Theo nhiều chuyên gia, những tín hiệu đáng mừng đó cộng với Nghị quyết số 27/NQ-CP mà Chính phủ đã ban hành, cho phép UBND TPHCM áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn, kỳ vọng sẽ đánh tan được “cục máu đông” ùn tắc giao thông đang cản trở sự phát triển của thành phố.
Bởi tính đến nay, tỷ lệ đất dành cho giao thông ở TPHCM chỉ khoảng 8% (đất đô thị) trong khi theo quy chuẩn phải từ 24%-26%; tổng chiều dài các tuyến đường và cầu ở thành phố chỉ khoảng 2km/2km2 trong khi yêu cầu từ 10km-13km/km2. Điều này cho thấy, hệ thống hạ tầng giao thông của TPHCM hoàn toàn không đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố.
Trong cuộc họp kiểm điểm tình hình trật tự an toàn giao thông TPHCM thời gian gần đây (trước thời điểm diễn ra dịch Covid-19), UBND TPHCM cho biết, mỗi ngày thành phố phải phấn đấu thu ngân sách khoảng 1.200 tỷ đồng trong khi đó bình quân mỗi giờ kẹt xe thành phố “mất” khoảng 2,4 tỷ đồng. Còn theo đánh giá từ Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT), do ùn tắc giao thông, mỗi năm TPHCM thiệt hại khoảng 1,2 triệu giờ công lao động, 1,3 tỷ USD vì hàng hóa, dịch vụ không thể hoặc chậm thực hiện do ùn tắc, cùng 2,3 tỷ USD chi phí trả cho ô nhiễm môi trường do các phương tiện cơ giới thải ra.
Phản hồi từ thực tế cũng cho thấy hệ thống giao thông, đặc biệt ở các khu vực tập trung nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ... ngày càng “đuối sức” trước nhu cầu vận tải tăng cao. Theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, nếu trước kia trung bình mỗi ngày xe container, xe tải có thể vận chuyển 2 vòng hàng hóa từ khu cảng Cát Lái đến các khu công nghiệp, chế xuất ở Đồng Nai, Bình Dương thì nay nhiều xe chỉ còn được 1 vòng. Sự quá tải của các tuyến đường Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ, xa lộ Hà Nội, liên tỉnh lộ 25B… kết nối đến khu cảng này là nguyên nhân chính của hiện tượng trên.
Trong Quy hoạch phát triển hệ thống giao thông vận tải TPHCM đến năm 2030 cũng như quy hoạch chung xây dựng TPHCM, quy hoạch chung xây dựng vùng TPHCM đều xác định rõ các công trình, dự án phải thực hiện để tháo gỡ tình trạng ùn tắc giao thông nói trên. Chỉ là, thời gian qua TPHCM thiếu nguồn lực để thực thi. Chưa kể, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng cũng là một nút thắt lớn trong đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật nói chung và hệ thống hạ tầng giao thông nói riêng ở thành phố. Theo Ban Quản lý các công trình giao thông TPHCM, có tới 75% công trình đầu tư xây dựng hạ tầng ở TPHCM chậm tiến độ vì vướng đền bù, giải phóng mặt bằng.
Nay, Chính phủ đã cho thành phố thí điểm cơ chế đặc thù rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đền bù, mới nhất, Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định ủng hộ tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố; song, TPHCM vẫn cần có sự ủng hộ của Quốc hội để tăng nguồn lực đầu tư dự án phát triển hệ thống giao thông, đánh tan cục máu đông ùn tắc đã và đang ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của thành phố.
Xin dẫn lại lời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi tiếp xúc với cử tri ở TPHCM, rằng để lại 1 đồng cho TPHCM thì thành phố có thể tăng 2-3 đồng cho ngân sách trung ương. Chắc chắn, đầu tàu kinh tế mạnh thì sẽ kéo cả đoàn tàu kinh tế băng nhanh hơn về phía trước.