NHTMCP Quốc Dân (NCB) vừa công bố biểu lãi suất tiết kiệm mới có hiệu lực từ ngày 8-6, trong đó điều chỉnh tăng ở một số kỳ hạn. Cụ thể, lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 6 tháng tăng 0,15% lên mức 6,2%/năm. Đồng thời, các kỳ hạn dài từ 13 tháng đến 60 tháng đều được điều chỉnh tăng thêm 0,25%.
Theo đó, lãi suất kỳ hạn 13 tháng đang ở mức 6,7%/năm, 15 tháng ở mức 6,75%/năm. Các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 30 tháng, 36 tháng và 60 tháng cùng ở mức 6,8%/năm.
Sau khi điều chỉnh tăng lãi suất huy động thêm từ 0,1-0,3% từ ngày 27-5, đến SHB công bố phát hành chứng chỉ tiền gửi phát lộc đợt I - 2021 dành cho khách hàng cá nhân tại tất cả các điểm giao dịch trên toàn quốc vào đầu tháng 6. Tổng mệnh giá đợt phát hành là 4.000 tỷ đồng.
Với số tiền tối thiểu từ 100.000 đồng, khách hàng có thể mua chứng chỉ tiền gửi và hưởng mức lãi suất năm đầu tiên 7%/năm đối với kỳ hạn 6 năm và 7,2%/năm đối với kỳ hạn 8 năm. Lãi suất các năm tiếp theo sẽ được điều chỉnh phù hợp, đảm bảo cạnh tranh trên thị trường.
Lãi suất tiền gửi tại BacABank cũng được điều chỉnh vào cuối tháng 5. Kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng tăng 0,1%, lên cùng mức 3,7%/năm. Các kỳ hạn từ 3 tháng đến 11 tháng đều tăng thêm 0,2%. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng ở mức 5,9%/năm, 9 tháng ở mức 6%/năm, 12 tháng ở mức 6,3%/năm, 13 tháng 6,5%/năm, từ 18 tháng trở lên áp dụng mức lãi suất 6,6%/năm.
PVComBank không điều chỉnh biểu lãi suất, tuy nhiên nếu gửi tiết kiệm online trên NH số PvcomBank sẽ được hưởng lãi suất cao hơn gửi trực tiếp tại quầy 0,3%/năm.
Trong khi đó như đã đưa tin, Sacombank, Techcombank, TPBank cũng là những nhà băng có sự điều chỉnh tăng lãi suất huy động vào giữa tháng 5 vừa qua.
Theo một chuyên gia tài chính, lãi suất tiết kiệm có xu hướng tăng vì tăng trưởng tín dụng hồi phục nhưng tốc độ huy động vốn không theo kịp do kênh tiền gửi tiết kiệm năm nay chịu sự cạnh tranh từ nhiều kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản.
Cụ thể, thông tin công bố tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5-2021 cho thấy, tăng trưởng tín dụng đã đạt 4,67%. Trong khi đó, số liệu từ báo cáo của Công ty chứng khoán SSI, tính đến ngày 21-5, huy động chỉ tăng trưởng 2,68% trong khi tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng 4,67% so với đầu năm, cao hơn nhiều mức tăng trưởng chỉ 2% của cùng kỳ năm ngoái. Chênh lệch giữa tiền gửi và tín dụng vào khoảng 160.000 tỷ đồng.
Hơn nữa, thời gian qua, nhiều NH cũng tăng cường đầu tư trái phiếu. Những yếu tố này có thể gây ảnh hưởng cục bộ đến vấn đề thanh khoản. Theo đó, lãi suất tiết kiệm được một số nhà băng đẩy lên để cạnh tranh hút vốn với các kênh khác.