Đây là mục tiêu đầy tham vọng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức và khó lường. Tuy nhiên, những động lực của tăng trưởng kinh tế cũng đang được cải thiện trong thời gian qua.
Những dự báo về triển vọng
Năm 2023, kinh tế Việt Nam đã trải qua giai đoạn rất khó khăn, khi mục tiêu tăng trưởng GDP ước đạt 5%, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu Quốc hội đã đề ra hồi đầu năm 6-6,5%. Đến cuối tháng 11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, Quốc hội tiếp tục đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP 6-6,5% trong năm 2024.
Đặt trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn đang có nhiều bất ổn và chưa có dấu hiệu kết thúc trong năm 2024, việc Quốc hội đặt mục tiêu này được đánh giá cực kỳ thách thức. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng có thể 2024 sẽ là năm thứ 2 liên tiếp mục tiêu tăng trưởng GDP không thể hoàn thành được.
Dẫu vậy, các tổ chức nghiên cứu kinh tế uy tín trong và ngoài nước đều đưa ra những dự báo khác nhau về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024. Đơn cử, HSBC đánh giá kinh tế Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, đặt nền móng cho đà phục hồi trong năm 2025, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP 2024 là 6,3%.
Tương tự, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo GDP Việt Nam năm 2024 sẽ tăng khoảng 6%. Đặc biệt, VinaCapital có dự báo khá lạc quan khi cho rằng kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,5% trong 2024, nhờ sự phục hồi của xuất khẩu và các ngành sản xuất.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra dự báo có phần thận trọng hơn với mức tăng trưởng khoảng 5,8% và nằm trong nhóm 20 nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới. IMF cho rằng, trong năm 2023 Việt Nam gặp khó về các lĩnh vực xuất khẩu hay bất động sản và ngành tài chính, nhưng đang có sự hồi phục.
Đặc biệt, khi những biện pháp cải cách được thực hiện, Việt Nam sẽ vượt qua được "những cơn gió ngược ngắn hạn" và sẽ duy trì được động lực tăng trưởng trong trung hạn, dựa trên sự hội nhập vào chuỗi cung ứng giá trị cũng như dòng vốn đẩu tư nước ngoài (FDI).
Khi những biện pháp cải cách được thực hiện, Việt Nam sẽ vượt qua những “cơn gió ngược” ngắn hạn và duy trì được động lực tăng trưởng trong trung hạn, dựa trên sự hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như dòng vốn FDI.
Ông Shanaka Peiris, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu khu vực Vụ châu Á - Thái Bình Dương của IMF
Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức thấp hơn, khi cho rằng GDP năm 2024 tăng khoảng 5,4% và sẽ tăng lên 6% trong năm 2025.
Gần đây nhất, hôm 13-12, trong Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố, ADB cũng nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Việt Nam lên mức 6%.
Kỳ vọng 3 động lực tăng trưởng
Thực tế, mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2024 được Quốc hội đặt ra là thách thức không nhỏ, nhưng vẫn có thể thực hiện được. Theo ông Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, năm 2024 GDP Việt Nam có thể đạt mức trên 6% và hoàn thành được nhiều mục tiêu được Quốc hội đề ra.
“Hầu hết gói hỗ trợ kinh tế phục hồi được thực hiện trong năm 2022 và giai đoạn đầu năm 2023. Các gói hỗ trợ này cần phải có thời gian để “ngấm” và giai đoạn cuối năm 2023, đầu năm 2024 trở đi sẽ phát huy được hiệu quả” - ông Lâm nói.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia cũng đặt kỳ vọng vào 3 động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế đang có dấu hiệu bứt tốc vào cuối năm 2023. Đầu tiên là động lực về đầu tư, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư nước ngoài hiện đang được đẩy nhanh. Cụ thể, trong năm 2024, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn sẽ chính thức được thi công, có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đầu tư vào hạ tầng cung cấp các điều kiện cơ bản để hỗ trợ hoạt động sản xuất, vận chuyển hàng hóa và dịch vụ, đồng thời thu hút đầu tư tư nhân và thúc đẩy phát triển kinh doanh. Việc Việt Nam ký kết hợp tác kinh tế với Hàn Quốc, nâng cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ và Nhật Bản, là động lực thúc đẩy thêm dòng vốn FDI mới vào Việt Nam ở các lĩnh vực công nghệ cao, chất bán dẫn, năng lượng tái tạo.
Tiếp đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước đã có sự cải thiện trong năm 2023. Tính chung 11 tháng của năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.667.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này được cộng hưởng thêm bởi chính sách hỗ trợ khi kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã đồng ý giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% trong 6 tháng đầu năm 2024, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước.
Đánh giá về chính sách này, PGS.TS Trần Đình Thiên, cho biết mấy tháng đầu năm bán lẻ tăng trưởng 15-17% nhưng gần đây chỉ còn tăng 11-12% và đang tiếp tục suy giảm, cho thấy nếu đây là động lực thì động cơ đang yếu. Do đó, phải có giải pháp thực sự hiệu quả để kích thích tăng trưởng nhanh hơn.
Cuối cùng, động lực tăng trưởng kinh tế năm 2024 được đánh giá sẽ đến từ xuất nhập khẩu, khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới bắt đầu phát huy được ưu điểm. Nhờ vào một số ưu đãi về thuế khi xuất khẩu, nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam có thể dễ dàng tìm kiếm các đối tác xuất khẩu mới. Dẫn chứng cho thấy, trong năm 2023 các mặt hàng nông sản, thủy sản, nhất là các sản phẩm rau, củ, quả được hưởng lợi rất nhiều từ các FTA.
Đây cũng là nhóm hàng duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng dương trong 11 tháng năm 2023, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 29,5 tỷ USD, tăng 8,6%. Một số mặt hàng nông sản ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng như, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 5,32 tỷ USD, tăng mạnh nhất 74,5%; gạo đạt 4,41 tỷ USD, tăng 36,3% (lượng tăng 16,2%); hạt điều đạt 331 tỷ USD, tăng 17,4% (lượng tăng 23,1%)...
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất, nhập khẩu ngày càng cao, để trợ lực cho xuất nhập khẩu và muốn thu được lợi nhuận tối đa, giảm nhập siêu dịch vụ vận tải, Chính phủ cần ban hành chính sách ưu đãi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, vốn để phát triển đội tàu vận tải biển, đặc biệt là đội tàu vận tải biển container…