Kinh tế tư nhân trong công nghiệp văn hóa

(ĐTTCO) - Ngày 17-3, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết về “Phát triển KTTN - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”. Đây thực sự là một vấn đề quan trọng không chỉ cho kinh tế, mà còn có ý nghĩa đối với sự phát triển nền công nghiệp văn hóa.

"Tinh hoa Bắc Bộ", chương trình thu hút đông khán giả trong và ngoài nước đến xem.
"Tinh hoa Bắc Bộ", chương trình thu hút đông khán giả trong và ngoài nước đến xem.

Thiếu cơ chế để vươn tầm

Trong nền kinh tế thị trường, khi các dòng chảy tài chính, thương mại và công nghệ thay đổi không ngừng, văn hóa không thể đứng ngoài cuộc. Phải thích nghi, phát triển bền vững để tồn tại giữa những sức ép khốc liệt của kinh tế và hội nhập toàn cầu.

Thế nhưng, trên hành trình ấy không ít thách thức đang chờ đón các doanh nghiệp tư nhân (DNTN), những người đang dốc sức giữ gìn, phát huy và lan tỏa giá trị văn hóa trong môi trường kinh doanh đầy biến động.

Một trong những rào cản lớn nhất đối với DNTN trong lĩnh vực văn hóa là vấn đề tài chính. Một bộ phim chất lượng cao, một vở nhạc kịch được dàn dựng công phu, hay một không gian bảo tàng hiện đại đều đòi hỏi kinh phí lớn, trong khi nguồn đầu tư cho lĩnh vực này còn hạn chế.

Không giống như các ngành công nghiệp khác, văn hóa không thể tạo ra lợi nhuận ngay lập tức, mà cần một quá trình dài để khẳng định giá trị. Chính vì thế, không ít DNTN gặp khó khăn khi tìm kiếm nhà đầu tư, vay vốn từ ngân hàng hay tiếp cận các quỹ hỗ trợ.

son123.jpg

Không chỉ tài chính, nhân lực cũng là một thách thức không nhỏ. Bởi để tạo ra những sản phẩm văn hóa có giá trị, DN cần có đội ngũ sáng tạo chất lượng cao như những đạo diễn, biên kịch, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, chuyên gia thiết kế…

Thế nhưng, ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam vẫn chưa thực sự thu hút được nhân tài theo đúng nghĩa, chế độ đãi ngộ chưa đủ hấp dẫn, khiến nhiều tài năng trẻ lựa chọn làm việc ở những ngành khác có thu nhập ổn định hơn.

Còn với chính sách hỗ trợ từ nhà nước dù đã có, nhưng vẫn chưa đủ mạnh để trở thành điểm tựa vững chắc cho DNTN trong lĩnh vực văn hóa. Đơn cử nhiều DN mong muốn được hưởng các ưu đãi về thuế, đất đai, nguồn vốn vay ưu đãi, nhưng thực tế các chính sách này chưa thực sự đến được với họ, hoặc quá trình tiếp cận quá phức tạp.

Trong khi các ngành công nghiệp khác có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ để mở rộng thị trường và xuất khẩu, thì lĩnh vực văn hóa vẫn chưa được chú trọng đúng mức.

Trong một thế giới - nơi các nền văn hóa giao thoa và ảnh hưởng lẫn nhau mạnh mẽ, những "ông lớn" trong ngành giải trí, điện ảnh, âm nhạc quốc tế đã chiếm lĩnh thị trường bằng những sản phẩm có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Các nền tảng phát trực tuyến như Netflix, Spotify, Disney+ mang đến những bộ phim bom tấn, những sản phẩm âm nhạc quốc tế với chất lượng đỉnh cao… khiến các DNTN trong nước gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh, giữ chân khán giả và tạo ra bản sắc riêng.

Do vậy, nếu không có chiến lược rõ ràng, văn hóa Việt Nam có thể bị lu mờ giữa làn sóng văn hóa nước ngoài. Những giá trị truyền thống như nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương, văn hóa dân gian hay kiến trúc cổ đang đứng trước nguy cơ bị mai một, nếu không được đầu tư đúng mức. Các DNTN dù có tâm huyết đến đâu, cũng không thể một mình giữ gìn và phát triển di sản văn hóa, nếu không có sự đồng hành của Nhà nước và cộng đồng.

Công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế thị trường

Nhưng thách thức cũng chính là cơ hội. Nhiều quốc gia trên thế giới đã tìm ra cách để bảo vệ và phát triển văn hóa bản địa thông qua chiến lược thông minh. Hàn Quốc là một thí dụ điển hình, khi chính phủ kết hợp với DNTN để tạo ra làn sóng Hallyu, đưa âm nhạc, phim ảnh, thời trang và văn hóa truyền thống của họ ra toàn cầu.

Trung Quốc với các nền tảng nội dung số như iQIYI, WeTV cũng đang thành công trong việc phát triển ngành công nghiệp văn hóa nội địa, tạo ra những sản phẩm có sức hút lớn.

Trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập toàn cầu, văn hóa không thể tách rời khỏi dòng chảy kinh tế mà phải phát triển song hành, trở thành một nguồn lực thực sự của sự thịnh vượng. Sự phát triển của công nghiệp văn hóa không còn là câu chuyện của riêng nhà nước hay các tổ chức truyền thống, mà đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của khu vực KTTN.

Từ điện ảnh, âm nhạc, thời trang, nghệ thuật biểu diễn đến xuất bản và du lịch văn hóa, sự góp mặt của DNTN đã tạo ra những bước chuyển mình đáng kinh ngạc.

Nếu như trước đây, các bộ phim mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc chỉ được sản xuất với nguồn ngân sách hạn chế từ Nhà nước, thì nay hàng loạt DNTN đã mạnh dạn đầu tư, đưa điện ảnh Việt Nam vươn xa trên bản đồ thế giới.

Những bộ phim như "Bố Già", "Hai Phượng", "Mắt Biếc" không chỉ đạt doanh thu ấn tượng mà còn gây tiếng vang trên thị trường quốc tế, đã chứng minh rằng khi có sự tham gia của khu vực KTTN, điện ảnh Việt có thể cạnh tranh sòng phẳng với các nền công nghiệp điện ảnh phát triển.

Thời trang cũng là một minh chứng rõ nét cho vai trò của KTTN trong phát triển công nghiệp văn hóa. Những thương hiệu nội địa không ngừng đổi mới, sáng tạo, đưa bản sắc văn hóa Việt vào từng thiết kế, từng sản phẩm, để rồi từ đó khẳng định vị thế trên thị trường khu vực và thế giới.

Các nhà thiết kế trẻ ngày càng có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân, nhờ vào sự đầu tư bài bản từ các DNTN. Những sàn diễn thời trang mang đậm dấu ấn Á Đông, các bộ sưu tập lấy cảm hứng từ di sản văn hóa đang trở thành xu hướng, chứng minh rằng thời trang không chỉ là một ngành công nghiệp, mà còn là một phương tiện để gìn giữ và lan tỏa văn hóa dân tộc.

Trong lĩnh vực du lịch văn hóa, sự xuất hiện của các tập đoàn tư nhân lớn như Sun Group, Vingroup đã mang đến một diện mạo hoàn toàn mới. Không còn chỉ là những điểm tham quan truyền thống, du lịch văn hóa ngày nay gắn liền với những công trình hoành tráng, những trải nghiệm độc đáo, giúp du khách không chỉ đến để chiêm ngưỡng mà còn để hiểu, để cảm nhận và để sống cùng văn hóa.

Các khu nghỉ dưỡng mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam, các lễ hội tái hiện lịch sử, các sản phẩm du lịch sáng tạo đã giúp nâng tầm giá trị văn hóa dân tộc, biến nó trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế quốc gia.

Nếu nhìn vào những nền kinh tế hàng đầu thế giới, có thể thấy họ đều có một nền công nghiệp văn hóa phát triển song hành với kinh tế. Mỹ có Hollywood, Broadway, ngành công nghiệp âm nhạc trị giá hàng tỷ đô la. Hàn Quốc có K-pop, điện ảnh, thời trang mang đậm bản sắc nhưng lại có sức ảnh hưởng toàn cầu.

Trung Quốc có hệ thống nền tảng nội dung số và du lịch văn hóa phát triển mạnh mẽ. Việt Nam với nền tảng văn hóa phong phú, hoàn toàn có thể đi theo con đường này, nếu biết cách phát huy vai trò của KTTN một cách hiệu quả.

Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi từ những mô hình các nước để xây dựng một nền công nghiệp văn hóa vững mạnh, trong đó DNTN đóng vai trò trung tâm, nhưng phải được hỗ trợ bởi chính sách quốc gia dài hơi và bền vững.

Các tin khác