Kinh nghiệm nước mắm Phú Quốc

Nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ tên gọi xuất xứ tại 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Mới đây, Vụ Nông nghiệp thuộc Ủy ban châu Âu (EC) đã trao chứng nhận tên gọi xuất xứ nước mắm Phú Quốc cho lãnh đạo Bộ Công Thương Việt Nam.

Nước mắm Phú Quốc là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ tên gọi xuất xứ tại 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Đây sẽ là bước đệm quan trọng để một sản phẩm nông sản có tiếng của Việt Nam tiến sâu hơn vào thị trường EU rộng lớn đồng thời giúp tăng giá trị của sản phẩm bởi giá của một sản phẩm có chỉ dẫn địa lý thường cao hơn so với các sản phẩm tương tự không có chỉ dẫn địa lý.

Đồng thời nó cũng giúp các DN trong cuộc đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả khi xuất khẩu vào EU. Tất nhiên, chứng nhận này không phải tất cả, thành công của xuất khẩu còn phụ thuộc rất nhiều vào những nỗ lực tiếp sau đó của các DN.

Nhìn lại hành trình của nước mắm Phú Quốc mới thấy để đạt được chứng nhận này không hề đơn giản và cũng không phải trong một sớm một chiều. Và đó được xem là thành công bước đầu trong việc đăng ký bảo hộ hàng hóa Việt Nam tại châu Âu của Bộ Công Thương dưới sự hợp tác, hỗ trợ của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, UBND tỉnh Kiên Giang, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và nhất là sự hỗ trợ của dự án MUTRAP.

Ngay từ năm 2008, dự án MUTRAP II đã cử chuyên gia giúp Hội sản xuất Nước mắm Phú Quốc tiến hành nghiên cứu lập hồ sơ đăng ký, sau đó kết hợp với Thương vụ Việt Nam tại Bỉ để hoàn thiện hồ sơ gửi lên EC.

Gần 4 năm, trải qua nhiều vòng kiểm duyệt gắt gao về vệ sinh an toàn thực phẩm, cuối tháng 10-2012 EU đã chính thức công bố tên gọi xuất xứ cho nước mắm Phú Quốc. Sau thành công này, Bộ Công Thương cho hay sẽ tiếp tục phối hợp với MUTRAP hỗ trợ hiệp hội, ngành hàng lập hồ sơ bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho một số sản phẩm nông sản khác của Việt Nam.

Tính đến nay cả nước có khoảng 800 sản phẩm nông nghiệp và làng nghề truyền thống có uy tín nhưng rất ít đăng ký bảo hộ ở nước ngoài, thậm chí số sản phẩm đăng ký chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam cũng còn khá khiêm tốn.

Đây chính là một thiệt thòi cho hàng hóa Việt Nam. Và bài học của cà phê Buôn Mê Thuột vẫn còn nóng hổi phía trước. Nhất là trong bối cảnh cánh cửa hội nhập của Việt Nam đang ngày càng mở rộng như hiện nay, việc đăng ký tại thị trường nước ngoài không chỉ bảo hộ cho xuất khẩu mà còn giúp hàng hóa trong nước có sức mạnh hơn trong việc chống trọi với những “cơn bão” đổ bộ của hàng ngoại trong thời gian tới.

Ngay từ bây giờ, chính các hiệp hội, ngành hàng phải có những hành động tích cực giúp các DN hội viên hiểu được vấn đề, tích cực phối hợp trong việc bảo vệ cái vốn là của mình. 

Các tin khác