Ngày 27-10, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tổ chức Hội nghị gặp gỡ doanh nhân kiều bào với chủ đề Phát huy sức mạnh cộng đồng doanh nghiệp kiều bào vì sự phát triển của TPHCM – nâng tầm sản phẩm Việt.
Kiều hối đạt 4 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2020
Phát biểu khai mạc, đồng chí Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM thông tin, trong giai đoạn 2020-2025, TPHCM thực hiện 4 Chương trình phát triển TPHCM. Trong đó, có Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực TPHCM.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm phát biểu tại hội nghị, sáng 27-10-2020. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Theo Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm, TPHCM có sức mạnh, nguồn lực rất to lớn là 10 triệu dân, hơn 350.000 doanh nghiệp và mối liên hệ với hàng triệu kiều bào đang sinh sống ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Đó chính là nhân tài, vật lực, là thế mạnh, tiềm năng và tương lai rộng mở.
Năm 2020, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM và cả nước bị tác động bởi dịch Covid-19, cộng đồng kiều bào đã có những hành động thiết thực, cùng với người dân trong nước chia sẻ khó khăn, đảm bảo công tác phòng, chống dịch; đồng thời, duy trì kết nối giao thương, khôi phục kinh tế.
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covdi-19, lượng kiều hối chuyển về địa bàn TPHCM thông qua các hệ thống ngân hàng thương mại, các tổ chức kinh tế trực tiếp nhận và chi trả ngoại tệ trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt khoảng 4 tỷ USD (tăng 2% so với cùng kỳ). Dự ước, năm 2020 kiều hối chuyển về TPHCM đạt khoảng 5,5 tỷ USD (tăng 0,82% so với năm 2019).
Đối với Liên minh châu Âu (EU), EU đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt gần 56,5 tỷ USD (xuất khẩu đạt 41,5 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt gần 15 tỷ USD).
Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU) – Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8. EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm trao đổi cùng các đại biểu tham dự hội nghị, sáng 27-10-2020. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm khẳng định, TPHCM xác định châu Âu là thị trường lớn cho các doanh nghiệp thành phố. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của TPHCM sang EU đạt hơn 5 tỷ USD (tăng 5,4%). Trong 6 tháng 2020, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này cũng đạt 2,3 tỷ USD, riêng nhóm nông lâm thủy sản hơn 300 triệu USD. Tuy nhiên, đây cũng là một trong số các thị trường khó tính, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nỗ lực đảm bảo chất lượng, mẫu mã sản phẩm, cũng như nhiều yếu tố khác để vượt qua được những quy định do châu Âu đặt ra.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM khẳng định, lãnh đạo thành phố trân trọng lắng nghe những chia sẻ quý báu từ cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia các hiệp hội và hội doanh nhân, hội doanh nghiệp trong và ngoài nước về phát triển TPHCM. Trọng tâm là vấn đề phục hồi tăng trưởng kinh tê, chuyển đổi số, khắc phục tác động của dịch Covid-19. Qua đó, nhận diện thêm về những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp đang gặp phải trong việc kết nối, xúc tiến thương mại, nâng cao vị thế hàng Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực.
“Đóng góp của kiều bào là không thể đong đếm được”
Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) chia sẻ, cộng đồng Người Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua tiếp tục lớn mạnh với 5,3 triệu người đang sinh sống, học tập tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kiều bào đã hội nhập rất sâu rộng vào đời sống mọi mặt ở nước sở tại, từ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Đặc biệt, thời gian qua, kiều bào luôn luôn hướng về quê hương, đất nước và có những đóng góp hết sức thiết thực, hiệu quả. Lượng kiều hối về Việt Nam từ năm 1990 đến nay đạt khoảng 170 tỷ USD.
Đại sứ Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (bên trái) củng ông Steve Bùi, Việt kiều Nhật
Đại sứ Lương Thanh Nghị nhận xét, kiều bào đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam rất hiệu quả, với khoảng 3.000 dự án, tổng số vốn đăng ký khoảng 4 tỷ USD, tạo nhiều công ăn việc làm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian qua.
“Có thể nói, những đóng góp của bà con kiều bào là không thể đong đếm được; đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta đang tận dụng những cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại thì lực lượng trí thức kiều bào (khoảng 500.000 - 600.000 người) đang làm việc và học tập ở các quốc gia phát triển là nguồn lực rất lớn cho đất nước. Hàng năm, có khoảng 500 chuyên gia, nhà khoa học kiều bào về nước, thường xuyên cộng tác với Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học”, Đại sứ Lương Thanh Nghị nhấn mạnh.
Theo Đại sứ Lương Thanh Nghị, hiện nay, có khoảng 1/5 trong số 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài đang sinh sống tại châu Âu. Kiều bào tại châu Âu đang tích cực tham gia vào cuộc vận động huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2019 - 2024.
Đại sứ Lương Thanh Nghị nhận xét, thực tế cho thấy, thị phần hàng Việt Nam tại EU còn khiêm tốn so với tiềm năng, và còn yếu kém hơn so với hàng hóa của các nước khác. Do đó, đòi hỏi các cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải tận dụng thời cơ từ EVFTA và vượt qua rào cản như vậy.
Đại sứ Lương Thanh Nghị chia sẻ, thời gian tới, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục tích cực phối hợp với các bộ, ngành và hội doanh nghiệp trong nước ưu tiên giới thiệu những sản phẩm đảm bảo chất lượng, có khả năng sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của từng địa bàn. Đồng thời, Ủy ban tiếp tục vận động các chuyên gia, trí thức, doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài tích cực chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến về nước để áp dụng vào sản xuất, hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất, năng suất lao động trong nước.
Liên kết để đôi bên cùng có lợi với EVFTA
Tại hội thảo, ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), chia sẻ quan điểm của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu về việc triển khai EVFTA, cũng như tiềm năng của Việt Nam trong tiếp cận thị trường ASEAN và EU.
Ông Jean-Jacques Bouflet cho hay, với hơn 1.000 thành viên, EuroCham sẽ nỗ lực hết mình để đảm bảo thực hiện suôn sẻ và hiệu quả hiệp định này. Cụ thể, EuroCham tham gia vào cả xuất khẩu và nhập khẩu từ Việt Nam sang EU. Mặt khác, các công ty Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ chuyên môn, lời khuyên và kết nối của EuroCham để nâng cao kiến thức và khả năng tiếp cận thị trường châu Âu. Do đó, tăng cường liên kết là chìa khóa để đảm bảo “đôi bên cùng có lợi” khi tham gia EVFTA.
Để phát huy hết tiềm năng của EVFTA, ông Jean-Jacques Bouflet cho rằng, Việt Nam cần giúp các doanh nghiệp trong nước củng cố thị phần EU bằng cách hiểu rõ hơn về thị trường và tiêu chuẩn kinh doanh của EU, nâng cao chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc và độ tin cậy, đồng thời áp dụng văn hóa đổi mới, minh bạch và liêm chính. Những nỗ lực này cần được điều chỉnh cho phù hợp với các nhóm sản phẩm nhằm thúc đẩy chương trình phát triển quốc gia.
Cũng tại hội thảo, 3 Biên bản thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện (MOU) được ký kết, góp thêm dấu mốc quan trọng trong hợp tác giao thương và phát triển mạnh mẽ giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Các biên bản gồm: MOU giữa Hiệp hội Doanh nhân và đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc (VKBIA) với Tập đoàn MEGAZONE CLOUD (tập đoàn của Hàn Quốc về Cloud Innovation, có thế mạnh về lĩnh vực kinh tế số, chuyển đổi số và ứng dụng số); MOU giữa VKBIA và SHINHAN BANK (Ngân hàng Hàn Quốc); MOU giữa VKBIA với MHGroup và Tập đoàn Hoàng Quân.
Ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện giữa Hiệp hội Doanh nhân và đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc (VKBIA) với Tập đoàn MEGAZONE CLOUD. Ảnh: HOÀNG HÙNG