Phát triển chóng mặt
Trong 10 sự kiện nổi bật ngành công thương năm 2024, ngành (TMĐT) nhận được nhiều sự quan tâm bởi tốc độ phát triển chóng mặt. Theo đó, quy mô thị trường TMĐT Việt Nam đã vượt mốc 25 tỷ USD (tăng 20%). Con số này cao hơn dự báo 22 tỷ USD trước đó của Google, Temasek, Bain & Company đưa ra tại báo cáo "e-Economy SEA 2024".
Như vậy, trong khu vực, quy mô TMĐT Việt Nam hiện chỉ sau Indonesia (65 tỷ USD) và Thái Lan (26 tỷ USD). Cũng theo thống kê từ Bộ Công Thương, TMĐT hiện chiếm 9% tổng mức hàng hóa tiêu dùng và 2/3 giá trị kinh tế số, giữ vững vị trí Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới.
TMĐT phát triển mạnh kéo theo nguồn thu thuế cũng tăng theo. Lũy kế 11 tháng, các doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT đã nộp khoảng 108.000 tỷ đồng tiền thuế (tăng 22%). Năm 2024, lần đầu tiên trong lịch sử, dự báo nguồn thu thuế từ hoạt động TMĐT vượt mốc 110.000 tỷ đồng. Hiện có 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế qua cổng thông tin điện tử, gồm Google, Meta (Facebook), Microsoft, TikTok, Netflix, Apple...
Các nhà cung cấp nước ngoài này đã nộp hơn 8.687 tỷ đồng tiền thuế trong 11 tháng qua (tăng gần 26%). Chia sẻ cùng báo chí, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân, Tổng cục Thuế nhận định, về cơ bản, các tổ chức có phát sinh doanh thu kê khai nộp thuế theo pháp luật. Còn đối với cá nhân cũng đã có ý thức trong việc chấp hành pháp luật.
Nhưng nhiều lỗ hổng
Trong năm 2025, TMĐT được kỳ vọng sẽ chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ. Báo cáo xu hướng thị trường bán lẻ Việt Nam 2025 của AppotaPay cũng nhấn mạnh, mặc dù mạng lưới cửa hàng bán lẻ truyền thống rất rộng lớn, với 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ, chiếm tới 75% thị phần bán lẻ, nhưng tốc độ tăng trưởng của TMĐT từ 35-45% mỗi năm đang nhanh chóng tái định hình thói quen tiêu dùng.
Phát triển nhanh, mang lại nguồn thu thuế đáng kể nhưng thị trường TMĐT cũng đang xuất hiện những lỗ hổng cần có chính sách quản lý tốt hơn. Những lỗ hổng còn tồn tại này được Bộ Công Thương chỉ rõ. Theo đó, vấn đề kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng vẫn còn diễn biến phức tạp.
Đáng chú ý, hoạt động livestream bán hàng, hiện đang là xu hướng phát triển nhanh của TMĐT, nhưng các quy định pháp lý về TMĐT mới chỉ điều chỉnh chung giống như một hoạt động quảng cáo đi kèm với bán hàng, chưa có các quy định riêng về các chủ thể tham gia livestream.
Chưa hết, câu chuyện Temu vào Việt Nam khi chưa đăng ký cũng trở thành tâm điểm chú ý trong năm. Theo Bộ Công Thương, về kiểm soát TMĐT xuyên biên giới còn gặp nhiều khó khăn, mặc dù Nghị định 85/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã có các quy định ban đầu về các điều kiện áp dụng cho chủ thể cung cấp dịch vụ TMĐT xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam nhưng các quy định chưa đủ mạnh và lan tỏa, dẫn đến việc nhiều nền tảng TMĐT xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam khi chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý chính thức.
Chống thất thu bằng cách nào?
Quản lý thuế có lẽ là câu chuyện đầu tiên rất nhiều người quan tâm khi thị trường TMĐT bùng nổ. Mặc dù con số thu đã ghi nhận những tín hiệu tích cực nhưng vấn đề thất thu thuế TMĐT vẫn rất nóng hổi. Để giải quyết từng bước vấn đề này, ngành thuế đang mang đến nhiều giải pháp.
Trong đó mới nhất vào nửa cuối tháng 12 vừa qua, Tổng cục Thuế chính thức công bố "Cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký, kê khai, nộp thuế TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số".
Với các chức năng về đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế được thiết kế đơn giản, thuận tiện, dễ sử dụng, nền tảng này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ tối đa cho cá nhân kinh doanh online thực hiện được nghĩa vụ đóng thuế một cách nhanh gọn, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Cũng liên quan đến vấn đề thu thuế, theo Luật sửa đổi một số điều của Luật Quản lý thuế, từ ngày 1-1-2025, các sàn TMĐT và nền tảng số sẽ chịu trách nhiệm khấu trừ, kê khai và nộp thuế thay cho người bán hàng hoạt động trên nền tảng của họ. Điều này có nghĩa là các sàn như Shopee, Lazada, Tiki… sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế thay cho người bán, giúp đơn giản hóa quy trình nộp thuế cho cá nhân kinh doanh.
Chia sẻ cùng ĐTTC, LS Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law, nhìn nhận các sàn TMĐT lớn thường có hệ thống công nghệ mạnh mẽ, có thể hỗ trợ quá trình kê khai và nộp thuế tự động, giảm bớt gánh nặng quản lý. Việc sàn TMĐT kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh giúp đơn giản hóa quy trình thu thuế, giảm bớt gánh nặng hành chính cho cả người kinh doanh và cơ quan thuế.
Về vấn đề bãi bỏ quyết định miễn thuế VAT với hàng nhập dưới 1 triệu đồng qua sàn, phía Bộ Tài chính cho biết đang chờ ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp theo đúng trình tự, từ đó trình Thủ tướng hủy bỏ quyết định này. Trước đó, rất nhiều DN cùng đồng tình việc nên bỏ quy định miễn thuế VAT với hàng giá trị dưới 1 triệu đồng nhập khẩu qua sàn, điều này sẽ giúp tạo công bằng trong kinh doanh và gia tăng nguồn thu cho Nhà nước.
Dự báo với hàng loạt chính sách và giải pháp kịp thời, thu thuế TMĐT trong năm 2025 sẽ tiếp tục phá kỷ lục đúng với sự phát triển của thị trường.
Song hành với quản lý thuế, việc tăng cường quản lý hoạt động TMĐT cũng sẽ trở thành vấn đề trọng tâm trong năm mới 2025 này. Cụ thể, năm 2025, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật TMĐT nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, thống nhất hệ thống pháp luật về TMĐT trong mối tương quan với các luật khác, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2026-2030, giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc, các bất cập, hạn chế trong thực thi các văn bản quy phạm pháp luật về TMĐT trong thời gian vừa qua.
Năm 2025 lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục tập trung, ưu tiên triển khai nhiệm vụ chống hàng giả trên TMĐT, tập trung với những nỗ lực cao nhất để kiến tạo thị trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo quyền và lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng.