Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 chỉ tăng nhẹ ở mức 0,35%, mức tăng thấp nhất trong 14 tháng qua. Kết quả này cho thấy, những giải pháp kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã phát huy tác dụng.
Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, cuối năm là thời điểm giá hàng hóa có nhiều biến động do sức mua tăng cao trong dịp lễ, tết. Việc kiềm chế CPI ở mức 18% trong cả năm 2011 vẫn là một thách thức lớn bởi 10 tháng vừa qua, CPI đã tăng tới 17,05% so với tháng 12-2010.
Thực phẩm giảm giá "kéo" CPI hạ nhiệt
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI cả nước tháng 10 tăng 0,36% so với tháng 9 và tăng 17,05% so với tháng 12-2010. Trong rổ hàng hóa tính CPI, 8/11 nhóm hàng có mức tăng nhẹ từ 0,06-3,2%. Quan trọng nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (có ảnh hưởng lớn nhất tới CPI) đã tiếp tục giảm mạnh từ mức 0,28% (trong tháng 9) xuống còn 0,06% trong tháng 10 do giá thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến giảm mạnh.
Cụ thể, giá thịt lợn giảm 2,94%, thịt gia cầm giảm 2,69% nhờ có sự bù đắp lớn từ nguồn cung chăn nuôi trong nước và nhập khẩu. Thủy, hải sản chung đà giảm giá do nguồn cung dồi dào. Ba nhóm hàng hóa quan trọng là nhà ở và vật liệu xây dựng, giao thông, bưu chính viễn thông cũng giảm giá trong tháng 10.
Cùng với việc giá thực phẩm hạ nhiệt, việc CPI của hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM có mức tăng thấp (Hà Nội tăng 0,13%, TPHCM tăng 0,18%) đã góp phần khiến chỉ số giá dịu lại. Mức tăng CPI 0,13% của Hà Nội trong tháng 10 là mức thấp nhất tính từ tháng 5-2010.
Nhiều mặt hàng thiết yếu tại Thủ đô như hàng ăn và dịch vụ ăn uống, thuốc và dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, giải trí và du lịch... đều có mức tăng nhẹ dưới 0,9%. Theo ông Công Xuân Mùi, Cục trưởng Cục Thống kê TP Hà Nội, bên cạnh những tác động tích cực giúp giảm giá thực phẩm do nguồn cung dồi dào, những giải pháp kiềm chế lạm phát do UBND TP Hà Nội kiên trì thực hiện đã góp phần quan trọng trong việc kiềm chế đà tăng giá trên địa bàn.
Còn nhiều thách thức
Tín hiệu tích cực từ chỉ số giá hạ nhiệt đã làm "ấm lòng" người dân và DN song theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), CPI cả năm 2011 sẽ ở mức 18,7% do giá lương thực tăng cao. Nhiều chuyên gia kinh tế thận trọng cho rằng, việc kiềm chế CPI cả năm 2011 ở mức dưới 20% đã là một thành công lớn.
Bởi lẽ, so với tháng 12-2010, CPI cả nước đã tăng tới 17,05%, rất sát với mục tiêu 18% cả năm được đặt ra. Thêm vào đó, những tháng cuối năm là thời điểm sức mua tăng mạnh do dịp lễ, tết, góp phần đẩy giá hàng hóa tăng cao. Vì vậy, để thực hiện đúng mục tiêu giữ CPI cả năm ở mức 18% là không hề đơn giản.
Để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực theo chỉ đạo của Chính phủ. Nhằm thanh tra việc điều chỉnh giá hàng thiết yếu, tránh tình trạng tăng giá bất hợp lý, 9 tháng vừa qua, Bộ Tài chính đã tổ chức 35 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với những DN sản xuất hàng thiết yếu, gồm khí hóa lỏng, phân bón hóa học, sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi, thức ăn chăn nuôi, xi măng, đường ăn, thép xây dựng, thuốc bảo vệ thực vật. Nhiều sai phạm liên quan đến việc điều chỉnh giá đã được Bộ Tài chính chỉ rõ, đồng thời yêu cầu DN thực hiện đúng theo quy định.
Tại Hà Nội, bên cạnh việc tích cực triển khai công tác bình ổn giá hàng thiết yếu, UBND TP mới đây đã tổ chức hội thảo liên kết hoạt động thương mại giữa Hà Nội với các tỉnh, TP trong khu vực kinh tế trọng điểm Bắc bộ (gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định). Một thỏa thuận hợp tác thương mại giữa Hà Nội và các tỉnh đã được ký kết.
Sau thỏa thuận này, Hà Nội sẽ có thêm nhiều nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm tươi sống, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, tránh xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Bởi hiện tại, theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, với dân số đạt gần 7 triệu người và khoảng 1,5 triệu khách vãng lai, Hà Nội chỉ có thể tự cung cấp khoảng 3-5% nhu cầu về gạo thơm; 60% nhu cầu về thịt lợn, thịt bò; khoảng 60% nhu cầu về rau xanh; 38% nhu cầu về thịt gia cầm, thủy cầm; 30% nhu cầu về thủy, hải sản…
Thực hiện chủ trương bán hàng bình ổn giá của UBND TP Hà Nội, các DN được vay vốn trữ hàng thiết yếu cho biết sẽ bảo đảm hàng hóa đầy đủ, dồi dào tại 561 điểm bán hàng bình ổn nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn. Bên cạnh việc sẵn sàng mở thêm điểm bán hàng bình ổn giá, các DN cũng chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng thiết yếu nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Với những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc kiềm chế lạm phát, bình ổn giá, phát triển sản xuất tiếp tục triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, dự kiến chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2011 sẽ được kiềm chế ở mức hợp lý, tạo tiền đề quan trọng để khôi phục đà tăng trưởng kinh tế trong những năm tiếp theo.