Thị trường và nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi mạnh khi sản xuất công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc.
Đây được đánh giá là những tín hiệu tích cực cho phép doanh nghiệp kỳ vọng sản xuất công nghiệp sẽ bứt phá tích cực trong những tháng cuối năm 2022.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh quý 2/2022 so với quý trước đó được cải thiện. Cụ thể, có 32% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên; 39,1% giữ ổn định và 28,9% khó khăn hơn.
Dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý 3/2022 so với quý 2 vừa qua khả quan, có 38,3% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn, 39,3% giữ ổn định và 22,4% khó khăn hơn.
Theo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng Sáu vừa qua cũng tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số IIP trên địa bàn thành phố tăng 3,1% so với cùng kỳ.
Đại diện Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 6 tháng đầu năm 2022 tăng cao so với cùng kỳ gồm: bao bì đóng gói bằng plastic; bia chai, lon vải tăng 10,3%; quần áo các loại trừ quần áo thể thao...
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp tăng 1,5% so với cùng kỳ trong đó một số ngành có mức tiêu thụ tăng mạnh như chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất xe có động cơ; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu...
Về hoạt động doanh nghiệp nước ngoài, Chủ tịch EuroCham Alain Cany chia sẻ mặc dù niềm tin của lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu chứng kiến sự giảm nhẹ, với Chỉ số Môi trường Kinh doanh (Business Climate Index-BCI) đã giảm 4,4 điểm phần trăm trong quý 2/2022 xuống mức 68,8 điểm, nhưng các yếu tố ảnh hưởng đến nó hầu hết nằm ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ Việt Nam.
Một liên hoàn các ngoại tố đang góp phần gây ra bất ổn kinh tế toàn cầu và vấn đề này không phải của riêng Việt Nam.
Theo Chủ tịch EuroCham Alain Cany, con đường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đã được vạch ra rõ ràng. Đồng thời, tăng trưởng xanh là con đường của tương lai, không chỉ vì nó sẽ giúp xây dựng nền tảng thịnh vượng cho nền kinh tế và con người Việt Nam, mà còn vì nó sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi đất nước thành một trong những thị trường mạnh nhất thế giới.
Đặc biệt, tiềm năng tăng trưởng xanh của Việt Nam cũng đang khuyến khích các nhà đầu tư châu Âu. Do đó, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam vẫn ổn định trong thời gian đầy biến động, nên nguồn vốn FDI đổ vào vẫn được duy trì.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Điện Quang, cho biết hiện nay Chính phủ và cơ quan ban ngành từ Trung ương đến địa phương đã và đang triển khai những chính sách hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ thông minh trong các hoạt động sản xuất. Điển hình, trong đó có chính sách phát triển ngành điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông và phát triển công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ cho ngành này.
Tuy nhiên, Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu do thiếu những đơn vị sản xuất có đủ năng lực sản xuất đa dạng sản phẩm có hàm lượng chất xám cao. Bên cạnh đó, chưa làm chủ được công nghệ do thiếu năng lực thiết kế, nghiên cứu phát triển... nên doanh nghiệp bị đứt gãy chuỗi cung ứng và thiếu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất khi thị trường biến động như giai đoạn dịch COVID-19 vừa qua.
Để thúc đẩy phát triển ngành sản xuất công nghiệp, nhất là những ngành chủ lực, một số chuyên gia cho hay, cần sự đầu tư đúng mức vào việc nghiên cứu và phát triển các nền tảng công nghệ cốt lõi phục vụ cho sản xuất. Cùng với đó, là phải kết nối với nhiều chuyên gia hàng đầu là người Việt Nam ở nước ngoài có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu và phát triển các sản phẩm quốc tế.
Mặt khác, trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với quá trình chuyển đổi số, một ngành kinh tế mũi nhọn được tạo điều kiện thuận lợi phát triển thì sẽ kéo theo nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác. Ví dụ như ngành điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin có khả năng chi phối nhiều lĩnh vực như cơ khí, điện, nhựa và hóa chất... và tác động mạnh mẽ đến sự phát triển bền vững của toàn ngành sản xuất công nghiệp.
Hiện nay, những bất ổn địa chính trị và kinh tế trên thế giới đã làm giảm niềm tin kinh doanh, đầu tư, đồng thời làm suy yếu triển vọng kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn. Tuy kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà phục hồi mạnh mẽ bất chấp trình trạng bất định trên toàn cầu gia tăng, nhưng doanh nghiệp cần thận trọng với rủi ro lạm phát khi giá nhiên liệu liên tục tăng cao và hàng hóa nhập khẩu tăng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ tăng trưởng của Việt Nam.
Trước bối cảnh hoạt động sản xuất công nghiệp đã phục hồi và thu hút lao động trở lại thành phố làm việc, nên doanh nghiệp đã khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia và ký kết để mở rộng thị trường, đa dạng khách hàng, tiếp cận xu hướng kinh doanh mới...
Hơn thế nữa, chỉ những doanh nghiệp nào tự chủ được công nghệ và một phần nguyên vật liệu sẽ có nhiều lợi thế phát triển sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, đồng thời không những đảm bảo nguồn cung nội địa mà còn hướng đến tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.