Lãnh đạo TPHCM và Chính phủ đã có những cuộc họp ngay sau đó để tìm nguyên nhân và giải pháp. Câu hỏi đặt ra là vì sao có hiện tượng này và TPHCM cần làm gì để vực dậy tăng trưởng, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. TRẦN DU LỊCH, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, ngoài nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng từ yếu tố ngoại lai, có nguyên nhân chủ quan từ nội tại nào của TPHCM dẫn đến kết quả này?
TS. TRẦN DU LỊCH: - Nhiều năm theo dõi kinh tế TPHCM, tôi có rút ra một quy luật: Nếu tình hình kinh tế vĩ mô thuận lợi thì sức bật của TPHCM nhanh hơn các địa phương khác, nhưng ngược lại vĩ mô không thuận lợi tác dụng tiêu cực cũng sẽ lớn hơn, bởi đây là một trung tâm dịch vụ, giao lưu kinh tế quốc tế của cả nước. Tuy nhiên, số liệu kinh tế quý I-2023 của TPHCM khi công bố thật sự tạo bất ngờ cho giới chuyên gia. Mặc dù từ quý IV-2022, TP cũng dự báo những khó khăn do nguyên nhân khách quan, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại, nhưng ở mức chỉ tăng trưởng 0,7% nằm ngoài dự kiến.
Bắt đầu từ quý IV-2022 có lẽ ai cũng nhìn thấy, với các biện pháp chấn chỉnh, xử lý những bất cập trong thị trường tài chính, thị trường bất động sản, mà 2 thị trường này TPHCM có tỷ trọng lớn nhất cả nước. Dĩ nhiên những biện pháp này là cần thiết để lành mạnh hóa 2 thị trường này, nhưng những tác động trước mắt là không thể tránh khỏi và TPHCM cũng chịu lớn hơn.
Song cũng cần phải nói rõ nguyên nhân chủ quan từ đâu để có biện pháp tiếp theo. Thật sự từ quý IV-2022, tôi còn nhớ Chủ tịch UBND TPHCM đã khẳng định những khó khăn và đề ra những giải pháp, thứ nhất là tháo gỡ những điểm nghẽn về thủ tục để làm sao nền kinh tế hấp thụ được vốn tư nhân, vốn ngân sách, vốn đầu tư công… đặc biệt là hàng trăm dự án bất động sản nghẽn thủ tục. Thứ hai, nâng cao trách nhiệm công vụ của bộ máy hành chính bằng những công việc cụ thể, từ đó tạo niềm tin thị trường. Thứ ba, chỉ đạo rà soát việc triển khai các gói hỗ trợ tín dụng của Chính phủ trên địa bàn…
Tuy nhiên, những chỉ đạo triển khai như vậy cho đến nay hiệu quả chưa rõ và kết quả như ta đã thấy. Đơn cử như giải ngân đầu tư công cực kỳ thấp, tính đến đầu tháng 12-2022 giải ngân chỉ đạt 37,2%, năm 2023 quyết tâm từ quý IV-2022 nhưng quý I-2023 chỉ đạt… 2%.
Trong khi đó, từ sau đại dịch covid, Chính phủ đã chỉ đạo tận dụng công cụ đầu tư công để kích thích tăng trưởng, tạo hiệu ứng số nhân cho nền kinh tế, nhưng TPHCM chưa tận dụng tốt được. Minh chứng là ngành xây dựng TP âm gần 20% và bất động sản cũng vậy, tức những thế mạnh TP đều tăng trưởng âm, kéo tốc độ tăng trưởng chung lại.
- Vậy theo ông với tình hình hiện tại trong các quý còn lại của năm 2023 TPHCM phải dựa vào những trụ cột nào để nâng GRDP?
- Tại phiên họp UBND TPHCM ngày 1-4, Bí thư Thành ủy cũng đã đề ra nhiệm vụ rất rõ. Thứ nhất, bằng mọi giá gỡ điểm nghẽn đầu tư công. Hiện nay đầu tư công cả nước cùng theo một cơ chế chung, tại sao những địa phương khác giải ngân được nhưng TPHCM không giải ngân được? Phải xem khó khăn cho riêng TP từ đâu, nhất là đầu tư công lĩnh vực xây dựng.
Thứ hai, làm sao để nền kinh tế hấp thụ được vốn khu vực tư nhân. Nói nôm na, bao nhiêu dự án đang nghẽn thủ tục không triển khai được trên tất cả các lĩnh vực, phải khai thông để người dân bỏ vốn đầu tư tiếp. Tôi thí dụ hiện nay có chủ trương xây dựng nhà ở xã hội, nhưng nếu nghẽn thủ tục thì có dự án đâu để triển khai? Hay như một số nhà đầu tư nhà ở xã hội nói, bây giờ nếu nhà ở xã hội khởi động thì theo quy trình mất 2-3 năm mới triển khai, làm sao kích ngay được? Và nếu nghẽn thì dù có bơm tín dụng cũng không giải quyết được vấn đề.
Thứ ba, TPHCM hiện nay với 4 nhóm ngành công nghiệp chủ lực và 9 nhóm ngành dịch vụ, một số ngành tăng trưởng khá nhưng một số ngành âm. Nguyên nhân liên quan đến vấn đề tín dụng. Thí dụ một số doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhưng lại vướng vấn đề nợ, không vay được. Do vậy phải khởi động lại chương trình “Kết nối ngân hàng với doanh nghiệp”. Nói nôm na, phải nuôi nợ mới có thể đòi được nợ.
Thứ tư, phải giải quyết vấn đề tâm lý thị trường, tâm lý doanh nghiệp để tạo niềm tin. Đó là bằng một nền hành chính, công vụ tích cực, hiệu quả. Lấy thí dụ, những gì vướng pháp luật phải công khai minh bạch trên website. Chủ tịch UBND TPHCM từng chỉ đạo cái gì làm được 5-7 ngày phải giải quyết, còn nếu vướng báo cáo lên Ủy ban rà lại toàn bộ, gỡ không được phải có lý do, không được yên lặng. Một số doanh nghiệp nói với tôi, nhà nước không cần hỗ trợ gì nhiều, miễn thủ tục giải quyết nhanh gọn là hỗ trợ tốt nhất.
- Thưa ông, ngày 28-3 Chính phủ đã có tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (thay thế Nghị quyết 54). Và nếu được Quốc hội thông qua, TPHCM cần phải nắm bắt và thực thi như thế nào?
- TP sau khi tổng kết Nghị quyết 54, rồi Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải xây dựng Nghị quyết mới trình lại Quốc hội xem xét. TP cũng đã nỗ lực cùng với các cơ quan của Chính phủ, các bộ ngành xây dựng dự thảo trình Quốc hội xem trong kỳ họp này. Như vậy nếu được thông qua 7 nhóm nội dung của dự thảo sẽ giải quyết được các vấn đề lớn.
(1) Mở rộng phân cấp phân quyền cho TP trong 5 lĩnh vực chính về quản lý nhà nước như đầu tư, xây dựng, đất đai, tài nguyên môi trường, văn hóa xã hội, kể cả tổ chức bộ máy. (2) Những chính sách mà hiện nay luật pháp chưa quy định hoặc quy định không phù hợp, thí dụ như mở rộng hình thức hợp tác công tư (PPP) sang lĩnh vực về thể thao, văn hóa.
(3) Khai thác quỹ đất ven các đường tàu điện, metro, vành đai để phát triển và xây dựng những cụm dân cư theo hệ thống giao thông (TOD). (4) Cho phép TP có thể phát hành trái phiếu bội chi để đầu tư...
Nếu gỡ được những vấn đề này sẽ tạo động lực cho TP không chỉ trước mắt mà lâu dài sẽ thực hiện được mục tiêu phát triển TPHCM theo tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về TPHCM ban hành ngày 30-12-2022. Đây là Nghị quyết cực kỳ quan trọng thay Nghị quyết 16 năm 2012.
- Xin cảm ơn ông.
Mặc dù kinh tế TPHCM gọi là giảm sâu, nhưng sức sống, vị trí, vai trò và lực lượng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân năng động, sáng tạo… vẫn còn đó. Nếu khai thông được niềm tin, thủ tục, khả năng phục hồi hoàn toàn không khó.