Kinh tế toàn cầu những điều chỉnh khó đảo ngược

(ĐTTCO) - Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine chưa biết khi nào kết thúc. Nhưng kết cục có như thế nào cuộc xung đột này sẽ dẫn đến sự điều chỉnh và sắp xếp lại nền kinh tế toàn cầu, thay đổi hành vi của các quốc gia và doanh nghiệp. Theo nhiều nhà quan sát, rất có khả năng những điều chỉnh này sẽ khó đảo ngược. 

Hệ thống CIPS của Trung Quốc ra mắt tại Thượng Hải ngày 8-10-2015, với tham vọng thúc đẩy việc sử dụng CNY trên toàn cầu.
Hệ thống CIPS của Trung Quốc ra mắt tại Thượng Hải ngày 8-10-2015, với tham vọng thúc đẩy việc sử dụng CNY trên toàn cầu.
Tương quan năng lượng 
Xung đột Nga - Ukraine khiến các vấn đề an ninh quốc gia sẽ phụ thuộc vào chính sách năng lượng của nhiều nước. Chẳng hạn, Mỹ và Canada đã ngưng nhập khẩu dầu của Nga, còn Anh cam kết loại bỏ dần. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đang quyết tâm thay đổi hiện trạng phụ thuộc 1/3 khí đốt từ Nga. Ông Robert Habeck, Bộ trưởng kinh tế Đức, quốc gia tiêu thụ nhiều nhất, tuyên bố Đức sẽ gần như hoàn toàn cắt bỏ khí đốt của Nga vào giữa năm 2024.
Để thay thế năng lượng từ Nga, Mỹ cam kết thúc đẩy xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang EU thêm 15 tỷ m3 vào cuối năm nay - cao hơn gần 70% so với 2021. EU lên kế hoạch tăng nhập khẩu LNG từ Mỹ thêm 50 tỷ m3 hàng năm cho đến 2030. Ngoài ra, EU có thể nhập khẩu nhiều khí đốt hơn từ Algeria, tăng cường năng lượng tái tạo và khai thác năng lượng hạt nhân. Mỹ cũng đã có động thái úp mở với Venezuela, nơi có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, với mục tiêu tăng cường nhập khẩu để đổi lấy việc nới lỏng lệnh trừng phạt. Mỹ cũng có thể bỏ trừng phạt đối với Iran và cho phép nước này tăng xuất khẩu dầu.
Việc phương Tây chấm dứt phụ thuộc vào năng lượng từ Nga có ý nghĩa rất lớn đối với tương lai của các dòng chảy thương mại về năng lượng. Theo nhiều nhà phân tích, đến năm 2024 Nga sẽ mất khách hàng lớn nhất về xuất khẩu dầu và khí đốt - vốn chiếm khoảng 60% tổng thu nhập xuất khẩu và 40% ngân sách của nước này.
Trung Quốc, Ấn Độ và những nước không trừng phạt Nga có thể mua năng lượng của Nga nhiều hơn so với hiện tại, nhưng mức tăng này sẽ không thể bù đắp được việc mất thị trường Mỹ và EU. Trong khi đó, việc xây thêm các đường ống chuyển năng lượng từ vùng viễn đông của Nga đến các nước châu Á sẽ tốn kém chi phí và thời gian.
Theo ước tính của Ngân hàng đầu tư JP Morgan, do sự tắc nghẽn của các tuyến đường vận chuyển đường biển, cũng như việc các nhà kinh doanh dầu mỏ và các công ty vận tải tự thực hiện lệnh trừng phạt, 2/3 lượng dầu của Nga sẽ phải vật lộn tìm người mua dù đã giảm giá. Trong bối cảnh này, nhiều nước sẽ lựa chọn để thay thế nhiên liệu hóa thạch. Theo đó, nhiều quốc gia đang thay đổi thái độ đối với năng lượng hạt nhân.
Đức đang xem xét kéo dài tuổi thọ của 3 lò phản ứng đã lên kế hoạch chấm dứt hoạt động trong năm nay. Nhật Bản đang tranh luận về việc có nên tiếp tục sử dụng năng lượng hạt nhân, một lựa chọn nước này từng bỏ qua sau thảm họa Fukushima năm 2011. Ngay cả Singapore cũng đang tìm cách đưa hạt nhân vào hỗn hợp năng lượng bên cạnh LNG, năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng truyền thống. 

Giá cả hàng hóa và chuỗi cung ứng
Nga và Ukraine chiếm khoảng 30% lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu và 20% lượng bắp ngô. Cùng với Belarus, 2 nước này cũng nằm trong số nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới như nitơ, kali, urê và amoniac. Điều này tác động trực tiếp đến giá nhiều loại ngũ cốc, đẩy giá các loại thực phẩm cơ bản như bánh mì, mì sợi và mì ống cũng như các loại thực phẩm sử dụng các loại ngũ cốc này làm nguyên liệu.
Những cú sốc giá lương thực này có thể bất ngờ làm thay đổi chính sách lương thực ở nhiều nước. Thực phẩm thiết yếu sẽ ngày càng được coi là quan trọng về mặt chiến lược, các quốc gia sẽ xây dựng nhiều kho dự trữ hơn. Điều này đã diễn ra tại nhiều nước châu Á cho gạo và lúa mì, và ở Trung Quốc là thịt heo và đường.
Viễn cảnh nguồn cung cấp lương thực bị gián đoạn cũng sẽ củng cố động lực tự cung tự cấp lương thực và đa dạng hóa hơn việc nhập khẩu. Các nhà xuất khẩu lương thực mới sẽ xuất hiện và dòng chảy thương mại về nông sản sẽ thay đổi. Cuộc xung đột cũng làm rạn nứt thêm các chuỗi cung ứng công nghiệp, vốn vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn do đại dịch Covid-19.
Các kim loại cơ bản bao gồm nhôm, palađi và niken mà Nga - đối tượng của các lệnh trừng phạt - là nhà sản xuất chính cũng bị ảnh hưởng, sẽ tác động tiêu cực đến nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là sản xuất ô tô. Công nghiệp bán dẫn bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn trong xuất khẩu đèn neon, trong đó Ukraine chiếm hơn một nửa sản lượng toàn cầu. Chi phí cao hơn cho chất bán dẫn sẽ làm tăng giá một số hàng hóa sử dụng chúng, chẳng hạn như ô tô, thiết bị gia dụng và điện tử tiêu dùng.

Phương thức kinh doanh và cơ chế tài chính
Quốc phòng là lĩnh vực có nhiều thay đổi lớn, nhất là tại EU. Đức cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên hơn 2% GDP - từ 1,5% bên cạnh mức tăng ngay lập tức 100 tỷ eur,  gấp đôi chi tiêu quốc phòng năm 2021. Đan Mạch, Phần Lan, Lithuania, Ba Lan, Romania và Thụy Điển cũng sẽ chi nhiều hơn cho quốc phòng. Sẽ có sự thay đổi lâu dài, nếu không phải là vĩnh viễn trong thế trận phòng ngự của châu Âu. Trong khi đó, trong ngân sách mới nhất của mình, Mỹ đã đề xuất tăng 9,8% tài trợ quân sự lên 773 tỷ USD.
Các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga có thể có một số tác động. Hầu hết ngân hàng Nga đã bị cấm sử dụng hệ thống thanh toán Swift do châu Âu kiểm soát. Các nước thân thiện với Nga sẽ tìm kiếm các cơ chế thanh toán thay thế đồng USD và EUR cũng như thay đổi các phương thức quản lý dự trữ. Nga nắm giữ khoảng 13% dự trữ bằng đồng nhân dân tệ (CNY) và đang có kế hoạch sử dụng để thanh toán cho Trung Quốc. Không còn Visa và Mastercard, các ngân hàng Nga đang phát hành thẻ tín dụng bằng cách sử dụng thẻ thay thế của Trung Quốc là UnionPay. Các thỏa thuận thương mại bằng đồng rupee giữa Nga với Ấn Độ cũng đang được xúc tiến.
Yêu cầu của Tổng thống Putin rằng “các quốc gia không thân thiện” sẽ phải trả tiền bằng đồng rúp khi nhập khẩu năng lượng, và đàm phán mới đây của Ả Rập Saudi với Trung Quốc về việc nhận thanh toán bằng CNY khi xuất khẩu dầu, có thể dẫn đến sự thay đổi trong cơ chế thanh toán toàn cầu. Trung Quốc đã cố gắng thay thế Swift bằng “Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới” (CIPS). Tuy nhiên, tương lai đó vẫn còn xa. Bởi lẽ CNY chỉ chiếm hơn 3% giao dịch toàn cầu và khoảng 2,5% dự trữ. Ngược lại, USD tham gia 60-80% giao dịch ngoại hối toàn cầu và chiếm khoảng 60% dự trữ.

Các tin khác