
Cám cảnh kẹt xe
Trong đó, đoạn đi qua địa bàn TPHCM (cũ) chỉ 6km, song hàng chục năm qua chưa thể mở rộng, khiến nút “thắt cổ chai” từ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đến cổng chào tỉnh Bình Dương (cũ) mỗi chiều tan tầm là nỗi ám ảnh kẹt xe. Người dân kỳ vọng với sự hợp nhất Bình Dương (cũ) vào TPHCM mới, cung đường này sẽ được khai thông toàn tuyến.
Nguyên nhân chính khiến cho Quốc lộ 13 đoạn qua TPHCM (cũ) luôn trong tình trạng kẹt xe là do lượng phương tiện lưu thông lớn, đặc biệt là xe container ra vào các khu công nghiệp, cùng với việc mặt đường hẹp và chưa được mở rộng đồng bộ.
Theo phản ánh của người dân, tình trạng kẹt xe trên Quốc lộ 13 xảy ra cả ngày, đặc biệt nghiêm trọng trong khung giờ cao điểm từ 7 giờ 30 đến 9 giờ, và 15 giờ 30 đến 18 giờ. Lý do chính là tuyến đường này chỉ có 3 làn xe mỗi chiều, không thể đáp ứng lưu lượng phương tiện ngày càng tăng của tuyến huyết mạch liên tỉnh.
Bà Đoàn Thị Bích Phượng, làm nghề sửa đồng hồ, sống hơn 36 năm bên tuyến đường này, chia sẻ: “Kẹt xe đã trở thành chuyện cơm bữa ở đoạn đường này. Mùa nắng còn đỡ, chứ mỗi khi mưa xuống, nhất là thời điểm tan tầm, tình trạng kẹt xe càng nghiêm trọng”.
Cũng theo bà Phượng, Quốc lộ 13 chật hẹp, trong khi xe cộ đông đúc nên đoạn đường này thường xảy ra tai nạn giao thông chết người. Những lúc có tai nạn thì tình trạng kẹt xe kéo dài hàng cây số, từ điểm đầu là cầu Bình Triệu tới ngã tư Bình Phước.

Không chỉ người dân mà giới tài xế, đặc biệt là người làm dịch vụ giao hàng, cũng khốn khổ với tình trạng kẹt xe trên tuyến đường này. Anh Nguyễn Văn Hùng, tài xế giao hàng, tâm sự: “Mỗi khi có đơn hàng giao qua khu vực này là tôi thấy ngán. Vừa kẹt xe vừa bị khách gọi điện thoại hối, thậm chí có lúc bị chửi vì giao hàng trễ. Giải thích hoài, ngày nào cũng vậy, rất đau đầu và mệt mỏi”.
Theo anh Hùng, nếu đường thông thoáng việc giao hàng qua đoạn đường chỉ mất khoảng 10-15 phút. Nhưng gặp kẹt xe, có khi mất hơn cả tiếng đồng hồ. Mỗi ngày là một thử thách, mà “kinh nghiệm kẹt xe” cứ ngày một dày thêm. “Hy vọng Quốc lộ 13 phía TPHCM sớm được mở rộng như bên Bình Dương để tình trạng kẹt xe giảm bớt” - anh Hùng tâm sự.
Tận dụng Nghị quyết 98
Trái ngược với cảnh chật chội phía TPHCM (cũ), Quốc lộ 13 đoạn qua Bình Dương (cũ) đang được nâng cấp từ 6 lên 8 làn xe, từ cổng chào Vĩnh Phú đến đường Lê Hồng Phong. Bên cạnh đó, cầu vượt tại các nút giao Bình Hòa, Hữu Nghị và Hòa Lân cũng sẽ được xây dựng để tăng khả năng lưu thông, bởi đây là tuyến huyết mạch kết nối TPHCM và Bình Dương (cũ).
Chính vì vậy, hiện nay rất nhiều người kỳ vọng khi TPHCM hợp nhất Bình Dương về cùng một “nhà”, việc đồng bộ hạ tầng Quốc lộ 13 là điều cấp thiết, không thể để cảnh “một đầu rộng, một đầu hẹp” tiếp diễn gây ách tắc triền miên.
Thực ra trước đây Sở Xây dựng TPHCM (cũ) đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho dự án mở rộng đoạn từ cầu Bình Triệu đến ranh giới Bình Dương (cũ) theo hình thức BOT. Sau khi Nghị quyết 98 có hiệu lực, HĐND TPHCM (cũ) đã thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 9-2023.
Cụ thể, đoạn nâng cấp dài gần 6km, mở rộng lên 60m với 10 làn xe. Trên tuyến sẽ có đoạn cầu cạn dài 3,2km từ nút giao Bình Triệu đến Bình Phước với 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/h. Bên dưới là đường song hành với 3 làn mỗi bên, tốc độ tối đa 60km/h. Ngoài ra, hầm chui 2 chiều cũng sẽ được xây tại các nút Bình Lợi và Bình Phước nhằm giảm áp lực giao thông.
Tổng mức đầu tư dự án gần 21.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước chi khoảng 14.619 tỷ đồng cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; phần còn lại do nhà đầu tư BOT đảm nhận. Dự án sẽ ảnh hưởng đến khoảng 39,5 ha đất và 1.091 hộ dân. Trong đó 238 hộ phải di dời hoàn toàn, còn lại 853 hộ bị ảnh hưởng một phần.
Dự kiến, công tác giải phóng mặt bằng triển khai từ quý III năm nay đến quý III-2026. Việc thi công bắt đầu từ quý II-2026, phấn đấu hoàn thành vào năm 2028. Song song đó, để đảm bảo kết nối đồng bộ, TPHCM cũng lên kế hoạch chuyển 2 tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh và Đinh Bộ Lĩnh thành đường trên cao, với tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng.
Việc mở rộng Quốc lộ 13 là bước đi quan trọng, giúp nâng cao năng lực vận tải và giảm ùn tắc cho khu vực cửa ngõ thành phố, nhất là trong bối cảnh Bình Dương đã sáp nhập vào TPHCM cùng Bà Rịa - Vũng Tàu từ 1-7 vừa qua. Dự án sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng, thúc đẩy liên kết vùng và tạo diện mạo mới cho một siêu đô thị TPHCM mở rộng trong tương lai gần.