Hiện nay việc quy hoạch, phát triển các đô thị ven sông với những công trình mang tính điểm nhấn về cây xanh, kiến trúc, cảnh quan đô thị, đồng thời cũng tạo ra cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội, phát triển hài hòa, bền vững tài nguyên sông nước đang được tỉnh nhà quan tâm.
Một loạt công trình chỉnh trang ven sông
Một loạt công trình chỉnh trang ven sông
Sông Đồng Nai chảy qua địa phận tỉnh Đồng Nai với chiều dài khoảng 200km, trong định hướng quy hoạch hành lang ven sông đã được xác định là trục cảnh quan chính để hình thành những đô thị ven sông, trong đó tập trung triển khai trước đoạn chảy qua TP Biên Hòa. Hiện TP này đang triển khai 3 dự án xây dựng đường, bờ kè và chỉnh trang công viên dọc sông: đoạn từ cầu Hóa An đến giáp huyện Vĩnh Cửu, đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh tỉnh Bình Dương và từ cầu Hóa An đến cầu Ghềnh.
Trong đó, dự án đường ven sông Cái (từ điểm giao với đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản) với chiều dài toàn tuyến khoảng 5,4km, có quy mô mặt cắt 32m; dự án xây dựng kè, đường và công viên bờ sông kéo dài từ cầu Hóa An đến giáp ranh với huyện Vĩnh Cửu dài khoảng 5,2km, có quy mô mặt cắt 34m.
Cầu An Hảo nối Quốc lộ 1 với cù lao Phố tạo diện mạo mới cho cảnh quan ven sông Đồng Nai.
Tổng kinh phí đầu tư 2 công trình này hơn 5.200 tỷ đồng, trong đó kinh phí giải phóng mặt bằng 3.950 tỷ đồng với gần 1.000 tổ chức, hộ gia đình có đất bị thu hồi. Sau khi hoàn thành sẽ là một trong những trục giao thông chính của TP với hơn 1,3 triệu dân, vừa tạo cảnh quan đô thị - tạo lập không gian sinh hoạt cộng đồng phục vụ người dân, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Hiện nay, trục giao thông chính kết nối từ Quốc lộ 1A với Quốc lộ 1K qua cầu Hiệp Hòa, cầu An Hảo đang diễn ra tình trạng ùn ứ giao thông cục bộ (đoạn cuối đường Hà Huy Giáp giao với Đặng Văn Trơn, phường Hiệp Hòa, cù lao Phố), nên tỉnh Đồng Nai hy vọng với việc hình thành trục giao thông mới ven sông sẽ giúp giảm kẹt xe ở trung tâm TP Biên Hòa, kết nối với các trục đường giao thông lớn như Quốc lộ 1A, 1K, cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn để kết nối vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho vùng kinh tế Đông Nam bộ.
Ngoài ra, theo giới quy hoạch-kiến trúc do nhà dân hiện hữu ven sông đều có mặt sau nhà xoay ra sông, chất thải sinh hoạt thường được xả thẳng ra sông gây nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. Do vậy nếu các công viên được xây dựng sẽ giúp tạo khoảng đệm ngăn dòng sông với các khu dân cư, qua đó bảo vệ môi trường và nguồn nước sông Đồng Nai.
Cần thêm những công trình điểm nhấn
Cần thêm những công trình điểm nhấn
Kinh nghiệm trong quy hoạch phát triển các đô thị lớn trên thế giới cho thấy, trong quá khứ thủ đô các nước và các TP lớn ở châu Âu, châu Á, châu Phi, châu Mỹ hầu hết đều gắn với các dòng sông và trải qua nhiều thời kỳ kiến tạo. Sông Thames ở London (Anh) dài 330km, ngay từ những năm 1980, những khu công nghiệp (KCN) ven sông bắt đầu nhường chỗ cho các tòa nhà chung cư và văn phòng, lối đi dạo, công viên, cùng với đó là tạo ra những công trình mang tính biểu tượng như tòa nhà Millenium Dome, hay các khu phức hợp như Canary Warf, giúp tạo bản sắc riêng cho khu vực ven sông và kích thích phát triển kinh tế. Và cùng với hàng trăm dự án cải thiện môi trường được triển khai sau đó đã biến con sông thành tài sản thiên nhiên, văn hóa quan trọng phản ánh lịch sử phát triển của TP London. Tại Mỹ, sông Hodson ở TP New York từ những năm 1950 đã được xem là siêu đô thị bên sông đầu tiên trên thế giới, đóng vai trò là một hành lang giao thông và thương mại.
Tại Việt Nam, TP Hà Nội cũng đang hướng tới tạo lập diện mạo cho những đô thị hai bên sông Hồng, hình thành trục không gian văn hóa cảnh quan kiến trúc Hồ Tây-Cổ Loa; kết hợp giữa bảo tồn các công trình, di tích có giá trị; kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới. Và theo dự kiến, đề án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ được ban hành trong tháng 6 tới đây.
Tại tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, trong quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2001-2030, ngoài TP Biên Hòa thì khu vực dọc sông Đồng Nai, dải hành lang ven sông từ phía Nam TP Biên Hòa đến các huyện Long Thành, Nhơn Trạch cũng sẽ xem xét quy hoạch để từng bước hình thành nên các đô thị ven sông, tạo nét riêng cho kiến trúc đô thị, tạo cảnh quan-môi trường sinh hoạt để nâng cao chất lượng cuộc sống cư dân đô thị, đồng thời thu hút các nhà đầu tư đánh thức những khu “đất vàng ven sông”, tạo thêm động lực cho phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Tuy vậy, để tạo điểm nhấn trong cảnh quan kiến trúc ven sông không thể không có các công trình cao tầng được xây dựng ven sông hoặc ở các cù lao như Cù lao Phố (phường Hiệp Hòa), Cù lao Ba Xê (TP Biên Hòa) hay Cù lao Ông Cồn (huyện Nhơn Trạch). Việc quy hoạch, xây dựng các công trình cao tầng ven sông sẽ còn giúp tiết kiệm quỹ đất để làm công viên, tăng tiện ích cho cư dân của một TP công nghiệp như Biên Hòa và có tốc độ công nghiệp hóa-đô thị hóa nhanh như Đồng Nai, từ đó góp phần kiến tạo môi trường sống văn minh, hài hòa cho người dân, nhất là công nhân – người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp.
Bán đảo Thủ Thiêm (quận 2, TPHCM) và hành lang dọc sông Sài Gòn (phía quận 1) của TPHCM được ví như là những khu đất kim cương. Và trong chừng mực nào đó Cù lao Phố và hành lang ven sông Đồng Nai cũng có giá trị tương tự nếu được quy hoạch, đầu tư xây dựng đúng tầm mức. Từ đây biến dòng sông Đồng Nai thành tài sản thiên nhiên vô giá, là nguồn lực phát triển những đô thị hiện đại, phục vụ cho phát triển bền vững cả vùng Đông Nam bộ.
Việc quy hoạch, xây dựng các công trình cao tầng ven sông sẽ còn giúp tiết kiệm quỹ đất để làm công viên, tăng tiện ích cho cư dân của một TP công nghiệp như Biên Hòa và có tốc độ công nghiệp hóa-đô thị hóa nhanh như Đồng Nai, từ đó góp phần kiến tạo môi trường sống văn minh, hài hòa cho người dân. |