Theo đó, trong giai đoạn 2014-2018, tốc độ tăng trưởng doanh thu kép (CAGR) trung bình của khu vực kinh tế tư nhân đạt 39,6%, vượt khá xa 2 khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Kinh tế tư nhân cũng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong bảng xếp hạng với 81,4% số doanh nghiệp.
Thực tế, khu vực kinh tế tư nhân đã có sự phát triển mạnh mẽ trong hơn 1 thập niên qua. Trong những năm gần đây, GDP Việt Nam luôn tăng trưởng với các con số ấn tượng. Thành quả này có sự góp công rất lớn từ nền kinh tế tư nhân khi đóng góp gần 50% GDP.
Đặc biệt, đã có 4 doanh nhân Việt được xếp hạng tỷ phú USD, theo thống kê của Forbes, trong khi nhiều doanh nhân khác cũng đang vươn lên để có mặt ở danh sách này. Nhiều dự báo rất lạc quan về tình hình kinh tế Việt Nam từ nay đến năm 2020, nhận định nền kinh tế tư nhân chính là năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế, các doanh nghiệp tư nhân sẽ có quy mô lớn mạnh hơn.
Đây có thể coi là kết quả khả quan từ chủ trương tới hành động của Chính phủ đã được triển khai trong suốt mấy năm qua. Theo đó, hàng loạt cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp tư nhân phát triển đã được thực thi. Dù vẫn còn tình trạng “trên trải thảm, dưới trải đinh”, nhưng không thể phủ nhận công cuộc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính... được triển khai quyết liệt ở tất cả bộ, ngành, địa phương, đã giúp các cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân rõ ràng, thuận lợi hơn rất nhiều.
Và khi được giải phóng, khu vực tư nhân đã thể hiện rõ sự năng động của mình. Năm 2018, lần đầu tiên chúng ta có một thương hiệu ô tô Việt mang tên VinFast được bạn bè thế giới biết đến. Danh sách tỷ phú thế giới do Tạp chí Forbes xếp hạng đã điền thêm tên nhiều tỷ phú USD đến từ Việt Nam, và trên sàn chứng khoán đã có 32 công ty vốn hóa hơn 1 tỷ USD.
Số doanh nghiệp mới thành lập năm sau nhiều hơn năm trước, nguồn lực trong dân đưa vào kinh doanh đạt hàng triệu tỷ đồng mỗi năm, phong trào quốc gia khởi nghiệp thu hút nhiều người trẻ có hoài bão, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, hàng triệu hộ kinh doanh cá thể cũng đang tạo doanh thu lớn hơn, giải quyết công ăn việc làm nhiều hơn…
Tất cả cho thấy kinh tế tư nhân đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ. Doanh nghiệp tư nhân còn là nhân tố quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ, mắt xích không thể thiếu trong chuỗi giá trị để nâng cao khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, hình thành nên những cụm liên kết. Qua đó, tạo hiệu quả chung cho nền kinh tế, góp phần tích cực đến sự tăng trưởng GDP bền vững, tăng thu nhập người lao động.
Nội lực có, dư địa có, nếu chúng ta tiếp tục cải thiện mạnh mẽ để tạo ra môi trường đầu tư bình đẳng, thông thoáng, chắc chắn khối tư nhân sẽ nhanh chóng bứt phá, trở thành một trong những trụ cột cho nền kinh tế.
Khi đối thoại với các doanh nghiệp tại Diễn đàn kinh tế tư nhân mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn kinh tế tư nhân đóng góp 60% GDP, đồng thời khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn để giảm chi phí cho doanh nghiệp (như chi phí bến bãi, lãi vay ngân hàng, một số chi phí không chính thức, chi phí giao thông vận tải, chi phí logistic…), kêu gọi doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào tất cả lĩnh vực pháp luật không cấm.
“Chúng ta mở ra chương trình đầu tư mới cho tư nhân trong tất cả lĩnh vực quan trọng đất nước đang thiếu vốn, đang kêu gọi phát triển” - Thủ tướng nêu rõ.
Như vậy, chỉ cần môi trường kinh doanh thuận lợi, khối doanh nghiệp tư nhân sẽ tự tìm các cơ hội để tăng trưởng, phát triển và bứt phá, cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp nước ngoài khi các hiệp định kinh tế đa phương, song phương mới có hiệu lực.
Để huy động được nguồn lực to lớn này cùng chung tay xây dựng hạ tầng cơ sở, xây dựng đất nước khi ngân sách còn khó khăn, điều cấp thiết lúc này là cải thiện mạnh mẽ hơn nữa thể chế kinh tế, dỡ bỏ hết rào cản về thủ tục, giảm chi phí kinh doanh để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp tư nhân.