiền giảm gần 1.000 tỷ USD.
Phản ứng với sự kiện này, giá vàng thế giới đang ở cao điểm nhất trong vào ngày 11-8 (tính theo giờ Việt Nam), có lúc lên tới 2.063USD/ounce đã giảm xuống tới đáy trong ngày 12-8. Cụ thể, giá vàng thế giới từ 2.060USD/ounce giảm xuống 2.050USD/ounce trong buổi sáng, tiếp tục xuống 2.000USD/ounce vào buổi trưa và đến chiều giảm về mức cản 1.870USD/ounce.
Nói ngắn gọn, những thông tin về gói kích thích, kích cầu từ Chính phủ Mỹ trước đó đã làm mồi bùng phát giá vàng. Và cũng chính vì chính sách cắt giảm hỗ trợ được tung ra đã làm mồi giảm giá vàng.
Nguyên nhân nữa xuất phát từ giới đầu tư tài chính quốc tế. Họ biết dựa vào gói kích thích để đánh vàng lên, cũng như biết lợi dụng việc cắt giảm gói kích thích để đánh xuống và không quên chốt lời.
Họ lợi dụng những yếu tố có thật, sự kiện có thật để thực hiện động thái này. Điều này khiến giá vàng tăng lên đỉnh vào ngày 11-8 và sụt giảm nghiêm trọng gần 7% trong ngày 12-8.
- Theo nhiều chuyên gia đợt điều chỉnh giá vàng này chỉ là giai đoạn củng cố giá và bức tranh tăng giá dài hạn vẫn còn nguyên vẹn?
- Trong dài hạn, giá vàng được dự báo tăng trở lại. Ngày 9-8, bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ đã phát đi tín hiệu sẵn sàng đàm phán lại với chính quyền của ông Trump để nối lại việc bàn bạc về gói kích cầu.
Sau đó, lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mỹ, ông Mitch McConnell cũng phát đi tín hiệu 2 bên sẽ sớm gặp nhau. Theo đó, giá vàng đã được củng cố. Ngày 13-8, giá vàng đã tăng trở lại, vượt qua mức 1.900USD/ounce và lên dần đến mức 1.950USD/ounce.
Ngoài ra, còn có một động thái đang làm giá vàng tăng nhưng chưa có nhà kinh tế nào bình luận, là xung đột Mỹ và Iran đang nóng lên. Iran vừa bắt giữ 1 tàu chở dầu ở eo biển Hormuz, bù lại Mỹ bắt 4 tàu chở dầu của Iran.
Tôi cho rằng năm nay giá vàng sẽ có nhiều kịch tính, cụ thể hơn từ nay đến ngày bầu cử Mỹ 3-11 sẽ có nhiều biến động. Vì theo kinh nghiệm quan sát của tôi, mỗi kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ đều có những kịch bản khác nhau đối với nền kinh tế.
Trong đó, riêng việc đoán định chính sách của Đảng Cộng hòa và cả ông Donald Trump rất khó. Nhưng với 4 năm cầm quyền, ông Trump có nhiều quyết sách đi ngược lại người tiền nhiệm, có mềm có cứng, nhưng tựu chung những chính sách thể hiện mạnh khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.
Với phương châm đó, nếu không xảy dịch Covid-19, Dow Jones đã lên tới 29.500 điểm vào ngày 20-2 và tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ lần đầu từ năm 1969 đã trở lại mức dưới mức lý tưởng 3% vào đầu năm 2020. Phải nói dịch Covid đã quét sạch thành tựu của ông Trump và ông sẽ nỗ lực lấy lại tín nhiệm để trúng cử ngày 3-11.
Đồng thời, Đảng Dân chủ cũng sẽ có những phản biện. Như vậy, từ đây đến ngày 3-11, giá vàng sẽ còn ảnh hưởng nhiều từ chính sách tài khóa từ chính trường Mỹ. Theo đó, nếu Mỹ bung nhiều tiền, vàng sẽ lên, còn ngược lại nếu thắt chặt và nền kinh tế Mỹ hồi phục, giá vàng sẽ xuống. Đó là nguyên nhân chính trực tiếp.
- Dù giá vàng quốc tế biến động rất mạnh nhưng chưa sốc bằng sự điều chỉnh biên độ giá mua bán và sự chênh lệch với giá thế giới của vàng SJC trong ngày 12-8, thưa ông?
Gần 10 năm nay thị trường vàng mới xảy ra kịch tính như vậy. Rõ ràng cuộc chơi vàng hiện nay quá rủi ro, nó không dành cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. |
Theo thống kê của Kitco, giá vàng thế giới giảm xuống sâu nhất trong vòng 7 năm. Cú sốc này làm các doanh nghiệp (DN) lo lắng và đã đẩy cả giá mua và bán vàng SJC thấp hơn giá thế giới. Cụ thể, 11 giờ 30 ngày 12-8 giá mua xuống 48 triệu đồng/lượng, giá bán xuống 52 triệu đồng/lượng.
Như vậy các DN hoàn toàn phòng thủ. Đến chiều 12-8, họ mới bình tĩnh trở lại và khi giá vàng thế giới vọt lên mốc 1.900USD/ounce, giá trong nước được điều chỉnh lại.
- Nhiều ý kiến cho rằng ở kênh vàng, khách hàng nắm đằng lưỡi, DN vàng nắm đằng cán, ông chia sẻ gì về điều này?
- Thứ nhất, số đông người dân trong cơn sóng vàng ngày 11 và 12-8 vừa qua có người lỗ, có người lời và có người thay đổi được danh mục đầu tư. Những người lỡ mua vàng ở giá 49 triệu đồng/lượng vào tháng 9-2011 đã ôm vàng gần 10 năm (chưa tính lãi suất, chi phí) đã có dịp phục hồi giá trị đầu tư.
Thứ hai, nhìn vào diễn biến giá vàng SJC đầu tháng 7 cao hơn thế giới, nhưng đến ngày 12-8 lại thấp hơn, khiến một số DN vàng thua lỗ. Bởi lẽ, dù giá lên quá cao và tụt quá thấp, vàng do DN sản xuất ra hoặc bán ra thì phải mua vào. Nếu không có tiền mua vào phải ghi giấy hẹn, hay như SJC niêm yết giá thấp hơn giá thế giới để an toàn trước xu hướng bán nhiều hơn mua.
Như vậy, trong cơn sóng vàng vừa rồi, một số người dân và DN tận dụng được cơ hội, nhưng cũng có một số người dân và DN thua lỗ, là chuyện bình thường trong kinh tế thị trường.
Nhưng đối với DN vàng, trừ DNNN là SJC, các DN vàng còn lại đều lấy vàng làm chuẩn, làm thước đo. Vì vậy, phần lỗ của DN vàng được bù đắp bởi việc chuẩn tài sản của họ là vàng, còn cá nhân lỗ là lỗ thật.
- Xin cảm ơn ông.