
Từ 1975 đến nay, động lực của đất nước đã xuất hiện vài lần. Chẳng hạn 1986 sự thừa nhận nền kinh tế thị trường, chấp nhận nền kinh tế nhiều thành phần. Sau 1995, việc mở cửa hội nhập với thế giới, tiến hành đô thị hóa được coi là những động lực chính yếu nhất phát triển. Nhưng từ năm 2005 trở đi dường như các nhân tố động lực trên bị tới hạn, không còn nhiều giá trị.
Với TPHCM đã mất động lực phát triển, các lợi thế so sánh bị giảm, nên tốc độ tăng trưởng giảm. Điều này không chỉ thấy ở năng suất lao động, sự sút giảm số lượng các doanh nghiệp (DN), mà còn ở bầu không khí kinh tế-xã hội. Và chính trong bối cảnh hiện nay, việc xác định động lực phát triển nhằm đẩy nó lên một tầm cao mới không chỉ trong nhận thức, mà còn hành động cụ thể là điều rất quan trọng.
Ngày 17-3, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết: “Phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”. Bài viết đã nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải quán triệt lại định hướng quan điểm và nhận thức trong cả hệ thống chính trị, về vai trò của KTTN như là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của đất nước”.
Trước đó vào ngày 7-3, Tổng Bí thư Tô Lâm khi làm việc với Ban Chính sách Chiến lược Trung ương, cũng đã đề cập tới điều này và khẳng định rằng, dù còn nhiều hạn chế nhưng KTTN là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng kinh tế.
Như vậy từ “động lực quan trọng” đến “động lực quan trọng nhất”, cho thấy một chuyển biến mang tính đột phá trong tư duy. Nên nhớ tất cả các nhiệm kỳ trước đây có đề cao KTTN, nhưng thành phần kinh tế “quan trọng nhất đóng vai trò then chốt” là kinh tế nhà nước, với các tập đoàn kinh tế mạnh.
Do vậy, bài viết này không phân tích sâu vào vị trí và vai trò của KTTN, mà phân tích mối quan hệ giữa KTTN và các thiết chế nhà nước. Đây là mối quan hệ quan trọng nhất, nếu giải quyết không tốt sẽ kìm hãm KTTN, tạo ra môi trường bất bình đẳng. Vậy để KTTN trở thành động lực quan trọng nhất thì Nhà nước cần có những động thái nào?
Thứ nhất, Nhà nước đóng vai trò là người định hướng và nhà kiến tạo. Bởi khi coi KTTN là một động lực quan trọng nhất, cũng đồng nghĩa với việc tăng độ mở của nền kinh tế thị trường. Trong nền kinh tế toàn cầu rộng lớn và phức tạp, nếu không có sự định hướng các DN rất dễ bị lạc hướng và chao đảo.
Các chương trình phát triển 5 năm, 10 năm của Đảng và Chính phủ, các chương trình hợp tác với các nước mà Chính phủ ký kết, chính là sự định hướng cho các DN lựa chọn hướng phát triển, loại hàng hóa, quy mô và lựa chọn đối tác.
Trên tinh thần “Nhà nước nhỏ, Nhân dân lớn”, “Chính phủ kiến tạo, Nhân dân hành động”, Nhà nước thông qua luật và các văn bản dưới luật đóng vai trò là người kiến tạo bộ khung và các đường nét chính, còn DN tư nhân là người hoạt động tự do trong hành lang pháp lý đó.
Thứ hai, Nhà nước đóng vai trò là người điều tiết và kiểm soát. Một số người cho rằng, khi chúng ta xác định KTTN là đòn bẩy, thì độ mở và không gian hoạt động tự do của KTTN tăng lên, như thế có cần đến vai trò điều tiết của Nhà nước không? Có phải là tái lập “kế hoạch hóa tập trung”?
Bất cứ nền kinh tế thị trường tự do có độ mở lớn bao nhiêu như Mỹ, châu Âu cũng vẫn cần đến sự tham gia điều tiết của Nhà nước bằng pháp luật và các công cụ mang tính chức năng, nếu Nhà nước không kiểm soát và điều tiết tốt sẽ dẫn đến hệ lụy rất xấu.
Một thí dụ điển hình nhất là lĩnh vực bất động sản, nếu nhà nước buông lỏng sẽ dẫn đến lũng đoạn, đầu cơ trục lợi, thị trường bất động sản nóng lạnh bất thường. Bài học từ các tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát còn nóng hổi vì sự buông lỏng quản lý nhà nước. Cũng chính vì lý do này mà Trung Quốc là một trong số các quốc gia có sự tham gia của nhà nước rất sâu và mạnh mẽ trong việc điều tiết nền kinh tế.
Thứ ba, Nhà nước đóng vai trò là người hỗ trợ và bảo hộ. Bởi với KTTN, Nhà nước không chỉ là nhà kiến tạo, điều tiết mà còn là người hỗ trợ, đồng hành và bảo hộ. Nhà nước hỗ trợ KTTN trước hết là bằng các chủ trương, chính sách phù hợp để cho KTTN có cảm hứng muốn “lớn mạnh”, muốn “cống hiến hết mình”.
Cụ thể là các thủ tục pháp lý và hành chính sao cho nhanh, hiệu quả, như lập và phá sản DN, giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng, thủ tục xuất nhập hàng hóa… Sau đó là hỗ trợ vốn, khai thác tài nguyên, tìm kiếm thị trường quốc tế.
Việc hàng nông sản thâm nhập được vào các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, chính là nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Việc các ngân hàng nhà nước bảo lãnh cho DN tư nhân nhập khẩu hàng hóa qua LC là một thí dụ điển hình cho vai trò bảo trợ của Nhà nước.
Tuy nhiên, trong quá trình làm ăn sẽ có những rủi ro không lường trước, trong những trường hợp như thế Nhà nước sẽ là người bảo trợ, tùy theo mức độ khác nhau, Nhà nước sẽ can thiệp để giảm thiểu rủi ro cho DN.
Chẳng hạn như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã từng chỉ đạo các Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công an, Giao thông Vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Đại sứ quán Italia, hỗ trợ kịp thời các DN xuất khẩu hạt điều giảm thiểu thiệt hại trong vụ 36 container hạt điều có giá trị hàng trăm triệu USD có nguy cơ bị mất trắng, vì lý do có trục trặc trong chứng từ gốc.
Tóm lại, việc xác định KTTN là động lực, thành phần quan trọng nhất của quốc gia là đi theo xu thế chung của thế giới. Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra mục tiêu làm sao để KTTN trở thành lực lượng chủ lực, đi đầu ứng dụng công nghệ và đổi mới, sáng tạo, để đạt mục tiêu đóng góp khoảng 70% GDP vào năm 2030.
Ngày càng nhiều DN tư nhân có năng lực cạnh tranh toàn cầu, làm chủ công nghệ và hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng quốc tế; cùng cả nước xây dựng nên một Việt Nam năng động, độc lập, tự chủ, tự cường và phát triển thịnh vượng.
Tổng Bí thư Tô Lâm xác quyết rằng: “Một nền kinh tế cường thịnh không thể chỉ dựa vào khu vực nhà nước hay đầu tư nước ngoài, mà phải dựa vào nội lực là khu vực tư nhân vững mạnh, đóng vai trò tiên phong trong đổi mới và phát triển đất nước”.