Theo đó, UBND TPHCM đã và đang ban hành các quy định áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù để rút ngắn thời gian trong các khâu bồi thường, hỗ trợ tái định cư và thu hồi đất. Đến nay, thời gian để thực hiện thu hồi đất đối với dự án có đất ở sớm nhất là 300 ngày kể từ ngày ban hành thông báo thu hồi đất của từng trường hợp ảnh hưởng thu hồi đất.
Theo SởTNMT, quá trình triển khai lập danh mục các dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất đặc dụng và hồ sơ kế hoạch sử dụng đất, UBND quận, huyện lập và trình Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện có chậm thời gian so với quy định.
Về nguyên nhân khó khăn, kéo dài theo Sở TNMT là do các năm đầu thực hiện Luật Đất đai 2013 có nhiều vướng mắc khi tổ chức triển khai thực hiện, cần phải xin ý kiến hướng dẫn. Công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng, mặt bằng, tái định cư đối với các dự án thu hồi đất gặp nhiều khó khăn, hạn chế: tiến độ bồi thường, tái định cư và bàn giao mặt bằng phần lớn dự án là chậm…
Nhiều dự án bị chậm tiến độ vì công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa được đồng thuận. Vì vậy, kết quả thực hiện các dự án cần thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trên đại bàn các quận, huyện có tỷ lệ hoàn thành chưa cao, đa số các dự án không hoàn thành trong kế hoạch, tiến độ thực hiện kéo dài nhiều năm và phải chuyển tiếp thực hiệntrong nhiều kỳ lập kế hoạch sử dụng đất.
Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, nhiều dự án kéo dài đến nay vẫn chưa kết thúc, dẫn đến tiến độ dự án chậm, vốn đầu tư tăng; các dự án có sử dụng vốn ngân sách để bồi thường, đầu tư xây dựng được bố trí vốn chậm, hạn chế. Chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung theo hướng có lợi hơn cho người dân nhưng không áp dụng cho các dự án đã phê duyệt phương án chính sách Luật Đất Đai 1993, 2003 nên gặp khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận để bàn giao mặt bằng.
Việc áp dụng các chính sách cho các tổ chức, cá nhân được bồi thường có lúc, có nơi chưa phù hợp với quy định; thiếu nhất quán trong áp giá bồi thường, chính sách tái định cư và các khoản hỗ trợ khác dẫn đến tình trạng khiếu nại, so bì giữa các hộ dân. Tình trạng người dân không hợp tác, không đồng tình với pháp lý, chính sách và đơn giá bồi thường của dự án vẫn còn xảy ra, dẫn đến việc phát sinh khiếu nại, khiếu kiện của người dân có đất bị thu hồi.
Tại một số dự án, công tác bố trí vốn bồi thường, hỗ trợ tái định cư không phù hợp (không bố trí vốn đủ một lần để chi trả) làm kéo dài thời gian thực hiện, làm phát sinh thêm tiền phạt do chậm chi trả cho người dân.
Từ thực tế trên, Sở TNMT kiến nghị Quốc hội sớm thông qua Nghị quyết thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập nhằm đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng để đầu tư xây dựng tại các dự án.
Pháp luật hiện hành chỉ quy định việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng đất đối với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo gia đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất, chưa có quy định đối với việc thu hồi đất nông nghiệp thì được bồi thường loại đất khác, dẫn đến những khó khăn nhất định trong việc áp dụng.
Kiến nghị các cơ quan Trung ương sớm sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất theo phương thức bồi thường bằng đất ở hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật (trong trường hợp thu hồi đất nông nghiệp) nhằm đảm bảo quyền lợi và sinh kế của người dân, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, giúp cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng đạt hiệu quả, đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng nhanh cho chủ đầu tư để thi công.