Một nghịch lý đang diễn ra ở một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực nước ta: kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng lợi nhuận của DN lại giảm. Số lượng các DN nhỏ và vừa (DNNVV) phải tạm ngừng hoạt động đang ngày một nhiều lên.
Đạt chỉ tiêu nhưng kém hiệu quả
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), khá hồ hởi khi công bố kim ngạch xuất khẩu thủy sản 3 quý năm 2011 đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, bằng 77,6% kế hoạch năm nay.
Chắc chắn năm nay ngành thủy sản sẽ hoàn thành kế hoạch hơn 5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Đó là một kết quả rất đáng khích lệ, nhất là trong thời điểm khó khăn chồng chất như hiện nay.
Cũng là một ngành hàng xuất khẩu chủ lực, nhưng ngành gỗ đang gian nan hơn. Ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ TPHCM, chia sẻ: “Qua 3 quý năm 2011 ngành gỗ đã xuất khẩu được gần 3 tỷ USD, đạt 75% kế hoạch năm (4 tỷ USD). Quý IV là mùa làm ăn của ngành gỗ. Tuy nhiên các DN đang chịu quá nhiều áp lực: hạn mức tín dụng, vốn vay chưa đáp ứng được yêu cầu; giá nguyên liệu liên tục tăng cao; đơn hàng chựng lại…".
Được biết toàn ngành gỗ có khoảng 2.000 DN, nhưng từ đầu năm đến nay đã có hơn 30% phải tạm ngưng hoạt động, 50% kinh doanh hòa vốn hoặc lỗ, chỉ chưa đến 20% kinh doanh có lãi. Những DN ngành gỗ đang kinh doanh có lãi thường là DN lớn trong nước và DN FDI.
Nói về chuyện kim ngạch xuất khẩu vẫn cao nhưng lợi nhuận của các DN ngành gỗ lại giảm, ông Mạnh phân tích: “Thực chất lợi nhuận của nhiều DN xuất khẩu đang giảm ghê gớm, chỉ tiêu xuất khẩu đạt nhưng hiệu quả thực sự thì không. Không ít DN vì muốn duy trì hoạt động vẫn phải chấp nhận hòa thậm chí lỗ khi nhận đơn hàng xuất khẩu”.
Cuộc sàng lọc ngày càng nghiệt ngã
Nhìn chung trong 3 tháng cuối năm các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta còn phải đối phó với rất nhiều rủi ro, vì những thị trường chính như châu Âu, Hoa Kỳ vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục. Trao đổi với ĐTTC, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, cho rằng thời điểm khó khăn hiện nay cũng là cơ hội để sàng lọc DN.
Song dự báo năm 2012 khó khăn vẫn còn, các DNNVV sau khi “ngấm đòn” liên tiếp mấy năm sẽ khó có thể tiếp tục cầm cự. 98% DN trong nước là DNNVV, đối tượng đang phải chịu thiệt thòi nhất trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Các DN này khó tiếp cận nguồn vốn vay, chứ chưa nói đến việc tiếp cận vốn vay lãi suất thấp.
Các DN ngành gỗ đang hoạt động khó khăn, chỉ chưa đến 20% kinh doanh có lãi. |
Vấn đề sàng lọc DN đang trở thành câu nói quen thuộc của nhiều người. Tất nhiên, không có gì phải tiếc khi những DN yếu kém, làm ăn chụp giựt bị loại bỏ. Nhưng sự sàng lọc đang ngày càng quá nghiệt ngã, thể hiện ngay trong câu chuyện của ngành gỗ, hơn 30% DN phải tạm ngưng hoạt động nhưng không phải tất cả trong số đó cần phải sàng lọc.
Tương tự, ở ngành thủy sản dù vị chủ tịch hiệp hội tỏ ra hồ hởi và cho rằng những khó khăn chỉ là nhất thời, song các DNNVV trong ngành thủy sản lại đang quá điêu đứng vì cạn vốn, tăng giá đầu vào, thiếu nguyên liệu, mất thị trường...
Trong ngành thủy sản số DNNVV đang chiếm quá nửa. Ngành thép cũng có nhiều DN phải tuyên bố phá sản hoặc tạm ngưng hoạt động, từ nay đến cuối năm có thể 50% DN ngành thép phải tạm ngưng hoạt động. Việc DN này tạm ngưng hoạt động nhưng DN khác ra đời cũng là quy luật tất yếu trong nền kinh tế.
Nhưng đó thường chỉ xảy ra ở các mảng dịch vụ còn trong những ngành hàng xuất khẩu thì hiện tượng này không phổ biến. Nên nếu không có những chính sách mạnh tay hơn để cứu các DNNVV trong các ngành hàng xuất khẩu chủ lực thì nghịch lý lợi nhuận và kim ngạch có thể tiếp tục kéo dài.