Sự chênh lệch giữa cung và cầu trong ngành cấy ghép nội tạng, cũng như những chênh lệch quá lớn về giàu nghèo giữa các giai tầng trong một nước hoặc giữa nước giàu và nước nghèo, đã khiến thị trường buôn bán nội tạng trái phép phát triển. Một số nước bị mệnh danh là “thiên đường mua bán nội tạng”.
Kinh doanh trong bóng tối (K1): Buôn bán nội tạng
Sự nổi bật của Trung Quốc
Tình trạng buôn bán nội tạng trái phép ở Trung Quốc từ lâu đã bị nhiều nước chú ý. Trong một diễn biến mới nhất, ngày 21-3-2013, Thượng viện Australia thông qua một bản kiến nghị kêu gọi Chính phủ Australia phản đối hoạt động thu hoạch nội tạng người ở Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, đã có rất nhiều vụ án nổi tiếng liên quan đến hoạt động buôn bán trái phép, chẳng hạn vào tháng 8-2012, cảnh sát nước này “báo cáo thành tích” triệt phá được một đường dây buôn bán tạng người sống, bắt giữ 137 đối tượng và giải cứu 127 người bán nội tạng.
Chiến dịch truy quét của công an Trung Quốc được phát động sau vụ việc một nam sinh 17 tuổi bán thận để kiếm 3.500EUR mua iPhone và iPad. Trên các trang mạng của Trung Quốc xuất hiện không ít các rao vặt kiểu như: “Hãy bán một quả thận để mua iPad!”. Kẻ đăng tin cho biết sẽ trả khoảng 4.000USD cho một quả thận và việc cắt lấy thận diễn ra trong vòng 10 ngày.
Trước đó, có nhiều báo cáo cho biết nội tạng của người bị tử hình ở Trung Quốc bị lấy đem đi bán trên thị trường thế giới từ giữa những năm 1980, khi một luật ra đời năm 1984 cho phép thu hoạch nội tạng từ các tử tù nếu được người thân của tử tù đồng ý, hoặc khi xác của tử tù không có người nhận.
Cựu Thứ trưởng Y tế Trung Quốc Huang Jeifu năm 2005 thừa nhận hơn 95% nội tạng cấy ghép ở nước này là lấy từ các tử tù. Ông còn nói thêm bản thân ông thực hiện khoảng 100 ca ghép thận mỗi năm. Trong một cuộc họp báo năm 2010 ở Madrid (Tây Ban Nha), ông Huang cho biết từ năm 1997-2008, Trung Quốc đã thực hiện hơn 100.000 ca cấy ghép nội tạng người, trong đó hơn 90% tạng lấy từ tử tù.
Vào tháng 2-2012, ông Huang cho biết nạn lấy nội tạng từ tù nhân vẫn tồn tại ở Trung Quốc, nhưng chính phủ sẽ cố gắng chấm dứt vào năm 2015.
Các “thị trường” khác
Tháng 12-2010, một báo cáo của Hội đồng châu Âu (COE) do Dick Marty viết đã tố cáo đương kim Thủ tướng Kosovo Hashim Thaci cầm đầu một băng tội phạm kiểu mafia chuyên buôn lậu nội tạng người, vũ khí và ma túy, vươn vòi bạch tuộc khắp Đông Âu.
Báo cáo điều tra của COE kết luận sau khi chiến tranh Kosovo kết thúc năm 1999, Quân đội giải phóng Kosovo (KLA), gồm các thành viên là người gốc Albania, đã xử tử tù binh Serbia ở khu vực phía Bắc Albania để lấy thận của họ và bán ra chợ đen. Thủ tướng Hashim Thaci, khi đó là một trong những lãnh đạo KLA, là người đứng đầu đường dây này.
![]() |
Trung Quốc bị chỉ trích vì lấy nội tạng từ tử tù. |
Tương tự Kosovo, Moldova cũng là nơi có Chính phủ bị nghi ngờ liên quan trực tiếp đến các vụ buôn bán nội tạng. Nhiều nạn nhân vô tội đã bị các băng đảng tội phạm giết lấy thận, tim, phổi, gan... Khoảng 10% số thận đem đi hiến tặng trên thế giới có nguồn gốc từ Moldova.
Ngoài ra, trên thế giới còn có những nước nổi tiếng về buôn bán nội tạng trái phép khác. Chẳng hạn, Ấn Độ được ghi nhận là đất nước nơi tình trạng buôn bán nội tạng (chủ yếu là thận) diễn ra khá phổ biến. Báo chí địa phương đăng tải nhiều câu chuyện bi hài như một phụ nữ từ thôn quê ra thành phố, khi trở về đã mất một quả thận. Đổi lại, người phụ nữ nhận được khoản tiền đủ để có thể tổ chức đám cưới cho con mình.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của những người dân ở các vùng xa xôi hẻo lánh, nhiều tay “cò” mua bán thận còn dụ cả 1 xóm, thậm chí nguyên 1 ngôi làng đi bán thận với giá “bèo bọt”. Ngoài các quốc gia kể trên, nạn buôn bán nội tạng trái phép vẫn diễn ra tại một số nước khác như Nga, Singapore, Philippines, Columbia, Israel, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc…
Nỗ lực ngăn chặn
Luật nhân đạo quốc tế cấm sử dụng nội tạng và mô của tù binh, kể cả khi có sự đồng ý của họ. Theo sau nhiều chỉ trích từ cộng đồng quốc tế, đầu năm 2007, Chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên công bố những quy định cấp quốc gia về cấy ghép nội tạng người, nghiêm cấm các tổ chức và cá nhân buôn bán nội tạng dưới mọi hình thức.
Luật Hình sự sửa đổi năm 2011 của Trung Quốc đưa ra 3 điều khoản về tội phạm liên quan đến buôn bán nội tạng, theo đó những kẻ bị kết tội tổ chức buôn bán nội tạng người có thể phải đối mặt với án tù hơn 5 năm kèm phạt tiền nặng.
Những kẻ bị kết tội “cưỡng ép hiến nội tạng, lấy nội tạng của người khác hay của trẻ vị thành niên” có thể phải đối mặt với mức án dành cho tội giết người. Sau các động thái ngăn chặn mua bán nội tạng của Trung Quốc, giá nội tạng trên thế giới tăng vọt 40%.
Trên phạm vi quốc tế, theo sau hội nghị thượng đỉnh tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào tháng 5-2008 về buôn lậu nội tạng và du lịch cấy ghép nội tạng, các lãnh đạo thế giới ra Tuyên bố Istanbul, trong đó đề ra các nguyên tắc chung để kiềm chế, ngăn chặn tình trạng buôn bán, cấy ghép nội tạng trái phép. Tuyên bố này đến nay đã được hơn 100 nước ký kết, kể cả những nước nổi tiếng về tình trạng buôn bán nội tạng trái phép như Trung Quốc, Israel, Philippines, Pakistan…
Để giảm bớt áp lực về nguồn cung, BBC ngày 14-4 đưa tin các nhà khoa học của Hoa Kỳ đã lần đầu tiên thành công trong việc cấy ghép một quả thận nhân tạo vào cơ thể chuột. Nếu quá trình này có thể thành công ở người, bệnh nhân chờ ghép thận có thể tạo ra cơ quan mới từ các tế bào của họ.