Kinh tế Trung Quốc trước “bộ 3” khủng hoảng

(ĐTTCO) -Dữ liệu chính thức ngày 18-10 cho thấy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sụt giảm nhiều hơn dự kiến trong quý III, do phải đối mặt 3 cuộc khủng hoảng cùng lúc: Covid-19, năng lượng và bất động sản (BĐS). Liệu những cuộc khủng hoảng này có làm thay đổi Bắc Kinh trong dài hạn?

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể dưới 5% vào năm tới.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể dưới 5% vào năm tới.
Chậm hơn kỳ vọng
Nền kinh tế Trung Quốc có nguy cơ chậm lại nhanh hơn mức các nhà đầu tư toàn cầu nhận ra, khi Chủ tịch Tập Cận Bình thúc đẩy cắt giảm sự phụ thuộc vào BĐS và điều chỉnh các lĩnh vực từ giáo dục đến công nghệ, kết hợp với tình trạng thiếu điện và đại dịch. Bank of America Corp. (BoA) và Citigroup Inc. đưa ra cảnh báo tăng trưởng GDP Trung Quốc trong năm nay sẽ thấp hơn mức 8,2% các nhà kinh tế kỳ vọng trước đó; đồng thời cảnh báo đà lao dốc có thể kéo dài sang năm sau, đẩy tăng trưởng xuống dưới 5%, mức thấp nhất trong 3 thập niên. 
Các chiến lược gia tại BoA còn cho rằng, nếu ông Tập đang tham vọng tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế mỗi 2 thập niên giống như quá trình hiện đại hóa của Đặng Tiểu Bình cuối những năm 1970, hay việc cải tổ doanh nghiệp nhà nước và tài chính của Chu Dung Cơ những năm 1990, tình hình có thể tồi tệ hơn. BoA dự đoán Trung Quốc tăng trưởng 7,7% trong năm nay và 4% vào năm 2022.
Dữ liệu được công bố vào tuần trước cho thấy mức tăng trưởng chậm lại đáng kể xuống 4,9% trong quý III từ mức 7,9% của quý trước. Nhiều khả năng sẽ còn “đau đớn” hơn khi tình trạng thiếu điện kéo dài, trong khi các ca nhiễm Covid-19 mới dự kiến gia tăng trong những ngày tới. Ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm hơn dự kiến do quyết tâm giảm bớt rủi ro, tránh các biện pháp kích thích quy mô. Sau khi nới lỏng để giảm bớt tác động tồi tệ của coronavirus, chính sách kiểm soát nợ của nước này hiện đang được tiếp tục.

Chuyển đổi mô hình
Bắc Kinh đang quyết tâm chuyển đổi mô hình kinh tế sau những năm phát triển bùng nổ khiến đất nước nợ nần chất chồng. Ông Tập hiện đang giám sát kế hoạch ổn định tăng trưởng nợ để giảm bớt rủi ro tài chính; hạn chế bất bình đẳng và chuyển nguồn lực tài chính vào lĩnh vực sản xuất công nghệ cao chống lại mối đe dọa về hạn chế công nghệ từ Mỹ.
Ông Tập cũng bắt đầu định hình lại lĩnh vực công nghệ tiêu dùng, BĐS, cho rằng chúng lãng phí nguồn tài nguyên của đất nước, chấp nhận tăng trưởng chậm lại. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vào tháng 3 đã công bố mục tiêu tăng trưởng trên 6% trong năm. Đây là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh đang ưu tiên các mục tiêu chính sách như ổn định tài chính, bảo vệ môi trường lên trên tăng trưởng kinh tế.
Những tuần gần đây, Bắc Kinh đã báo hiệu có thể nới lỏng một số chính sách, yêu cầu các ngân hàng tăng tốc độ cho vay thế chấp, ngay cả khi họ lặp lại tuyên bố không sử dụng lĩnh vực BĐS như biện pháp kích thích ngắn hạn. Bert Hofman, cựu Giám đốc văn phòng Trung Quốc của Ngân hàng Thế giới, nói bất kỳ chính sách nào được nới lỏng trong vài tháng tới sẽ nhằm mục đích “ngăn chặn thảm họa” hơn là hỗ trợ tăng trưởng. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhân dân Trung Quốc Yi Gang, dự kiến mức tăng trưởng khoảng 8% trong năm nay. Để đạt được điều đó, nền kinh tế chỉ cần tăng trưởng 3,9% trong quý hiện tại. 
Ảnh hưởng lan rộng
Tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại khi quá trình phục hồi toàn cầu hậu Covid-19 có nguy cơ mất đà. Frederic Neumann, đồng Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC Holdings Plc ở Hồng Kông, cho biết: “Khi động cơ kinh tế của Trung Quốc chao đảo, tăng trưởng của thế giới cũng sẽ chao đảo”. Những nước chịu rủi ro bao gồm cả các quốc gia ít đầu tư vào Trung Quốc như Australia, Nam Phi và Brazil. Thương mại chậm lại cũng có thể ảnh hưởng đến các thị trường như Malaysia, Singapore và Thái Lan. Bà Tuuli McCully, Trưởng bộ phận kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại Scotiabank, có trụ sở tại Singapore, nói: “Các quốc gia như Chile và Peru vận chuyển lượng lớn hàng hóa sang Trung Quốc và sẽ cảm thấy tác động của hoạt động đầu tư BĐS và tài sản cố định khác ở Trung Quốc yếu hơn”.
Dù vậy, sự lan tỏa trên thị trường tài chính có thể được kiềm chế, do mức điều chỉnh từ đỉnh đến đáy 18% trong Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc năm nay không gây ra sự lây lan toàn cầu. Và lợi thế có thể có từ nền kinh tế Trung Quốc đang hạ nhiệt là nó làm giảm bớt áp lực lạm phát toàn cầu. Dù vậy, tác động thực tế vẫn có những tiêu cực nhất định đối với thế giới đang phục hồi yếu ớt. Hiện tại, những nhà kinh tế bi quan nhất cũng mong đợi tăng trưởng sẽ đạt trên 7,5% trong năm nay, một tốc độ tương đối nhanh đối với nền kinh tế có quy mô như Trung Quốc. Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội từ mức năm 2020 vào năm 2035, tức tăng trưởng hàng năm phải đạt khoảng 5%.
Theo Bo Zhuang, nhà kinh tế Trung Quốc tại Loomis Sayles Investments Asia, Trung Quốc có thể chứng kiến đầu tư vào BĐS giảm 10% trong nửa đầu năm tới, vẫn đạt mức tăng trưởng 5% hàng năm do chu kỳ tín dụng của nước này gần chạm đáy và chính sách tài khóa có thể được thực hiện trước thềm Đại hội Đảng vào mùa thu. Ông dự đoán Bắc Kinh có thể đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% cho năm tới.

Rủi ro ngắn hạn
Với sự yếu kém gần đây kết hợp với những lo ngại về Evergrande, các chiến lược gia của BoA đã vạch ra “kịch bản giảm giá” liên quan đến sự điều chỉnh không ổn định đối với thị trường BĐS. Trong đó giá BĐS giảm 10%, làm giảm doanh số bán và khiến các ngân hàng kiềm chế cho vay lĩnh vực này. Theo kịch bản này, tăng trưởng có thể đạt mức thấp 7,5% trong năm nay và 2,2% năm 2022.
Rủi ro khác là các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc có thể gặp khó khăn trong việc chuyển trở lại chế độ tăng trưởng một khi cảm thấy cần thiết. Các nhà kinh tế của Citigroup lưu ý tình trạng thiếu điện đang ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp, sẽ khiến việc thúc đẩy tăng trưởng khó khăn hơn nếu chọn cách thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng như trước đây.
Những chính sách như vậy chỉ có thể hiệu quả trong năm tới, khi cuộc khủng hoảng điện giảm. Các chính quyền địa phương cũng đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các dự án khả thi để đầu tư, trong khi nguồn tài chính eo hẹp của các nhà phát triển BĐS đã khiến việc mua đất của họ bị chậm lại, đe dọa làm suy giảm nguồn thu 1.000 tỷ USD cho chính quyền địa phương.  

Các tin khác