Kỳ vọng thị trường chứng khoán

(ĐTTCO) - Sự kiện Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi dự và thực hiện nghi thức đánh cồng khai xuân tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM sáng 8-2 đã khởi đầu năm mới Nhâm Dần 2022 với nhiều kỳ vọng “Win to Win” cho tất cả các bên tham gia vào thị trường chứng khoán (TTCK).
Kỳ vọng đó xuất phát từ việc TTCK năm 2021 khép lại với thành công rực rỡ bằng nhiều kỷ lục cả về chỉ số, thanh khoản và mức vốn hóa thị trường. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến cuối năm 2021, VN-Index đạt 1.494,39 điểm, tăng 35,4% so với cuối năm 2020. HNX-Index cũng đạt 458,05 điểm, tăng 125,5% so với cuối năm 2020. Vốn hóa thị trường đạt 7.729.000 tỷ đồng, tăng 46% so với cuối năm 2020, tương đương 122,8% GDP năm 2020 và 92% GDP năm 2021.
Năm 2021 cũng đã chứng kiến số lượng tài khoản đầu tư chứng khoán mở mới tăng kỷ lục với hơn 1,5 triệu tài khoản - lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm trước đó. Số lượng nhà đầu tư tham gia TTCK tăng mạnh đã góp phần đẩy thanh khoản thị trường lên hàng tỷ USD/phiên. Đặc biệt, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng thông qua TTCK, nhiều doanh nghiệp đã huy động thành công nguồn vốn để khôi phục sản xuất kinh doanh.
Là sàn giao dịch chiếm hơn 90% giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu của TTCK, trong năm 2021, tổng giá trị vốn huy động thông qua phát hành thêm ở thị trường cổ phiếu trên sàn HoSE ước đạt hơn 49.605 tỷ đồng, tăng hơn 5 lần về giá trị so với năm 2020. Đây là cơ sở quan trọng cho kỳ vọng nêu trên cho dù trong năm 2021 khối ngoại bán ròng khoảng 2,3 tỷ USD, trong đó rút tiền khỏi thị trường khoảng 1,2 tỷ USD.
Đã có một số sự kiện tiêu cực ảnh hưởng không tốt tới hoạt động của TTCK những ngày đầu năm 2022. Sắc đỏ bao trùm và nhiều cổ phiếu nằm sàn, trắng bên mua… thế nhưng chỉ mất một thời gian ngắn, sắc xanh đã trở lại. Phiên giao dịch đầu năm Nhâm Dần, sắc xanh đã lan tỏa ra toàn thị trường với 110 cổ phiếu tăng kịch trần. Động lực chính để TTCK “vượt” qua các sự cố tiêu cực là triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Triển vọng được xây dựng từ những cơ sở thực tiễn như tỷ lệ bao phủ vaccine ít nhất 1 liều đã đạt khoảng 80% và tỷ lệ bao phủ vaccine đủ liều cơ bản gần 70%. Cùng với đó là nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động được triển khai. Ngoài ra, sự tăng trưởng tốt của các doanh nghiệp FDI (liên tục tăng vốn đầu tư vào Việt Nam) cũng làm cho TTCK Việt Nam thêm hấp dẫn.
Nhiều chuyên gia nước ngoài dự báo, VN-Index năm 2022 có thể sẽ tăng lên mốc 1.600 đến 1.800 điểm. Trong lễ thực hiện nghi thức đánh cồng khai xuân, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cũng đã khẳng định, sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa, đưa nhiều doanh nghiệp có uy tín, có thương hiệu niêm yết trên TTCK. TPHCM sẽ tập trung hoàn thành Đề án xây dựng thành phố trở thành trung tâm tài chính quốc tế để thúc đẩy TTCK phát triển.
Cũng phải nói, TTCK Việt Nam vẫn còn một số tồn tại như tỷ lệ room ngoại còn bất cập, việc doanh nghiệp công bố thông tin cả bằng tiếng Anh và tiếng Việt còn hạn chế, thanh toán bù trừ chưa có thấu chi và ứng tiền trước… đặc biệt còn để xảy ra tình trạng quá tải hệ thống. Thế nhưng, hầu hết các bất cập này đã được “chỉ mặt, đặt tên” và ngành chức năng cũng đã có kế hoạch khắc phục.
Một điều cần lưu ý, TTCK năm nay không còn “dễ ăn”. Trước quyết định đầu tư, nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ. Mức tăng trưởng cổ phiếu năm 2022 phụ thuộc lớn vào giá trị thực hiện hữu cũng như đánh giá triển vọng tương lai thay vì “sóng ảo” như năm 2021.

Các tin khác