Ngày 21-7, ông Lâm Minh Thành, chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, có ý kiến đề nghị nên dừng hẳn việc khai thác đường bay Hà Nội - Phú Quốc. Hiện tại, mỗi ngày vẫn còn một chuyến bay từ Hà Nội tới Phú Quốc và ngược lại với lượng khách trung bình khoảng 100 người/chuyến.
Theo ông Thành, qua tham khảo ý kiến các bộ ngành, tỉnh Kiên Giang quyết định vẫn duy trì đường bay nói trên bởi nhiều lý do. Nhu cầu đi lại, làm ăn kinh tế của các tổ chức, cá nhân từ Hà Nội ra Phú Quốc vẫn cần thiết.
Hơn nữa, trong tình huống bất khả kháng, theo ông Thành, việc duy trì một đường vận tải hàng không nơi đất liền với nơi chia cắt là thành phố đảo Phú Quốc "vẫn hết sức cần thiết".
Tỉnh Kiên Giang cũng đã yêu cầu chính quyền TP Phú Quốc phối hợp với ngành giao thông có phương án bố trí xe đưa, đón hành khách từ sân bay tới nơi lưu trú, đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng dịch. Khách từ Hà Nội tới Phú Quốc cũng phải có giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực theo quy định.
Trước đó, Bộ GTVT cũng đã đồng ý với đề án thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc và đề nghị tiêm vắc xin cho người dân trên đảo.
Đây là đề án đã được gợi ý ngay từ đầu năm nay với nỗ lực cứu ngành du lịch hồi phục trong bối cảnh lĩnh vực này đã gần như tê liệt do dịch COVID-19 hoành hành.
Ông Phạm Văn Nghiệp, phó chủ tịch UBND TP Phú Quốc, cho hay việc lập danh sách người dân trên đảo (kể cả lao động nhập cư) đã hoàn tất, ước tính có trên 126.000 người cần được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 trước khi có thể đón khách quốc tế (có hộ chiếu vắc xin) trở lại.
Ông Bùi Quốc Thái, giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, cho biết thêm, trước mắt chỉ thí điểm đón du khách Nga tới Phú Quốc, và hiện cũng chỉ có một đơn vị nghỉ dưỡng phức hợp ở phía bắc đảo tham gia vào đề án.
"Việc chuẩn bị các thủ tục cần thiết đang được khẩn trương thực hiện, nếu việc tiêm vắc xin cho toàn dân trên đảo Phú Quốc hoàn tất thì nơi đây có thể đón khách Nga trở lại kể từ tháng 10" - ông Thái nói.