Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng, Học Viện Chính trị Khu vực IV cho rằng: ĐBSCL là một vùng đất trù phú, giàu tiềm năng, lợi thế nhưng phát triển chậm, chưa thịnh vượng; các tiềm năng, lợi thế mới chỉ dừng lại ở trạng thái “thức dậy” mà chưa vươn lên mạnh mẽ. Người dân phần lớn chỉ mới “đủ ăn” mà chưa khá giả; mặt bằng y tế, giáo dục chưa theo kịp cả nước; vùng đất màu mỡ, trù phú xưa kia đang bị khát, khô hạn, độ phì nhiêu của đất bị suy giảm…
Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW (ngày 2-4-2022) về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định: “Từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chủ yếu dựa vào sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.
Do đó, Tiến sĩ Nguyễn Văn Dũng cho rằng: Việc nghiên cứu một số vấn đề lý luận và thực tiễn, đánh giá thực trạng để đề xuất giải pháp, kiến nghị chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số ở ĐBSCL là một yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, quản lý cho rằng, ĐBSCL có một số thuận lợi cho phát triển kinh tế số, xã hội số như: dân số đông gần 17,5 triệu người; người dân đam mê công nghệ, thích ứng nhanh với nền tảng số; số lượng người dân sử dụng điện thoại thông minh ngày càng nhiều; việc ứng dụng công nghệ số của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang chuyển biến tích cực; chính quyền các địa phương ĐBSCL đang nỗ lực chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực…
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã chỉ ra hàng loạt hạn chế, thách thức đối với ĐBSCL trong phát triển kinh tế số, xã hội số. Cụ thể, nguồn nhân chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số; hạ tầng viễn thông, hạ tầng số, dịch vụ số, thị trường số còn hạn chế; nhiều vấn đề an ninh mạng, bảo mật dữ liệu đang đặt ra; nhận thức, hành động về kinh tế số, xã hội số ở một số nơi, số chỗ chưa cao, còn mang tính hình thức; vẫn còn số lượng lớn doanh nghiệp e dè, loay hoay trong chuyển đổi số, thiếu vốn, trình độ công nghệ thấp; quản lý nhà nước về các vấn đề tranh chấp sở hữu trí tuệ, thuế, an ninh mạng… trên nền tảng số vẫn còn hạn chế…
Hội thảo huy tụ hơn 30 tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học; cán bộ lãnh đạo, quản lý… liên quan đến các nội dung như: Những vấn đề lý luận kinh tế số, xã hội số và chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; Thực trạng và những khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế số, xã hội số ở ĐBSCL; Kinh nghiệm về phát triển kinh tế số, xã hội số một số quốc gia, của Việt Nam và một số địa phương trong nước; Phương hướng và giải pháp tăng cường phát triển kinh tế số, xã hội số ở ĐBSCL…