Năm 2018, từ đầu năm nhiều NH đã giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng, dẫn đến suy đoán lợi nhuận của ngành sẽ bị ảnh hưởng, nhưng theo các chuyên gia các NH vẫn còn nhiều kênh kinh doanh có hiệu suất sinh lời cao bổ trợ cho lợi nhuận.
Thiết lập kỷ lục mới
Theo báo cáo trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank năm 2017 đạt 11.018 tỷ đồng, tăng 32,9% so với năm 2016, thực hiện 116% kế hoạch. Dư nợ tín dụng của NH đạt hơn 553.000 tỷ đồng, tăng 17,2% so với 2016, với xu hướng mở rộng mảng bán lẻ và thu hẹp các khách hàng vay không hiệu quả trong bán buôn. Dư nợ cho vay khách hàng FDI cũng tăng mạnh 27% so với 2016, đạt 39.692 tỷ đồng.
Nợ xấu nội bảng 6.170 tỷ đồng, giảm 705 tỷ đồng so với 2016 (giảm 10,3%). Tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm là 1,11%, giảm 0,35 điểm % so với 2016. Vietcombank đã trích hơn 6.187 tỷ đồng dự phòng rủi ro trong năm 2017, đưa số dư quỹ dự phòng đến nay đạt gần 8.200 tỷ đồng (tương đương 132% tổng nợ xấu) và NH cũng thu hồi được 2.180 tỷ đồng nợ ngoại bảng.
Trong 5 năm qua, các TCTD tại Việt Nam đã có chuyển biến tốt về hiệu suất sinh lời. Riêng năm 2017, lợi nhuận trước thuế tăng hơn 40% và lợi nhuận sau thuế cũng ước tăng 44,5% so với năm 2016, nhờ lãi thuần từ hoạt động tín dụng và dịch vụ tăng trưởng tốt, chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro giảm hơn so với năm 2016, đồng thời nợ xấu cũng được đẩy mạnh xử lý sau khi Nghị quyết 42 của hiệu lực. TS. Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia |
Trong báo cáo sơ bộ kết quả kinh doanh, BIDV cũng cho biết năm 2017 tổng tài sản đạt 1.176.000 tỷ đồng, tăng trưởng 16,7% so với 2016 và duy trì vị trí số 1 về tài sản. Tổng nguồn vốn huy động đạt 1.106.517 tỷ đồng, tăng trưởng 17,9% so với 2016. Tổng quy mô tín dụng và đầu tư đạt 1.136.778 tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với 2016.
Sau trích lập dự phòng và các khoản khác, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của BIDV đạt 8.800 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu đề ra và là mức lợi nhuận kỷ lục từ trước tới nay. Song song đó, kết quả định hạng tín nhiệm của BIDV năm 2017 cũng được cải thiện, cụ thể Moody’s đã nâng 1 bậc đối với đánh giá rủi ro cơ sở để phản ánh chất lượng tài sản của BIDV đã ổn định hơn, cũng như nguồn vốn và thanh khoản được cải thiện.
Đồng thời, Moody’s giữ nguyên định hạng với triển vọng chung ở mức tích cực đối với định hạng tiền gửi nội tệ dài hạn, định hạng nhà phát hành dài hạn và ổn định đối với định hạng tiền gửi ngoại tệ dài hạn.
Theo Moody’s, kết quả định hạng của BIDV hiện ngang bằng định hạng quốc gia Việt Nam, phản ánh vị thế của BIDV là NH có sở hữu của Chính phủ lớn thứ 2 trong hệ thống NH Việt Nam về thị phần huy động tiền gửi và cho vay, cũng như có khả năng nhận hỗ trợ rất cao của Chính phủ khi cần thiết.
Bứt phá của nhóm NHTMCP
Bứt phá của nhóm NHTMCP
Năm 2017 cũng là năm có nhiều NHTMCP tăng vọt về lợi nhuận để gia nhập nhóm NH có lợi nhuận ngàn tỷ. Theo báo cáo hoạt động sơ bộ của Eximbank, các chỉ tiêu kinh doanh phần lớn đều đạt và vượt kế hoạch, như huy động vốn tăng 15,6%, tín dụng tăng 16,6% so với năm 2016.
Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế của Eximbank tăng trưởng đột biến, đạt khoảng 1.118 tỷ đồng, hơn 2,5 lần năm 2016 và đạt trên 169% kế hoạch năm. Trong tháng 12-2017, Eximbank đã thoái hơn 1,3 triệu cổ phiếu Sacombank, giảm mức sở hữu từ hơn 144,4 triệu cổ phiếu, tương đương 8,01% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của Sacombank, xuống còn 143 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 7,94% vốn cổ phần có quyền biểu quyết.

Tại OCB, qua 11 tháng đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế ở mức 960 tỷ đồng, tăng 200% so với năm 2016 và NH này tự tin sẽ đạt lợi nhuận trước thuế hơn 1.000 tỷ cho cả năm 2017. TPBank mới đây cũng cho biết lợi nhuận cả năm 2017 đạt 1.205 tỷ đồng, vượt 55,6% so với kế hoạch năm và tăng trưởng 70,5% so với lợi nhuận của năm 2016.
Song song đó, các NHTMCP lớn vẫn giữ vững phong độ với mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng. Tại MB, theo báo cáo tài chính riêng lẻ, tính đến cuối năm 2017, dư nợ cho vay đạt 180.257 tỷ đồng, hoàn thành 101,3% kế hoạch, tăng 121,1% so với năm 2016.
Huy động vốn đạt 220.227 tỷ đồng, hoàn thành 104,2% kế hoạch, tăng 112,9% so với năm 2016. Thu nhập lãi thuần và lãi thuần từ dịch vụ của NH cũng tăng mạnh lần lượt đạt 10.653 tỷ đồng (tương đương tăng 35%) và 531 tỷ đồng (tương đương tăng 34%).
Cả năm 2017, MB đạt lợi nhuận trước thuế 5.355 tỷ đồng, vượt kế hoạch 124,5%, tăng 144,3% so với năm 2016. Lợi nhuận trước thuế của HDBank năm 2017 đạt 2.420 tỷ đồng, trong khi tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ chỉ 1,1% và tỷ lệ nợ xấu hợp nhất 1,5%. Hiện ACB chưa công bố kết quả kinh doanh, nhưng CTCK Sài Gòn dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2017 của NH này đạt 2.519 tỷ đồng, tăng trưởng 51,13% so với năm 2016.
Cửa tăng trưởng vẫn lớn
Cửa tăng trưởng vẫn lớn
Tổng kết năm 2017, tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống đạt 18,17% so với cuối năm 2016, góp phần đạt chỉ tiêu GDP năm 2017 tăng 6,81% giúp lợi nhuận của ngành NH tăng mạnh. Bởi tỷ trọng thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng đóng góp đến 79% tổng thu nhập của các NH trong năm qua.
Theo các chuyên gia tài chính, lợi nhuận NH cải thiện nhờ tập trung vào mảng bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chẳng hạn, BIDV trong năm 2017 đạt kỷ lục lợi nhuận một phần nhờ giảm bớt tỷ trọng cho vay DN lớn và đẩy mạnh cho vay mảng bán lẻ, DNNVV và DN nước ngoài.
Cụ thể, lượng khách hàng cá nhân của BIDV trong năm đã đạt hơn 10 triệu khách hàng, tương ứng trên 10% dân số, tăng 14% so với năm 2016. Cả năm, tín dụng bán lẻ của NH đã đạt 238.526 tỷ đồng, tăng trưởng 33%, chiếm 27,5% tổng dư nợ tín dụng. Thu nhập ròng bán lẻ tăng trưởng 35% so với năm 2016. Ngoài ra, lượng khách hàng DNNVV đạt khoảng 236.000 khách hàng, tăng 14% so với năm 2016 và chiếm 98% tổng số khách hàng DN tại BIDV. Lượng khách hàng là DN FDI cũng đạt gần 3.000 khách hàng, tăng 20% so với năm 2016, cũng đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh doanh của NH trong năm 2017.
Kết thúc năm 2017, lãnh đạo nhiều NHTM nhận định tình hình kinh doanh của ngành NH đã có nhiều cải thiện và tốt hơn năm 2016 rất nhiều, và xu hướng này sẽ tiếp diễn trong năm 2018. Thanh khoản hệ thống đã được cải thiện, kỳ vọng tiếp tục duy trì trạng thái tích cực trong cả năm 2018; tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ tín dụng cũng được giữ ở mức thấp, nên kỳ vọng lợi nhuận trong năm 2018 sẽ tiếp tục được cải thiện.
Mặc dù nhiều NH đã giảm lãi suất cho vay ngay từ đầu năm theo khuyến khích của Chính phủ và NHNN, nhưng theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, NH không chỉ hưởng chênh lệch giữa huy động vốn và cho vay mà còn sống nhờ vào tài khoản vãng lai. Đây mới là một kênh mang lại lợi nhuận cao cho NH.
Chẳng hạn, một ngày tiền gửi vào tài khoản vãng lai 100 đồng, NH chỉ giữ 10-15 đồng để thanh toán hàng, còn 85 đồng tiền gửi không kỳ hạn với lãi suất rất thấp vẫn được NH đem cho vay. Đa số các NH luôn “săn” những DN có doanh số bán hàng lớn mời chào mở tài khoản vãng lai với nhiều ưu đãi, thậm chí là ưu đãi cho vay lãi suất 0%, vì đó là nguồn thu rất lớn cho NH.
Đồng thời, hiện nay các NH đang tập trung vào mảng bán lẻ, cho vay tiêu dùng. Lãi suất cho vay tiêu dùng luôn cao hơn lãi suất cho vay DN, các NH vẫn có thể lấy lãi từ bán lẻ bù đắp vào lãi cho vay DN, nên lợi nhuận của ngành NH vẫn có cơ hội tăng trưởng tốt.