Đây là lý do HĐQT của CTCP Tập đoàn Kido (KDC) công bố tờ trình về việc mua lại CP để giảm vốn điều lệ tại ĐHCĐ bất thường 2022 dự kiến được tổ chức ngày 20-12. Theo tờ trình, Kido có kế hoạch mua lại 10 triệu CP KDC (tương đương 3,57% vốn điều lệ) với mục đích ổn định giá, giảm bớt số CP đang lưu hành.
Theo tính toán, với mức giá tham chiếu của KDC hiện tại là 61.700 đồng thì Kido sẽ phải chi ra khoảng 617 tỷ đồng để mua lại 10 triệu CP như công bố.
Nguồn vốn thực hiện mua lại được lấy từ các nguồn như: thặng dư vốn cổ phần, quỹ đầu tư phát triển, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu được sử dụng để bổ sung vốn điều lệ.
Theo Kido, thời gian giao dịch dự kiến trong năm 2023, sau khi nhận được văn bản thông báo của UBCKNN về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo mua lại CP. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc mua lại CP, Kido sẽ tiến hành thủ tục giảm vốn điều lệ tương ứng với tổng giá trị tính theo số CP được mua lại.
Cụ thể, sau khi hoàn tất việc mua lại 10 triệu CP, vốn điểu lệ của Kido sẽ giảm từ 2.797 tỷ đồng xuống còn 2.697 tỷ đồng.
Trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới trở nên khó khăn hơn do xung đột giữa Nga - Ukraine kéo dài, lạm phát duy trì ở mức cao, xu hướng tăng lãi suất. Tất cả những yếu tố này đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Kido. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính quý III, luỹ kế 9 tháng đầu năm, tập đoàn này vẫn ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.570 tỷ đồng (tăng 28,5%), lợi nhuận sau thuế đạt 369 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 3-11, HĐQT của Kido đã họp và công bố tờ trình phương án chia cổ tức đặc biệt từ nguồn lợi nhuận giữ lại. Cụ thể, Kido lên kế hoạch chi trả tiền mặt 5.000 đồng/CP (tương ứng tỷ lệ 50%). Với gần 280 triệu CP đang giao dịch, KDC sẽ phải chi ra số tiền khoảng 1.400 tỷ đổng để thanh toán cổ tức đặc biệt này.