Kinh tế đã lạc quan, nhưng phải nỗ lực hơn nữa

(ĐTTCO) - Tình hình kinh tế - xã hội thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cộng với một số bất lợi khách quan đã khiến một số nhà kinh tế đưa ra dự báo khá thận trọng về kinh tế 6 tháng đầu năm cũng như cả năm 2023.
Đoàn du khách Australia tham quan Bưu điện Trung tâm TPHCM

Đoàn du khách Australia tham quan Bưu điện Trung tâm TPHCM

Điểm sáng đầu tiên của nền kinh tế thời gian gần đây, phải kể đến giải ngân vốn đầu tư công. Trong 5 tháng đầu năm, tốc độ giải ngân đầu tư công tăng 18% so với cùng kỳ.

Điểm sáng thứ hai là doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng cá nhân. Cùng kỳ, tổng mức bán lẻ đã tăng 12,6% so với cùng kỳ 2022. Chính sách mở cửa từ ngày 15-3-2022 sau dịch Covid-19 cùng với đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới đã giúp lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng. Tính chung 5 tháng đầu năm, khách quốc tế đến nước ta ước đạt gần 4,6 triệu lượt người, gấp 12,6 lần cùng kỳ năm trước.

Thứ ba, đầu tư nước ngoài có tín hiệu hồi phục từ tháng 5, thu hẹp khoảng cách so với cùng kỳ năm trước, cho thấy Việt Nam vẫn có tiềm năng thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ tư, 5 tháng đầu năm, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp: tháng 5 chỉ tăng 0,01% so với tháng trước và tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 5 tháng đầu năm 2023 tăng 3,55%.

“Chúng ta có cơ sở để lạc quan, nhưng rất cần nhìn kỹ vào những yếu tố, thậm chí hiện nay đang là điểm sáng”, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận xét. Chẳng hạn, tốc độ tăng ngoạn mục của doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng cá nhân có nguyên nhân xuất phát từ xu hướng tiêu dùng của người dân và trong một quý có nhiều ngày lễ, tết. Xét theo xu hướng, thì tốc độ tăng tổng mức bán lẻ sang quý II sẽ giảm đáng kể.

Điều đáng nói là trong nước, hàng loạt khó khăn mới xuất hiện, “bổ sung” vào “kho” khó khăn cũ chưa được giải quyết. Một trong những biểu hiện rõ nét nhất là số doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động tăng với nửa triệu người lao động mất việc, kéo theo biết bao khó khăn, xáo trộn của 500.000 gia đình. Tình trạng thiếu điện ở một số nơi hiện nay chắc chắn cũng sẽ để lại những hệ lụy không mong muốn, hiển thị ngay trong kỳ thống kê tới.

Một nửa thời gian của nhiệm kỳ 2021-2025, tương đương một phần tư thời gian của giai đoạn chiến lược 2021-2030 đã trôi qua. Nếu tăng trưởng năm nay đạt 6,5% như kế hoạch (vốn đã rất thách thức), thì trung bình tăng trưởng 3 năm 2021-2023 chỉ đạt 5,7%; trong khi đó mục tiêu nhiệm kỳ là 7%. Để đạt mục tiêu nhiệm kỳ thì 2 năm 2024-2025 phải đạt tăng trưởng trung bình mỗi năm là gần 9% - hẳn là không dễ dàng đạt được.

Chính vì thế mà chúng ta không thể hài lòng với thực trạng thu đủ chi, xuất đủ nhập và làm đủ ăn, nếu muốn hiện thực hóa khát vọng phát triển, không phải chỉ trong năm nay, mà cho cả giai đoạn chiến lược 2021-2030 và xa hơn nữa.

Các tin khác