Sau các quyết định giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều ngân hàng đã thay đổi biểu lãi suất huy động mới các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng thấp hơn nhiều so với trần quy định. Đây là lần thứ 3 trong năm 2020 và lần thứ 4 trong vòng một năm qua Ngân hàng Nhà nước có động thái như vậy.
Dù vậy, các chuyên gia đánh giá, lãi suất không phải là rào cản của tăng trưởng tín dụng mà là do sức cầu tín dụng yếu của nền kinh tế, việc hấp thụ được hay không còn phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh cũng như quá trình phục hồi kinh tế thế giới.
Tạo điều kiện cung cấp nguồn vốn rẻ
Tại Kienlongbank, lãi suất kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 3,55%/năm; 2 tháng 3,75%/năm và gửi từ 3-5 tháng là 3,95%/năm, giảm tối đa 0,6 điểm % so với trước đó. Tương tự, DongABank cũng vừa điều chỉnh lãi suất, áp dụng lãi suất kỳ hạn 1-5 tháng ở mức 3,83%/năm, giảm 0,42%/năm so với trước điều chỉnh. Đối với ACB, lãi suất tiết kiệm ở kỳ hạn 1 tháng giảm 0,1 điểm phần trăm xuống còn 3,6-3,7%/năm. Lãi suất kỳ hạn 2 và 3 tháng giữ nguyên so với tháng 9, từ 3,8-3,9%/năm.
Ở các ngân hàng thương mại lớn, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng cũng đang giao động ở mức 3,3%-3,6%/tháng.
Nhóm phân tích cũng chỉ ra, xu hướng giảm cũng rõ rệt hơn ở lãi suất huy động trung và dài hạn trong vòng 3 tháng qua, với mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn hơn 12 tháng hiện phổ biến ở 6%-7%%/năm.
Theo đánh giá của tiến sỹ Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Tài chính (Bộ Tài chính), quyết định giảm đồng loạt các loại lãi suất điều hành là phù hợp với diễn biến thị trường. Bởi lạm phát đang có xu hướng giảm, trong khi tín dụng đang tăng trưởng chậm, việc giảm lãi suất sẽ vừa hỗ trợ tăng trưởng tín dụng vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
“Đây là cơ sở quan trọng để Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, điều tiết thanh khoản, tạo thuận lợi nhất để các tổ chức tín dụng có nguồn vốn rẻ cho doanh nghiệp, người dân vay, kích thích tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế,” ông Độ nói.
Phân tích kỹ hơn, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, trong bối cảnh lạm phát 9 tháng thấp hơn kỳ vọng (CPI trung bình 9 tháng tăng 3,85%), quyết định trên của Ngân hàng Nhà nước là hợp lý và tương đồng với kịch bản cơ sở của KBSV.
Tất cả các biện pháp trên đều nhằm mục đích tạo điều kiện cung cấp nguồn vốn rẻ cho ngân hàng thương mại, từ đó giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và cũng là xu hướng của các Ngân hàng trung ương trên thế giới, bên cạnh các gói hỗ trợ tài khóa để đối phó với tác động của dịch COVID-19.
KBSV cho rằng, việc hạ lãi suất điều hành như lãi suất tái chiết khấu, tái cấp vốn và OMO sẽ chỉ mang tính định hướng do thanh khoản trong hệ thống vẫn dư thừa trong suốt nhiều tháng qua.
Trên thực tế, mặt bằng lãi suất huy động đã liên tục giảm mạnh kể từ sau lần cắt lãi suất điều hành vào tháng 5/2020. Lãi suất huy động ở mức thấp và trong xu hướng giảm xuất phát từ hai nguyên nhân.
Thứ nhất, về phía cung, nguồn vốn đầu vào đang rất dồi dào, từ cả phía Ngân hàng Nhà nước (nghiệp vụ mua ngoại tệ) lẫn từ phía dân cư và doanh nghiệp (huy động vốn 9 tháng tăng khá, ở mức 7,7%) và về phía cầu, đầu ra tín dụng yếu (tín dụng 9 tháng chỉ tăng 5,12%).
Thứ hai, áp lực duy trì tỷ lệ biên lãi thuần (NIM) phù hợp để bù đắp cho việc cắt giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng trong dịch COVID-19.
Tính đến thời điểm hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm tổng cộng 50-200 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn so với đầu năm nay. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng hiện phổ biến ở mức 2,5%- 4%/năm, đã thấp hơn khá nhiều mức trần mới 4%/năm của Ngân hàng Nhà nước, do vậy dư địa lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng để tiếp tục giảm mạnh sẽ không còn nhiều.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) lại cho rằng, tác động thực tế tới nền kinh tế của các lần cắt giảm lãi suất điều hành càng về sau càng hạn chế.
Lý do là thanh khoản hệ thống ngân hàng kể từ tháng Năm đến nay luôn ở trạng thái tích cực, khiến lãi suất liên ngân hàng giảm sâu về mức thấp kỷ lục nên các ngân hàng không có nhiều nhu cầu vay vốn qua kênh OMO hay tái chiết khấu từ Ngân hàng Nhà nước. Điều này đồng nghĩa với việc giảm lãi suất cho vay qua các kênh vay mượn trên sẽ không có quá nhiều tác dụng trong việc giảm thêm lãi suất.
Ở góc độ ngân hàng, Phó Tổng giám đốc VIB Lê Quang Trung cho biết, việc giảm lãi suất điều hành tạo điều kiện cho các ngân hàng tiếp cận được nguồn tiền từ Ngân hàng Nhà nước với lãi suất thấp hơn. Trên cơ sở đó, các ngân hàng chào mức lãi suất cho vay tốt hơn đối với khách hàng, qua đó, thúc đẩy tín dụng tăng tích cực hơn. Nhất là giảm lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên - lĩnh vực cốt lõi của nền kinh tế - sẽ hỗ trợ tích cực tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Không phụ thuộc vào lãi suất mà là sức cầu
Việc giảm đồng loạt lãi suất ngân hàng theo đánh giá của giới chuyên môn là động thái tích cực để hỗ trợ các doanh nghiệp hiện tại, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhưng đây không phải yếu tố quan trọng nhất.
Theo tiến sỹ Võ Trí Thành - thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, lãi suất không phải là rào cản của tăng trưởng tín dụng mà là do sức cầu tín dụng yếu của nền kinh tế. Do vậy thời gian tới, việc hấp thụ được hay không còn phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh cũng như quá trình phục hồi kinh tế thế giới.
Một số doanh nghiệp thắc mắc mặt bằng lãi suất hiện đã đi xuống đáng kể so với trước nhưng vì sao lãi suất cho vay chưa giảm tương xứng với lãi suất huy động?
Lãnh đạo một ngân hàng phân tích, nếu chỉ nhìn trần lãi suất huy động dưới 6 tháng sẽ thấy lãi suất đầu vào giảm sâu, trong khi khoản vay của các doanh nghiệp thường từ 1-2 năm hoặc hơn, riêng với khách hàng cá nhân vay mua nhà thời hạn tới 10-20 năm…
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp có độ an toàn cao, khả năng tài chính tốt vẫn đang được vay với lãi suất rất thấp, thậm chí các ngân hàng còn cạnh tranh nhau để cho vay. Riêng với lãi suất vay tiêu dùng là khoản vay cá nhân, bán lẻ nên chi phí quản lý khoản vay thường cao hơn với doanh nghiệp. Thời gian vay càng dài lãi suất sẽ cao hơn, chưa kể ngân hàng cũng phải huy động vốn trung dài hạn với lãi suất cao.
Hiện nay, các ngân hàng cũng đang điều chỉnh giảm tùy vào việc đánh giá mức độ rủi ro của từng ngân hàng đối với từng lĩnh vực. Hiện tại, một số ngân hàng như VietinBank, BIDV, Vietcombank, OCB, HDBank, VIB… đang cho doanh nghiệp vay sản xuất kinh doanh được áp dụng lãi suất chỉ từ 6%-8%/năm, thậm chí một số doanh nghiệp tốt được vay ưu đãi với lãi suất thấp hơn.