Xu hướng ngày càng tăng bất chấp đại dịch Covid-19
Theo Kantar World Panel, tiêu thụ hàng FMCG tại Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng cao so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á trong quý IV-2021, giai đoạn hậu giãn cách xã hội (tháng 6 - 9/2021). Cụ thể, tổng mức tăng trưởng của tiêu dùng FMCG ở khu vực thành thị và nông thôn Việt Nam lần lượt là 3,9% và 5,2%, trong khi con số của Thái Lan là 3,5%.
Bên cạnh đó, tăng trưởng doanh thu bán lẻ của Việt Nam đối với các phân khúc hàng hóa và dịch vụ lưu trú và ăn uống là 9,1% và 3,3% vào tháng 3-2022. Đây là con số ngang mức trước đại dịch.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, giá trị tiêu thụ ngày càng tăng là do cả giá bán lẻ và sản lượng tiêu thụ tăng lên. Ngoài ra, tổng chi tiêu hộ gia đình của Việt Nam sẽ có xu hướng tăng trong giai đoạn 2022-2025.
Từ những số liệu thống kê trên, CTCK Rồng Việt (VDSC), dự báo người tiêu dùng Việt Nam sẽ duy trì được sức mua mạnh mẽ đối với các sản phẩm FMCG bất kể những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Các nhà sản xuất FMCG trong nước như: CTCP Tập đoàn Masan (MSN), CTCP Tập đoàn Kido (KDC) hay CTCP Tập đoàn Dabaco (DBC) sẽ là những doanh nghiệp niêm yết hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng này.
Theo lý giải của VDSC, lợi thế mà 3 doanh nghiệp này đang sở hữu là: giá bán thấp hơn so với sản phẩm FMCG nhập khẩu, quen thuộc hơn với khẩu vị của người tiêu dùng Việt Nam, và nguồn cung sản phẩm FMCG nhập khẩu thấp hơn do vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Điểm rơi tăng trưởng trong quý III
Theo dự báo của VDSC, tổng tăng trưởng doanh thu của các nhà sản xuất FMCG dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất trong năm vào quý III. Ngoài yếu tố chính là độ phủ vắc-xin Covid-19, thì hoạt động xã hội như giải trí ngoài trời, nhà hàng, du lịch và khách sạn đã mở cửa trở lại kể từ đầu năm 2022 chính là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng của các doanh nghiệp FMGC.
Do các hoạt động kinh doanh tại kênh này đã bị đóng cửa do đại dịch Covid-19 trong quý III-2021, nên doanh số bán hàng trong quý III năm nay sẽ cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nền cơ sở thấp. Cùng với sự trở lại của người lao động và sinh viên tại các thành phố trong nền kinh tế bình thường mới, sẽ khuyến khích nhu cầu tiêu dùng FMCG.
Trên thực tế, các nhà sản xuất FMCG đã cho thấy doanh thu và lợi nhuận năm 2021 tăng trưởng khả quan bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Qua đó, kỳ vọng tăng trưởng doanh số bán hàng của các nhà sản xuất FMCG tiếp tục đạt mức cao năm 2022, sau đó bình thường hóa năm 2023.
Đáng chú ý, những công ty với danh mục sản phẩm đa dạng bao gồm tất cả các danh mục FMCG như MSN hoặc KDC sẽ lấy được chi tiêu nhiều hơn từ người tiêu dùng.
Chi phí đầu vào gây sức ép lên lợi nhuận
Theo VDSC, chi phí đầu vào tăng vẫn gây sức ép lên lợi nhuận của các nhà sản xuất FMCG. Nguyên nhân là do các sản phẩm hàng hóa như lúa mì hoặc dầu cọ là nguyên liệu đầu vào của các nhà sản xuất FMCG, giá hàng hóa tăng do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và căng thẳng Nga - Ukraine đã ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận.
Mặc dù Bộ Công thương đã cho phép tăng giá bán các sản phẩm FMCG, nhưng mức tăng khiêm tốn (không quá 10%) sẽ không thể bù đắp hoàn toàn cho sự tăng mạnh của chi phí đầu vào. Do đó, lợi nhuận ròng có thể tăng trưởng thấp hơn so với doanh thu năm 2022.
Lấy dẫn chứng từ KDC, dù mùa tiêu dùng Tết 2022 đến sớm khiến doanh thu ngành dầu trong quý I-2022 bị tác động, nhưng doanh nghiệp này vẫn duy trì được đà tăng trưởng trong quý đầu tiên của năm.
Báo cáo tài chính quý I vừa được KDC công bố tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng khả quan. Cụ thể, doanh thu thuần trong kỳ đạt 2.879 tỷ đồng (hoàn thành 21% kế hoạch năm và tăng 24% so với cùng kỳ năm trước), lợi nhuận gộp đạt 548 tỷ đồng (tăng 24% so với cùng kỳ năm trước).