Kiến nghị các hiệp hội rút lại đề xuất hoãn tăng lương

(ĐTTCO) - Tại hội thảo “Tăng lương và vấn đề ổn định thị trường lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh", TS Phạm Thu Lan, Phó viện trưởng Viện Công nhân - công đoàn cho rằng các hiệp hội nên cân nhắc và rút đề xuất hoãn tăng lương từ ngày 1-7. 
Kiến nghị các hiệp hội rút lại đề xuất hoãn tăng lương
TS Lan dẫn khảo sát mới nhất của công đoàn trên hơn 2.000 lao động cho kết quả gần 56% nói thu nhập chỉ vừa đủ trang trải chi phí cơ bản cuộc sống; 23% phải chi tiêu tằn tiện mới đủ và 13% thu nhập không đủ sống tối thiểu.
Gần 53% người tham gia khảo sát cho biết thu nhập hiện tại ảnh hưởng quyết định sinh con; hơn 17,4% lao động có con dưới 18 tuổi nói hiện tại con không thể ở cùng cha mẹ vì không đủ tiền gửi trẻ; 3% lao động chưa bao giờ mua sữa cho con uống. Vì vậy, nhu cầu tăng lương của lao động là bức thiết nhất lúc này.
Do đó, TS Lan mong muốn 8 hiệp hội rút lại đề xuất hoãn tăng lương tối thiểu cho người lao động. 
Cũng tại hội thảo lần này, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng tăng lương sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp nhưng tăng lương cũng chính là khoản đầu tư sinh lời mạnh bởi giúp người lao động có thêm động lực để làm việc với năng suất cao hơn, chất lượng tốt, giúp doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh hơn, bền vững hơn.
TS Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn chia sẻ tiền lương có mối quan hệ chặt chẽ với sự ổn định của thị trường lao động, sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế. Do vậy, tiền lương của người lao động phải đi trước.
Trước đó vào ngày 12-4, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất đề xuất tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% từ ngày 1-7-2022. Nếu đề xuất này được Chính phủ thông qua, đây là lần đầu tiên kể từ khi áp dụng lương tối thiểu vùng tại doanh nghiệp (năm 2009), tiền lương tăng vào giữa năm thay vì đầu năm và dự kiến kéo dài 18 tháng thay vì 12 tháng như thường lệ.

Các tin khác