Kinh tế thế giới tuần 24 đến 28-10

Các nền kinh tế lớn thế giới, từ Hoa Kỳ, châu Âu đến Nhật Bản... vẫn đang chống chọi với lạm phát, suy thoái, nợ công, thất nghiệp và sản xuất giảm sút, tình hình xã hội trong nước rối reng...

Các nền kinh tế lớn thế giới, từ Hoa Kỳ, châu Âu đến Nhật Bản... vẫn đang chống chọi với lạm phát, suy thoái, nợ công, thất nghiệp và sản xuất giảm sút, tình hình xã hội trong nước rối reng...

HOA KỲ

Kinh tế Hoa Kỳ đến thời điểm này vẫn chưa thật sự tạo ra bước tiến nào đáng kể. Theo công bố của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, thâm hụt ngân sách trong năm tài khóa 2011 là 1,3 ngàn tỷ USD, cao hơn so với mức 1,29 ngàn tỷ USD trong năm 2010 và là mức cao thứ 2 từ trước đến nay sau mức kỷ lục 1,42 ngàn tỷ USD trong năm 2009. Tuy nhiên, thâm hụt năm 2011 chiếm 8,7% GDP, thấp hơn so với mức 9% trong năm ngoái.

Lạm phát vẫn là mối đe dọa lớn tại Hoa Kỳ khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức tăng mạnh nhất trong 3 năm. Ngoài ra, chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng tăng 0,8% trong tháng 9, mạnh hơn dự báo tăng 0,2% của các nhà kinh tế và là mức tăng mạnh nhất trong 5 tháng sau khi đứng yên trong tháng 8.

Tổ chức Nghiên cứu Conference Board cũng vừa công bố các chỉ báo kinh tế hàng đầu của Hoa Kỳ - thước đo triển vọng nền kinh tế từ 3-6 tháng tới - tăng 0,2%, khớp với dự báo của các nhà kinh tế nhưng thấp hơn so với mức 0,3% trong tháng 8.

Tín hiệu tích cực từ nền kinh tế này là số nhà mới khởi công trong tháng 9 tăng vọt 15% lên 658.000 đơn vị, mức cao nhất trong 17 tháng. Doanh số bán lẻ cũng tăng 1,1% trong tháng 9, cao gần gấp đôi so với dự báo của các nhà kinh tế.

Số người lần đầu nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp giảm 6.000 xuống 403.000 trong tuần qua. Trong khi đó, số người nộp đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp bình quân trong 4 tuần qua chạm mức thấp nhất kể từ tháng 4.

Trên thị trường trái phiếu, các ngân hàng trung ương trên thế giới đang bán tháo trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ và được xem là lần mạnh nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tín dụng bắt đầu vào năm 2007. Tuy nhiên, động thái này được xem là để vực dậy nội tệ đang lao dốc mạnh chứ không phải do lo ngại về mức thâm hụt ngân sách 1,3 ngàn tỷ USD và khoảng nợ công ngày càng tăng cao của Hoa Kỳ.

Những tranh luận xung quanh việc cáo buộc Trung Quốc tham gia thao túng tiền tệ liên tục “nóng” lên từng ngày và Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã phải tuyên bố hoãn thời điểm công bố báo cáo tiền tệ tới giữa tháng 11 nhằm có cơ hội đánh giá tiến triển tại một số hội nghị quốc tế.

CHÂU ÂU 

Mặc dù đã đạt được sự đồng thuận nhất định trong việc gia tăng quy mô Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF) lên 440 tỷ EUR, nhưng khu vực Eurozone hiện vẫn đang bế tắc về cách thức mở rộng quỹ giải cứu khẩn cấp này do sự bất đồng giữa hai nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung là Đức và Pháp.

Sự “dùng dằng” này đang tạo sức ép rất lớn lên động lực tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu và dần làm xói mòn niềm tin của giới đầu tư. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick cũng đã đưa ra cảnh báo này khi hội nghị thượng đỉnh vào ngày 23-10 đang tới gần nhưng Đức và Pháp vẫn chưa tìm được kế hoạch chung nào. 

Song song với các kế hoạch giải cứu, Liên minh châu Âu (EU) đã cấm các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng “khống” (“naked” CDS) đối với trái phiếu chính phủ các nước trong khu vực, nhằm ngăn ngừa các quỹ đầu tư đầu cơ vào sự vỡ nợ của các quốc gia châu Âu. Quy định mới này sẽ được thực hiện từ tháng 11-2012 sau khi hoàn tất các thủ tục thông qua quyết định này vào tháng 11-2011.

Ngoài ra, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết sẽ công bố chương trình cải cách tài chính quy mô lớn, nhằm hạn chế giao dịch sản phẩm tài chính phái sinh và tăng cường giám sát chiến lược giao dịch tần số cao.

Đây là những tín hiệu rất tích cực cho thấy EU muốn đạt các mục tiêu giải quyết khủng hoảng nợ công tại hội nghị thượng đỉnh tới. Phải chăng các nhà hoạch định chính sách châu Âu cũng đã nhận thấy sự cần thiết và quyết tâm cải tổ lại toàn bộ hệ thống tài chính khu vực vốn dễ bị thao túng và lũng đoạn này?

Liên quan đến vấn đề giải cứu hệ thống ngân hàng, Liên minh châu Âu (EU) cũng vừa nhất trí khoản tiền cần thiết dùng để tái cấp vốn cho các ngân hàng của 27 quốc gia châu Âu vào khoảng 100 tỷ EUR (138 tỷ USD). Số tiền này sẽ dùng để tăng cường bảng cân đối kế toán ngân hàng và phòng ngừa nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp hoặc các quốc gia khác.

Trong khi đó, kế hoạch xem xét gia tăng nguồn lực cho vay của IMF đã vấp phải nhiều trở ngại lớn khi Hoa Kỳ và một số cổ đông lớn của IMF như Nhật Bản, Đức và Trung Quốc đều cho rằng quy mô 380 tỷ USD hiện nay của IMF là đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ châu Âu.

Tuy vậy, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương của G20 cam kết sẽ đảm bảo cho IMF có đủ nguồn lực cần thiết để góp phần ổn định nền kinh tế thế giới.

Làn sóng hạ bậc tín nhiệm một lần nữa lại làm rúng động khu vực Eurozone khi liên tiếp 2 tổ chức xếp hạn tín nhiệm lớn như Moody’s và Standard & Poor’s (S&P) đã lên tiếng cảnh báo khả năng mất mức nhiệm cao nhất của Pháp trong thời gian tới. Hiện tại, trái phiếu chính phủ Pháp đang mất giá khi lãi suất kỳ hạn 10 năm đã tăng lên 3,13% so với mức 2,6% vào cuối tháng 9 vừa qua.

Tín hiệu tích cực từ khu vực Eurozone là sản xuất công nghiệp trong tháng 8 đã bất ngờ tăng 1,2%. Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) cũng cho biết sản xuất công nghiệp hàng năm của khu vực này đã thêm 5,3%. Điều này phần nào giúp loại trừ bớt những lo lắng về khả năng lặp lại suy thoái trong quý III tại Eurozone.

Ngoài Eurozone, Anh đang phải đối mặt với mức lạm phát cao kỷ lục 5,2% trong tháng 9. Như vậy, đà leo thang của lạm phát đang đe dọa đến rủi ro đối với động thái nới lỏng tín dụng gần đây nhằm thúc đẩy tăng trưởng của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE).

Các tin khác