Đặc biệt càng gần ngày 16-9, ngày Gojek chính thức rời khỏi Việt Nam, thì các hãng xe công nghệ như Grab, Be, Xanh SM hay một số hãng vận chuyển luôn trong tình trạng quá tải tài xế đến đăng ký.
Việc các lái xe công nghệ phải nhanh chóng tìm việc ở các hãng mới cũng không có gì khó hiểu, bởi họ không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp... nên khi mất việc gần như không có một khoản trợ cấp nào, vì thế phải nhanh chóng tìm việc mới để mưu sinh.
Trước bối cảnh nhu cầu vận chuyển ngày càng đa dạng, không chỉ con người mà còn hàng hóa, thì những lái xe của Gojek có thể sẽ nhanh chóng tìm được việc mới, nhưng vấn đề an sinh xã hội cho nhóm lao động này một lần nữa khiến nhiều người băn khoăn.
Những năm gần đây, lái xe công nghệ không còn là công việc kiếm thêm lúc nhàn rỗi, mà đã trở thành nghề chính của rất nhiều người, thậm chí số lượng người tham gia công việc này đang không ngừng tăng nhanh. Không chỉ người lớn tuổi không có việc làm, mà ngày càng nhiều người trẻ, người tốt nghiệp đại học cũng chọn lái xe công nghệ là điểm dừng chân trên hành trình nghề nghiệp.
Họ dành từ 8-10 thậm chí 12 tiếng mỗi ngày cho công việc này. Chưa hết, do phải di chuyển liên tục ngoài đường, nên lái xe công nghệ phải đối mặt với nhiều rủi ro nhưng lại không có sự chăm lo về an sinh xã hội, không được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, và rất ít người có khả năng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện nên sẽ chịu thiệt thòi.
Lý do được đưa ra cho việc lái xe công nghệ chưa được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, là bởi họ chỉ được coi là đối tác tài xế chứ không phải đối tượng có hợp đồng lao động với các hãng xe công nghệ. Họ vui, rảnh rỗi thì chạy, buồn hoặc bận công việc có thể tắt app, dẫn đến thu nhập không ổn định, nên việc tính toán mức đóng hàng tháng như thế nào cũng là một thách thức.
Chưa kể không ít tài xế chưa mặn mà với việc này, bởi thu nhập càng ngày càng giảm (do có nhiều người cùng vào nghề), chi phí hoa hồng trích lại cho công ty cao, nên nếu phải trích thêm để đóng bảo hiểm xã hội thì khó khăn lại thêm khó khăn.
Hiện các hãng xe công nghệ cũng có các chương trình hỗ trợ như hỗ trợ bảo hiểm tai nạn, hỗ trợ một phần chi phí bảo hiểm sức khỏe… nhưng tất cả là chưa đủ, nhất là trong trường hợp người lao động mất việc như câu chuyện của Gojek nói trên. Hay như thời điểm đại dịch Covid-19 vừa qua, không ít lái xe công nghệ cho biết thời điểm đó không được chạy xe lại không có bảo hiểm xã hội, nên không nhận được hỗ trợ vì thế hết sức khó khăn.
Thực ra không phải đến khi Gojek chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam hay trước đó là Baemin, thì vấn đề chăm lo an sinh xã hội nói chung cho lái xe công nghệ mới được nhắc tới. Vài năm trở lại đây, vấn đề này đã được bàn tới khá nhiều, đặc biệt là trong thời điểm lấy ý kiến về Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Khi đó nhiều đại biểu, cử tri cho rằng cần đưa đối tượng tài xế xe công nghệ vào nhóm đối tượng bổ sung tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, để tạo thêm ràng buộc về trách nhiệm của công ty với người lao động, đảm bảo quyền lợi của nhóm người lao động này nhất là khi có rủi ro xảy ra.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, do thu nhập của tài xế công nghệ không ổn định, nên cơ quan quản lý cần nghiên cứu mức đóng theo thu nhập thay vì mức cố định như theo lương tối thiểu vùng…
Chưa hết, có chuyên gia cho rằng, cần có nghiên cứu xã hội học để định hình tương lai về nhu cầu nguồn nhân lực này, để chúng ta có những giải pháp trong vấn đề giám sát, đảm bảo an sinh xã hội, quyền lợi cho người lao động trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, hiện nay dù Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) chính thức được thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, nhưng lái xe công nghệ vẫn chưa thuộc đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Và những lái xe công nghệ vẫn thấp thỏm với chính sách an sinh xã hội.